Lưu Quang Minh: Già từ khi còn trẻ…

Sở hữu “gia tài” mấy chục truyện ngắn đăng trên nhiều tờ báo, những bài hát là phiên bản của chính những truyện ngắn ấy, cái tên Lưu Quang Minh (ảnh) (SN 1988, hiện sống tại TP Hồ Chí Minh) được cư dân mạng và giới trẻ ưa thích. Đọc những truyện ngắn của Minh, nhiều người cho rằng, Minh mang tư duy và sự nhạy cảm quá già dặn so với lứa tuổi, từ “Cô đơn trên mạng”, “Gia tài tuổi 20”, “Thương quá… nhồng ơi…”, hay “Tiếng lanh canh và những ô cửa sáng đèn”, “Thực hay mơ” … Lợi thế tuổi trẻ đang khiến Minh cùng lúc dấn bước vào nhiều lĩnh vực ngoài công việc chính là thiết kế, nhưng Minh là một trong số ít người trẻ đã khiến không ít người phải ngạc nhiên.



Truyện ngắn đầu tay “Cô đơn trên mạng” Minh viết cách đây năm năm, lúc ấy Minh 18 tuổi. Trước đó, Minh cũng sáng tác nhưng chủ yếu chỉ để đọc cho vui, sau đó có viết một số bài ngắn dưới dạng “câu chuyện gia đình” và được đăng trên tờ Doanh nhân Sài Gòn. Chỉ đến khi “Cô đơn trên mạng” ra đời, được in trên Phụ nữ Chủ nhật, Minh mới bắt đầu sáng tác nhiều hơn.


“Cô đơn trên mạng” kể về một cô bé với tâm trạng chán chường trước hoàn cảnh gia đình ba mẹ đang có những rạn nứt, đổ vỡ. Sự cô đơn đã khiến cô bé chìm vào những u uất tưởng như khó có thể tháo gỡ và blog chính là nơi cô giãi bày lòng mình, và cũng nhờ blog cô đã gặp một người bạn trên thế giới ảo tên là “Sống”. Người bạn ảo “Sống” đó đã cho cô một niềm tin vào những điều mà cô tưởng như là bất hạnh nhất của mình. Câu chuyện của “Sống” thức tỉnh cô, cô nhận ra rằng, người bạn mình chưa bao giờ gặp mặt ấy, đã sống hết mình, tin vào cuộc sống hết mình dù thời gian còn lại trên thế gian chỉ được tính bằng ngày do căn bệnh hiểm nghèo.


Câu chuyện đơn giản là vậy, nhưng “Cô đơn trên mạng” đã làm cho bao bạn trẻ xúc động và biết đến cái tên Lưu Quang Minh. “Cô đơn trên mạng” sau này được Minh kể lại rằng: “Trong nhiều đêm thức khuya làm bài, mò mẫm trong ánh sáng mờ ảo của màn hình máy tính, tôi đi từ Blog này qua Blog khác, chu du vô định, không rõ mình ở đâu, trong lòng chẳng hiểu tại sao cứ thế trào lên một nỗi buồn khôn tả. Không phải, đó là sự cô đơn. Nó giống như cảm giác ta đứng giữa hàng triệu người mà vẫn thấy mình thừa thãi, lạc lõng, trơ trọi. Nửa đêm. Cô đơn trên mạng. Chính lúc ấy, có gì đó thôi thúc tôi phải viết. Tôi vội mở Word ra gõ dòng chữ: Cô đơn trên mạng. Nhanh lên, phải viết ra ngay! Đó chính là lần đầu tiên tôi viết cái có thể tạm gọi là truyện ngắn. Mỗi ngày mở ra viết một ít, cô đúc hình thành dần ý tưởng về một cô bé Blogger cô đơn trên mạng, và người bạn kỳ lạ chưa gặp bao giờ: Sống”.


Minh thừa nhận rằng, khi 18 tuổi, đúng thời điểm viết câu chuyện ấy, Minh cũng có cảm giác như không ít bạn trẻ khác, đôi khi thấy mình rất cô đơn, lạc lõng. Tâm trạng này đã hối thúc cậu viết và Minh cũng nhận ra, viết cũng là cách giải tỏa, để thấy mình còn tồn tại và nhận ra mình còn may mắn hơn bao nhiêu những phận người ngoài kia.


Sinh ra và lớn lên tại TP Hồ Chí Minh, nhưng bố mẹ Minh đều là người Hà Nội. Bố là kỹ sư xây dựng, mẹ là nhà báo, có lẽ Minh ảnh hưởng văn chương từ mẹ mình. Thuở nhỏ, cậu rất thích vẽ và được bố mẹ cho đi học lớp vẽ năng khiếu ở Nhà thiếu nhi thành phố, từng đoạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi như Nhành cọ non, Nét vẽ xanh…


Niềm say mê hội họa ấy khiến Minh chọn nghề thiết kế, nhưng niềm say mê văn chương thì chưa bao giờ nguội tắt. Cậu nhận ra sự gần gũi giữa hai ngành tưởng như hoàn toàn khác biệt này bởi dù là thiết kế hay sáng tác thì đều đòi hỏi tính sáng tạo không ngừng. Cũng chính học thiết kế mỹ thuật đã cho Minh một cách quan sát tỉ mỉ sự vật, con người, nắm bắt thần thái, cái hồn của chủ thể. “Nhờ học mỹ thuật, quan sát nhiều nên em dễ cảm, có khi chỉ là một chi tiết nhỏ, thoáng qua, em gặp đâu đó hàng ngày. Rồi mình nghĩ nhiều về nó, cứ thế có gì đó thôi thúc mình cần phải viết ra. Văn chương đến với em một cách tự nhiên, viết như một niềm vui, không gượng ép”, Minh nói.


Chính vì thế, khi đọc những truyện ngắn của Minh, người ta nhận ra cách viết giản dị, gần gũi, mỗi câu chuyện đều gắn với cuộc sống như nó đang diễn ra ngoài kia, nhiều câu chuyện rất xúc động, nhiều câu chuyện là trăn trở của người trẻ trước cuộc sống.


“Gia tài tuổi 20” cho thấy sự day dứt khi người ta 20, trong gia tài, trong hành trang của họ có những gì, tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp hay chỉ là những giọt nước mắt, những khổ đau, khó khăn, một khuôn mặt bình thường…? “Thực hay mơ” là sự mâu thuẫn, cũng là khát khao được sống như chính bản thân mình, và để sống như thế, nhiều khi con người ta chỉ muốn được ngủ mơ vì chỉ trong giấc mơ ấy, bản thân mới thăng hoa, được yêu và yêu như bản năng vốn có…


Nhưng cũng chính bởi sự đa cảm và nhạy cảm trong từng câu chuyện mà Minh như vượt xa tâm lý của tuổi mình, nhiều lúc vươn cả đến những chuyện của người lớn tuổi, với diễn biến tâm lý phức tạp; nhưng câu chuyện đều thể hiện một cách hợp lý, không gượng ép, không khuôn mẫu, khiến người ta tưởng như tác giả của nó đang sống đời sống thật ấy.


Nhân vật vì vậy sinh động, chân thực. Song sự nhạy cảm của chàng trai ngoài hai mươi này đều có nguyên căn của nó. Nhiều truyện của Minh có nguyên mẫu, nghĩa là những nhân vật rất thật trong cuộc sống, điều mà cậu chứng kiến mỗi ngày, vì thế khi viết ra rất dễ khiến người ta xúc động, cái còn lại chỉ là cách thể hiện thế nào, mà điều này thì Minh vốn có sẵn rồi.


Những nguyên mẫu ấy có thể thấy trong “Đàn ông đi chợ”, bởi nhân vật chính là một người thân của Minh. Chú thỏ trong “Thỏ Ragu”, cặp vợ chồng và đứa con trai trong “Tiếng lanh canh và những ô cửa sổ sáng đèn” hay người mẹ trong “Bắp xào ơi”… đều có thật.


Điều đặc biệt với chàng trai này còn ở chỗ, nhiều câu chuyện từ truyện ngắn trở thành chất liệu trong âm nhạc. Minh từng tâm sự rằng, văn chương là niềm vui thứ nhất thì âm nhạc là niềm vui thứ hai. Minh cũng thích hát, cũng từng học nhạc. Nhưng cuộc sống cần có một nghề nghiệp nhất định, nên Minh chọn thiết kế, còn văn và nhạc là niềm đam mê.


Chàng trai này không sợ như thế là ôm đồm, tham lam mà ngược lại, Minh tự tin vào khả năng, sức trẻ và sự may mắn khi không phải từ bỏ mọi ước mơ để lao vào cuộc mưu sinh kiếm sống. Sự nhạy cảm và năng khiếu ở nhiều lĩnh vực đã khiến Minh làm được nhiều thứ cùng một lúc. Nhiều tác phẩm âm nhạc do Minh sáng tác chính là phiên bản của truyện ngắn cùng tên.


Đầu tiên là bài hát “Gia tài tuổi 20”, đây cũng chính là một truyện ngắn và là tên của tập truyện ngắn đầu tay (Nhà xuất bản Văn học, 3/2010) của chàng trai này. Mới đây, phiên bản âm nhạc “Thực hay mơ” của Single Thực hay mơ từ truyện ngắn cùng tên cũng đã ra mắt. Nội dung bài hát thể hiện qua những ca từ chuyên chở sâu nặng sự trăn trở, day dứt trước chính bản thân mình, và hơn hết là niềm khát khao được sống hết mình, sống là chính mình: “Nhiều khi tôi thấy chính mình trong những giấc mơ nhỏ nhoi/Mỗi giấc mơ một ngày trôi qua/Mỗi giấc mơ tôi được là chính tôi/Nhiều khi ta khẽ hỏi lòng/ Đã sống hết cho mình hay chưa?/ Nhiều khi thức giấc ngỡ ngàng/ Mới hay từng ngày trôi, tôi không được là chính mình…”. Sau “Thực hay mơ”, Minh sẽ tiếp tục ra mắt phiên bản âm nhạc của truyện ngắn “Bắp xào ơi”. Trong năm nay, Minh cũng dự định sẽ ra mắt ít nhất là một tập truyện ngắn, đồng thời với một sản phẩm âm nhạc cùng tên.



Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN