Màn múa lân – múa xuống đồng. Ảnh: Quang Đán/TTXVN |
Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang được tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo du khách thập phương tới tham dự.
Phần lễ chính của hội Lồng tông diễn ra tại đền Pú Bảo, ngôi đền linh thiêng của đồng bào dân tộc Tày huyện Lâm Bình. Lễ dâng lên cúng tế đều là những sản vật nông nghiệp do người dân bản địa làm ra, được những chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống dâng lên các vị thần linh.
Phần nghi lễ cúng tế trời đất, cầu các thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, con người khoẻ mạnh, cây cối tươi tốt, vạn vật sinh sôi, mùa màng bội thu do thầy mo thực hiện. Thầy mo đọc lời khấn và bắt đầu những nghi thức cầu cúng tạ ơn Thần nông, Thần sông, Thần núi, Thành hoàng làng… những vị được đồng bào dân tộc Tày xem là có sự tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
Phần hội được bắt đầu bằng lễ “Tịch điền” (xuống đồng cày ruộng), sau đó du khách được thưởng thức các tiết mục hát Then; chương trình trình diễn trang phục truyền thống tham quan những gian hàng nông sản đặc sản của địa phương; tham gia những trò chơi dân gian như tung còn, bịt mắt bắt vịt, đánh yến, đánh pam, đua mảng, chọi gà…
Lồng tông theo tiếng Tày có nghĩa là “xuống đồng”, là lễ hội mang nhiều yếu tố tín ngưỡng tâm linh. Đây là lễ hội có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Tày, là dịp để các cư dân nông nghiệp bày tỏ lòng biết ơn đến thần linh, tổ tiên, những người đã có công khai hoang, lập đất trồng lúa nước và hoa màu, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi nhà an vui, hạnh phúc... Lễ hội đã trở thành nét đẹp đời sống cộng đồng, là nét văn hoá độc đáo của dân tộc Tày góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.
Năm 2013, Lễ hội Lồng tông của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.