Lớp học Sao Khuê của ông đồ già

Cho dù chữ Nho có bị phôi phai, nhưng tại làng Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn còn một ông đồ già đang dạy chữ nho
.
Ông Nguyễn Nghiêm Đạt (ảnh) năm nay đã 70 tuổi. Giữa tiếng đục đẽo, khoan cắt gỗ của làng nghề mỹ nghệ, ông tiếp tôi trong căn phòng treo đầy chữ Nho. Mở đầu câu chuyện, ông Đạt nói chậm rãi: “Chữ Nho là tinh hoa văn hóa ông cha ta để lại, mỗi con chữ chứa đựng biết bao ý nghĩa sâu xa. Vì thế, học chữ Nho, trước hết là học đạo đức, học cách làm người. Điều này thì không bao giờ lạc hậu cả”. Đặc biệt đối với làng nghề chuyên tạc tượng, sơn son thếp vàng hoành phi câu đối như Sơn Đồng thì vai trò của chữ Nho càng quan trọng.


Ban đầu ông chỉ có ý định dạy cho các con cháu trong nhà. Bé Ngọc Nhi, cháu nội của ông Đạt mới 5 tuổi đã viết được những con chữ đơn giản trong đó có tên mình. Về sau, một số người thấy hay, lại cảm cái đức của ông Đạt nên kéo đến xin thầy theo học. Ông Đạt không hạn chế đối tượng học, tuy nhiên đã theo học thì phải học nghiêm túc, học đến nơi đến chốn.

Bài học đầu tiên là cách cầm bút lông. Tưởng đơn giản nhưng theo ông Đạt, đó là bài học căn bản, quyết định đến việc viết chữ có đẹp hay không. Tại sao khi viết bằng bút lông phải dựng thẳng bút? Tại sao nghiên mực phải có độ dốc? Tất cả đều có lí do của nó cả. “Dây thần kinh tim và óc người gắn với 2 đầu ngón tay cái và trỏ. Do đó, khi người ta viết bằng bút lông, hoặc vuốt ve ngòi bút khi chấm mực tức là họ đang viết bằng tim óc”, ông Đạt nói.

Ban đầu chỉ vài ba người học, sau đó lên cả trăm người. Một người đàn ông 60 tuổi từ Điện Biên cũng về nhà thầy xin học làm chính ông Đạt cũng bất ngờ. Rồi, ông quyết định mở hẳn một lớp học để việc truyền dạy trở nên có bài bản, quy củ hơn. Đặc biệt, lớp học mang tên Sao Khuê vào tối thứ năm và chủ nhật này hoàn toàn miễn phí. Trường tiểu học Sơn Đồng gần nhà thấy thế cũng đồng ý cho ông mượn phòng tổ chức lớp.

Để học sinh dễ hiểu, ông Đạt đã sáng tạo ra một cách truyền đạt thông qua việc đặt câu hỏi bằng thơ, vừa dễ nhớ lại dễ hiểu. Chẳng hạn: “Có cô con gái đứng yên. Đứa bé chạy lại đứng liền bên cô”, đó là chữ gì? Rồi ông giải thích cụ thể: Cô con gái là chữ “Nữ”, đứa bé chạy lại là chữ “Tử”, đó là hình ảnh mẫu tử gần nhau, biểu thị chữ “Hảo”, mang ý nghĩa tốt đẹp, sự sinh sôi nảy nở”.

Ông Đạt cũng mừng vì việc dạy chữ của mình còn rèn người. Một đôi vợ chồng thường xuyên cãi vã nhau, sau khi được thầy dạy chữ đã quay lại hòa thuận với nhau. Đó là một cậu học sinh hỗn xược với bố mẹ, nhưng sau khi học chữ đã được thầy giáo hóa, trở nên hiếu thuận, kính trọng bố mẹ. Thật là một phương pháp giáo dục hiệu quả, hơn nhiều đòn roi trừng phạt!

Ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, ông Đạt vẫn tràn đầy nhiệt huyết với công việc dạy chữ- rèn người của mình. Mong mỏi lớn nhất của ông là có một địa điểm dạy học cố định, đàng hoàng để học trò đỡ vất vả. Ông tâm sự: “Học rộng là thánh hiền, thiên tài là tích lũy. Thần Phật không ở đâu xa mà chính là chúng ta. Có điều chúng ta có muốn trở thành thần Phật không thôi”.

 Nam Hoàng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN