LSD On Stage là dự án kịch nói thường niên của câu lạc bộ kịch nói của các học sinh Life’s so drama trường trung học phổ thông (THPT) chuyên Hà Nội - Amsterdam. Năm 2016, câu lạc bộ Life’s so drama khi ấy bắt đầu hoạt động theo quy mô trường dưới sự bảo trợ của các thầy, cô và sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh.
Đem kịch học sinh lên sân khấu là nỗ lực không nhỏ của cả thầy, cô và các bạn trẻ với mong muốn đánh dấu cho một năm hoạt động của câu lạc bộ. Theo dòng thời gian, LSD On Stage tiếp tục được duy trì bởi các học sinh và cựu học sinh trường Hà Nội Amsterdam, với các vở diễn: “Frollo” năm 2016, “Đoạn tuyệt” năm 2018, “Di họa” năm 2019 và gần nhất là “Huyễn ảnh” được tổ chức vào năm 2020.
Tiếp nối những thành công, On Stage 2022: “Viễn mộng” đã đưa sân khấu kịch của giới trẻ, do giới trẻ thực hiện quay trở lại.
Lấy bối cảnh Nam Kỳ giữa những năm đầu thế kỉ XX đầy biến cố khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, vở kịch tập trung khai phá những biến chuyển và cuộc đấu tranh dữ dội của con người trong giấc mộng phù hoa, từ đó đề cao giá trị của thời gian, quyền con người, tình yêu thương cao cả, hướng tới một xã hội công bằng và bác ái hơn.
Nhân vật chính của vở kịch là chàng thanh niên tên Khôi Vỹ trên hành trình đi tìm lại người chị gái. Chàng trai vốn hiền lành bất ngờ “lạc bước” trước thứ viễn mộng thượng lưu. Trong xã hội thượng lưu ấy, bề ngoài là những hào nhoáng, xa hoa nhưng bên trong vẫn tồn tại đâu đó những hạt mầm đố kỵ, lợi ích cá nhân được đặt lên hàng đầu. Khôi Vỹ dần trở thành một trong những con người mù quáng không chừa một thủ đoạn nào để hiện thực hóa khát vọng của mình.
Trong cuộc hành trình tìm chị gái mình, cậu gặp Nhật Dạ - người cho Khôi Vỹ nếm mùi đắng cay về xã hội, phân biệt tầng lớp giàu nghèo và hiện thực của cuộc sống, cậu chủ Gia Huy, cô gái Thụy Miên...
Vở kịch đi sâu vào những mặt tối của xã hội đương thời để lên án lối sống vị kỷ, đồng thời cũng đề cao tình cảm gia đình, từ đó cho thấy hy vọng, khát khao không ngừng về một cuộc sống tươi sáng hơn của con người ngay trong hoàn cảnh éo le, mù mờ, cay đắng nhất.
Để hoàn thiện một vở diễn với sự chuyên nghiệp, cách thức thể hiện mới mẻ đòi hỏi phải đầu tư sự chỉn chu, nỗ lực từ phía ban tổ chức. Theo em Nguyễn Hoàng Quân, Tổng đạo diễn của On Stage 2022, các cô, cậu học trò ở lứa tuổi từ 15 đến 17 tuổi của câu lạc bộ đã dành 6 tháng nỗ lực tập luyện và chuẩn bị cho vở kịch.
“Khi mà phần lớn giới trẻ ngày nay ưa thích những hoạt động mang tính hiện đại và thời thượng thì kịch nghệ trở thành một môn nghệ thuật không được phổ biến bằng. Vì vậy, chúng em thực hiện sự kiện On Stage 2022 với mong muốn thay đổi cái nhìn của mọi người với bộ môn kịch nghệ. Chúng em mong muốn có thể giúp mọi người hiểu hơn về bộ môn này, từ đó thấy được sự đa dạng, sâu sắc và đặc biệt là cái chất riêng trong kịch nghệ. Tuy ban đầu khá khó khăn cho chúng em để thay đổi cái nhìn và cách suy nghĩ của mọi người, nhưng đó lại chính là nguồn động lực cho chúng em ngày càng phát triển và hoàn thiện câu lạc bộ và các dự án tâm huyết”, Nguyễn Hoàng Quân chia sẻ.
Đạo diễn Chu Ánh Nguyệt, nhà sản xuất của hàng loạt phim ngắn đặc sắc (Bức vách, Cá dọn bể, Chiếc ba lô hồng) chia sẻ sau khi xem trọn vẹn vở kịch: “Đây thực sự là một chương trình tuyệt vời, phản ứng của khán giả cùng những tràng vỗ tay chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của vở kịch. Các hình thức minh họa và sự chỉn chu về bối cảnh đều đòi hỏi thời gian lao động tỉ mỉ của mọi người.
Đặc biệt, bên cạnh yếu tố chuyên môn của các diễn viên, tôi cũng tin rằng kịch bản chính là một yếu tố quan trọng góp phần cấu thành nên tính liền mạch và nội dung mà vở kịch muốn truyền tải. Chỉ vỏn vẹn 2 tiếng, vở kịch đã thành công khắc họa nét tính cách nhân vật một cách chỉn chu, dần tháo gỡ những câu hỏi mà vở kịch đặt ra cho người xem, khiến khán giả đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác”.
Buổi công diễn hạ màn trong những tràng pháo tay không ngớt của khán giả là minh chứng cho sự ủng hộ của đông đảo khán giả. Từ tiếng vang có được bằng các dự án biểu diễn LSD On Stage, câu lạc bộ đã mở rộng phạm vi hoạt động ra khắp các trường THPT trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội nhằm thu hút thêm sự quan tâm của giới trẻ đến sân khấu kịch.