“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, trẩy hội để cầu mong an lành, may mắn, tài lộc cho cả năm. Nhưng đi hội xuân giờ khó mà thong dong, an lành. Thay vào đó là cảnh chen lấn, giẫm đạp. Văn hóa lễ hội cần được chấn chỉnh từ nhà tổ chức tới người tham gia.
Trên đường hành hương
Tâm lý đám đông khiến người ta tự do xô đẩy, chèn ép nhau. Thiếu hiểu biết khiến người hành hương vi phạm những nguyên tắc chay tịnh của đạo Phật. Sự thèm khát danh lợi khiến người ta cư xử theo kiểu mạnh ai nấy được. Đó là những phản cảm của nhiều cuộc hành hương khiến những người có văn hóa phải lắc đầu…
“Ép” Phật ăn mặn, nhận mã
Chùa Hương là một trong những hội xuân sớm nhất đầu năm. Được tiếng là linh thiêng, chùa Hương còn hút khách hơn nhờ quan niệm đi lễ chùa Hương phải ba năm liền mới đậu lộc. “Người ta có đi chùa Hương mười lần nhưng cách quãng nhau thì cũng không thể bằng ba năm liền đi lễ. Thế nên dù đông, dù chen, vợ chồng tôi cũng phải cố gắng đi cho hết năm nay để trọn ba năm”, chị Ngọc Hà (Hà Nội) cho biết.
Hành động hội mang tính biểu tượng và chứa đựng năng lượng thiêng
Quan sát đời sống của các tộc nông nghiệp có thể thấy một chu kỳ sinh trưởng của vật nuôi. Theo chu kỳ đó, hội mùa xuân thường là hoạt động văn hóa mở đầu một năm sản xuất. Thời điểm mở hội thường được đánh dấu bằng một hiện tượng thiên nhiên có ảnh hưởng tới việc gieo cấy. Ở các nước Đông Nam Á, thời điểm ấy thường ứng với cuối tháng Ba đầu tháng Tư dương lịch.
Sau này, người Việt áp dụng lịch mặt trăng của Trung Hoa. Do đó, họ đã chuyển dịch thời điểm mở hội mùa xuân sớm hơn thực tế thời tiết để thích nghi với lịch như ta thấy ngày nay.
Hội người Việt tổ chức ở đình hoặc có thể ở chùa, đền. Các tộc người thiểu số thường tổ chức ở ngoài bãi rộng. Trong hội, người ta mời thần linh vốn là tác nhân của mưa, thần sông, núi, anh hùng, tổ tiên… về dự. Bằng lời khấn và các trình diễn dân gian, con người bày tỏ nguyện vọng cầu xin thánh thần giúp đỡ. Phần nội dung đầu được trình bày bằng những nghi thức trang nghiêm ở trước bàn thờ hoặc chung quanh cây nêu. Sau đó là các trình diễn dân gian thực hiện tại chỗ hoặc trong diễu hành; hoặc cả hai hình thức.
Ngày nay nhiều nhà nghiên cứu chia hội làm hai phần, trong đó phần hội được coi như những hoạt động văn nghệ vui vẻ, giải trí bằng các trình diễn dân gian. Cố nhiên, giải trí là một trong những hình thức thỏa mãn nhu cầu giải tỏa bức xúc và tiến hành giao tiếp xã hội. Tuy nhiên nếu nhìn sâu hơn vào mối quan hệ với mục đích của hội thì sẽ thấy không hoàn toàn như vậy.
Một cuộc đối đáp nam nữ trong hội cần được hiểu như một biểu tượng có tính ma thuật của sự kết hợp giao hòa đực cái. Có nhiều ý kiến cho rằng việc cướp và đẩy quả cầu sơn đỏ vào một cái hố tròn cũng có ý nghĩa âm dương nào đó. Do vậy, trò diễn này không thể được coi là một môn thể thao đơn thuần. Vì vậy, mọi hoạt động ở cả hai phần đều được thiêng hóa.
Trong bản chất của mình, mọi hành động hội đều mang tính biểu tượng và chứa đựng năng lượng thiêng ở mức cao nhất mà nhân dân có thể sáng tạo và gửi gắm. |
Đội lễ cũng là một dịch vụ “chặt chém” khách hàng. Ảnh: Lê Phú |
Chính vì cố đi lễ cho đủ ba năm liền nên chị không quản thức khuya, dậy sớm chuẩn bị đồ lễ. Gà, xôi sau khi lễ xong sẽ ngả ra ăn luôn theo lệ của cả nhóm. Năm nay lạnh hơn hẳn những năm trước nhưng cũng chỉ leo một lúc là ai nấy toát mồ hôi. Mặc dù thành kính như vậy, chị Hà không hề hay biết mình đã “phạm” vào điều không cúng mặn dâng Phật.
Chị Hà không phải ngoại lệ, chùa Hương năm nào cũng nghi ngút khói đốt vàng mã - cũng là một điều không nên làm khi cúng Phật. Chưa kể việc ngả lễ ra ngồi ăn bất cứ chỗ nào thuận tiện cũng làm mất mỹ quan nơi chùa chiền. Lại nữa, rác thải sau những lần thụ lộc, đốt mã rải tứ tấn càng khiến chùa Hương trở nên lộn xộn hơn.
Tiền được bỏ đầy thùng che kín cả tượng. Ảnh: Lê Phú |
Năm nay, rác vẫn tiếp tục tràn ngập mặc dù Ban tổ chức đã bố trí nhiều sọt rác dọc hai bên suối Yến tại khu vực bến đò, trên từng thuyền và trong khu vực chùa Thiên Trù. Chưa kể, hàng chục nhân viên vệ sinh được huy động để liên tục vớt rác trên suối Yến, thu gom rác tại khu vực chùa.
Cũng như vậy, tiền lẻ găm tứ tung trên các tượng Phật, tượng sư tử…
“Găm tiền lên các tượng Phật, ném tiền xuống giếng, xuống các hồ tại chùa chiền giờ đây phổ biến đến mức tới đình chùa nào cũng gặp. Nó chứng tỏ sự thiếu văn hóa của người đi lễ. Họ hoàn toàn không có lối cư xử đúng mực tại không gian thiêng”, GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu dân gian cho biết.
Yếu thì đừng… đi lễ
Cũng chính vì sự thiếu đúng mực này của người hành hương mà GS Ngô Đức Thịnh chia sẻ, ông đã không còn “dám” đi hội đầu năm. “Tôi nghĩ đấy là những cuộc xô đẩy tai hại. Người có tuổi thực sự không nên có mặt tại những chốn như thế. Vậy mà, trước đây, hành hương đầu năm dường như là thú vui của người có tuổi”.
Hàng quán bày la liệt gây mất mỹ quan. Ảnh : Lê Phú |
“Đường lên chùa Thiên Trù rộng rãi là thế mà cũng ùn tắc liên tục. Chỉ tội cho người già, trẻ em”, chị Ngọc Hà thở phào sau lần thứ ba lễ chùa Hương về. “Tôi thấy bị xô mạnh từ sau lưng và bị ép cả hai bên người. Người ta xô nhau không cần biết mình xô vào người già, phụ nữ hay trẻ em. Thật là ngột thở”.
Năm ngoái, kỷ lục không ai muốn này rơi vào Hội đền Trần (Nam Định) với lá ấn lộc được cho rằng có khả năng giúp người nhận thăng quan tiến chức. Tại đây, Ban tổ chức đã phải dựng “chuồng cọp” rồi chui vào ngồi trong đó phát ấn.
Người dân tham gia các trò chơi tại Lễ hội Chùa Keo, Thái Bình. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN |
Mặc dù vậy, ngay cả “chuồng cọp” này cũng không ngăn cản nổi dòng người ép thẳng, áp sát “xỉa tiền” vào xin lộc ấn. Hội đền Trần 2011 chứng kiến sự có mặt của lều cứu thương khẩn cấp, cứu chữa cho rất nhiều người ngất xỉu. Cả đống dép guốc đã được vun lại cho thấy ngay cả khi không tháo chạy, người ta vẫn có thể bỏ lại dép guốc như thường chỉ vì chen nhau.
Càng nhìn thấy cảnh chen chúc đi lễ, đi hội đầu năm càng thấm thía hơn câu các cụ dạy: “Vui xem hát/ Nhạt xem bơi/ Tả tơi xem hội”. Và quy mô của sự tả tơi giờ còn được nhân lên nhiều hơn, bởi đi lại bằng ô tô đã làm tăng số người đến dự hội hơn là đi bộ ngày xưa nhiều lần.
Nguy cơ đánh mất lễ hội
Anh Đỗ Quốc Toản, doanh nhân: Vé gửi xe đắt hơn nhiều so với năm ngoái Năm nào tôi cũng đến lễ Phủ Tây Hồ vào Mùng 1 Tết để lễ cầu sức khỏe và cầu tài lộc. Đi lễ chỉ có người dân Hà Nội và những người đã sống lâu năm ở đây nhưng Phủ vẫn đông như nêm cối. Thậm chí xung quanh các bàn thờ và bát hương lớn còn không có chỗ để đứng đặt lễ và khấn vái. Vé gửi xe năm nay đắt hơn nhiều so với mọi năm. Ban tổ chức Lễ hội thu tới 10.000 đồng với xe máy và 50.000 đồng với ô tô. Mặc dù vậy nhưng những người tín lễ ở Phủ vẫn ùn ùn tới đây để lễ sức khỏe đầu năm.
Chị Hoàng Thùy Anh (Mễ Trì): Xếp hàng viết sớ mất cả tiếng đồng hồ Cảnh chen lấn, xô đẩy ở các chùa chiền những ngày đầu năm thì năm nào cũng có. Phủ Tây Hồ những ngày mùng 1, mùng 2 Tết chật cứng người đi lễ để cầu tài lộc và giá cả rất đắt. Thường thì các dịch vụ ở đây đều đắt hơn tới 25% so với bên ngoài. Một lễ tiền vàng cũng có giá tới 20.000 - 50.000 đồng. Vì vậy năm nào tôi cũng sắm lễ đầy đủ ở nhà rồi mang tới cúng, chỉ có viết sớ thì phải đến đây thuê thầy viết. Thế mà cũng phải xếp hàng hơn 1 tiếng đồng hồ mới tới lượt mình vào viết sớ.
Cô Trần Liên Hương (Hà Đông): Trẻ con bị chen lấn khóc thét Miếu Bia Bà (Hà Đông) nổi tiếng là rất thiêng, người đến lễ ở miều thường đi vào đầu năm để cầu tài lộc. Năm nay khách thập phương về đây lễ đông hơn mọi năm rất nhiều vì ở đây mới khánh thành công trình chùa và đình kết hợp. Dù đã mở rộng diện tích nhưng cảnh chen lấn, xô đẩy vẫn diễn ra. Năm nào cũng có rất đông các doanh nhân, những người làm ăn ở Hà Nội và nhiều vùng lân cận về đây cầu khấn và lễ bái dẫn đến hiện tượng chen lấn nhau, rất khó khăn để di chuyển ở những nơi gần khu lễ, chuyện người nọ giẫm lên người kia thì năm nào cũng có. Khổ nhất là những đứa trẻ theo bố mẹ đi lễ, cảnh chen lấn làm cho các cháu khóc thét vì sợ.
Vợ chồng anh Vũ Đức Quý (Hà Đông): Không chọn lễ ở các chùa lớn Đầu năm ai cũng muốn đi lễ cầu sức khỏe, cầu lộc cho cả năm. Tôi nghĩ cầu ở đâu cũng được, miễn là mình có cái tâm thành khẩn. Các đền, chùa lớn ở Hà Nội năm nào cũng chen lấn, ùn ùn người đổ về lễ bái rất đông, chen lấn cũng khổ lắm. Thế nên vợ chồng tôi quyết định chỉ đi lễ ở các chùa, miếu gần nhà. Tôi mới đi chùa Mộ Lao vào mùng 5 Tết, thấy không khí ở đây đỡ hơn nhiều và an ninh rất tốt, tâm lý có thoải mái thì cầu mới thiêng được. |
“Tôi nghĩ sở dĩ người hành hương có thái độ chệch chuẩn như trên bởi họ không được giáo dục đầy đủ về văn hóa. Chẳng hạn, nếu hiểu đúng một trong những ý nghĩa của việc đi lễ chùa là cầu an thì người ta sẽ không xô đẩy nhau bất an như thế”, GS Thịnh phân tích.
Cũng theo GS Thịnh, để chấn chỉnh lại thái độ này bản thân nhà chùa, nhà đền và các phương tiện thông tin đại chúng phải tăng cường giải thích, tuyên truyền về việc đi lễ đầu năm.
Một ví dụ rất đáng học tập, theo GS Thịnh, chính là việc chấn chỉnh tục hái lộc. Phong tục này thực chất gắn với sự phát triển, nảy nở. Đầu năm đi lễ, người ta bẻ về một cành lộc nhỏ để cầu mong sự phát triển ấy. Mặc dù vậy, do thiếu ý thức, phong tục đã biến tướng, mất đi phần nào vẻ đẹp văn hóa. Lộc bị bẻ thô bạo, cây cối chột lụi. Chính vì vậy, đã có chùa chủ động mua cây phất lộc về cắm hàng xô lớn trong sân chùa. Người dân đi lễ xin cây phất lộc mang về và nhờ đó không còn bẻ cành nơi sân chùa nữa.
“Theo quan điểm của chúng tôi, xin lộc đầu năm là một tập tục đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nên không thể dẹp bỏ. Tuy vậy, cần vận dụng tinh thần tùy duyên của nhà Phật để chuyển hóa việc hái lộc (bẻ chồi non, hoa lá) thành ra xin lộc, nhận từ chư tăng ni một món quà tinh thần nào đó, tùy mỗi chùa. Như vậy, thì người đi lễ chùa vẫn có lộc Phật và nhà chùa vẫn giữ được nét tôn nghiêm, xanh mát của chốn thiền môn u tịch, thanh tịnh và trang nghiêm” - một phật tử nêu ý kiến trên mạng.
Mặc khác, GS Thịnh cũng nhấn mạnh, cần tránh sự cầu khấn mang màu sắc mua bán, mặc cả do “quá tham” tài lộc. Trường hợp xin ấn đền Trần là một ví dụ tiêu biểu cho điều này. Người ta đè lên nhau chỉ vì lá ấn tài lộc.
“Giá trị lớn lao của lễ hội là sự cộng cảm của người dân. Lễ hội đem lại sự kết nối cộng đồng. Vậy mà lễ hội đền Trần lại khiến người ta đạp lên nhau để tranh đoạt. Tại Lễ hội chùa Hương, tuy không khủng khiếp bằng nhưng sự kết nối, tương thân tương ái của cộng đồng cũng khó thấy”, PGS Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Tôn giáo lên tiếng.
“Nếu không chấn chỉnh, chúng ta sẽ mất dần văn hóa lễ hội, và mất luôn cả lễ hội đó”, GS Thịnh cảnh báo.
Cầm Trang