Sáu bộ phim của 6 trường tham gia chương trình: "Hãy nghĩ đến Môi trường trước khi ấn nút Print" (THCS DL Marie Curie), "Cuộc đình công của giấy" (THCS DL Đoàn Thị Điểm), "Tấm gương" (THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam), "Túi nylon" (THCS Lê Quý Đôn), "Những tờ giấy nhắn" (THPT DL Lômônôxốp) và "Xin lỗi con trai" (THCS Phan Chu Trinh), đã đưa tới cho người xem những cái nhìn rất thú vị nhưng cũng vô cùng nghiêm túc của trẻ em với cuộc sống và những vấn đề của cuộc sống hiện nay.
Những góc nhìn độc đáo
Một lời xin lỗi của người cha khi "phải" đặt mình vào hoàn cảnh của con và hiểu con đã gặp khó khăn như thế nào trong cuộc sống. Một sự hiểu ra của cha mẹ rằng cuộc sống gia đình không thể chỉ "giao tiếp" với nhau bằng những tờ giấy nhắn. Một sự thống kê đầy "quyết liệt" với những con số khiến người xem phải giật mình về việc hãy biết tiết kiệm giấy... Đó là những cái nhìn đầy bất ngờ của trẻ thơ qua ống kính của mình.
Đội KWN Trường THCS Marie Curie nhận giải Phim xuất sắc nhất. |
Cũng giống như những lễ trao giải trước, Lễ trao giải Chương trình Kid Witness News - KWN - (Qua ống kính trẻ thơ) lần thứ 6 do Công ty Panasonic Việt Nam tổ chức, thật sự rộn ràng. Rộn ràng bởi sự góp mặt của những đội dự thi, những cô bé cậu bé còn rất ngây thơ và đáng yêu. Và hơn thế nữa, bởi sự góp mặt của những thước phim, thành quả của các đội sau một thời gian tham gia chương trình.
Bộ phim "Hãy nghĩ đến Môi trường trước khi ấn nút Print" (THCS DL Marie Curie) lại giống một phóng sự hơn, và những ý tưởng, những con số mà nhóm làm phim đưa ra đã thể hiện một sự tìm tòi nghiêm túc những thông tin về đề tài các em theo đuổi. Theo đánh giá của BGK, "đây là một bộ phim giàu tính sáng tạo, không chỉ đề cập tới việc tiết kiệm giấy để bảo vệ cây xanh, các em đã thể hiện những cái nhìn thấu đáo, sâu sắc khi đưa ra được những hình ảnh và con số thuyết phục về việc tiết kiệm giấy để bảo vệ môi trường. Ngoài những thước phim tư liệu phong phú về thực trạng sử dụng giấy và hiểu biết của người dân về giấy ở Việt Nam, đội KWN Trường Marie Curie đã tự mình sáng tạo và thể hiện một số đoạn phim bằng những hình ảnh hoạt hình ngộ nghĩnh đáng yêu nhưng giàu ý nghĩa. Tuy nhiên, để có được 5 phút phim ngăn ngủi ấy các em đã phải dành toàn bộ thời gian và công sức cho từng trang vẽ và cũng như công đoạn dựng phim”. Bộ phim “Hãy nghĩ đến Môi trường trước khi ấn nút Print” đã giành giải nhất của chương trình.
"Cuộc đình công của giấy" (THCS DL Đoàn Thị Điểm) cũng có đề tài về giấy, là lời cảnh tỉnh với tình trạng sử dụng giấy bừa bãi và lãng phí hiện nay của xã hội. Bộ phim mở ra với hình ảnh một cô bé đang ngồi vò đầu bứt tai viết thư cho bạn. Những tờ giấy cứ thay nhau bị vò nát rồi ném vào thùng rác. Chiếc thùng rác đã đầy mà lá thư vẫn chưa thể viết xong. Hình ảnh tiếp theo là một cuộc họp ở công ty, khi kết thúc thì những tờ giấy in tài liệu cũng lần lượt rơi vào thùng rác. Hình ảnh cuối cùng là một quán phở, khi giấy ăn cũng được dùng vô tội vạ... Chuyện chỉ "bắt đầu" khi một ngày, bỗng nhiên trên bàn học, trên kệ sách của cô bé biến mất hoàn toàn bóng dáng của những tờ giấy, những ngăn tủ của công ty sạch bong không một bóng dáng giấy, quán phở cũng không có giấy lau miệng nữa... Ai cũng hoảng loạn, sợ hãi và bất lực vì không biết làm gì với một thế giới không có giấy. Thật may, đó chỉ là giấc mơ của cô bé và mọi việc vẫn "đâu vào đó" khi cô bé tỉnh dậy. Bộ phim chỉ là một giả định, nhưng là một giả định khiến mỗi người xem phim đều giật mình và có chút suy nghĩ, để biết rằng sẽ phải tiết kiệm hơn khi sử dụng giấy trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Bộ phim đã đoạt giải “Phim biên tập tốt nhất”.
Bộ phim "Tấm gương" của đội KWN trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam rất xứng đáng với giải “Phim có đề tài mang tính xã hội cao nhất” khi đã xây dựng kịch bản theo một hành trình qua năm tháng và qua những thế hệ của một gia đình và của cả xã hội. Người cha nghiện thuốc, cậu con trai ra đường, tới trường, tới nơi công cộng cũng ngày ngày gặp khói thuốc. Và để khỏi bị ho sặc sụa, cậu cũng quyết định... thử thuốc, rồi nghiện thuốc. Chỉ tới đời con của cậu con trai, thì việc hút thuốc mới bị phản đối một cách mạnh mẽ, và cậu bé tí hon đã buộc được cả bố và ông bỏ thuốc...
Tiếp tục nỗ lực để hòa nhập
Chương trình “Qua ống kính trẻ thơ” bắt đầu được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2006. Tính đến nay đã có 13 đội từ các trường THCS tại Hà Nội tham gia chương trình này. Năm vừa qua, hai bộ phim ngắn trong chương trình “Qua ống kính trẻ thơ” năm 2010 của trường Lômônôxốp mang tên “Tiện và Hại” và “Vòng tròn” của trường Phan Chu Trinh đã được ban tổ chức chương trình "Qua ống kính trẻ thơ" gửi tham dự Liên hoan phim Môi trường toàn quốc lần thứ tư, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức và đã xuất sắc giành giải nhì cùng giải khuyến khích, vượt qua 131 tác phẩm dự thi từ các đoàn làm phim chuyên nghiệp.
Năm nay, cũng như mọi năm, tác phẩm của đội KWN trường THCS DL Marie Curie sẽ đại diện cho Việt Nam để thi tài và sánh vai với các đội KWN của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Với sự chững chạc của bộ phim, nhiều cơ hội cho đội Việt Nam sẽ giành giải thưởng lớn. Đây là một điều rất quan trọng, bởi qua 6 năm tham dự, các phim của Việt Nam vẫn chưa đoạt giải thưởng nào trong chương trình KWN thế giới. Theo đại diện BTC, lý do của việc phim của các em chưa đoạt giải là bởi giữa phim của Việt Nam và các nước vẫn có khoảng cách khá xa về ý tưởng kịch bản, hình ảnh và ngôn ngữ… Trẻ em các nước phát triển được tiếp xúc với công nghệ nghe nhìn sớm hơn trẻ em Việt Nam rất nhiều. Đa số gia đình đều có máy quay phim cầm tay, nhà trường và gia đình đều rất chú trọng hoạt động ngoại khóa và trong các dịp đó các em đều tự hoặc được bố mẹ hướng dẫn quay phim, ghi lại các hình ảnh về các buổi dã ngoại đó. Thêm vào đó, trình độ tiếng Anh của trẻ em Việt Nam cũng là một hạn chế. Đặc biệt với các phim về chủ đề văn hóa, phụ đề tiếng Anh hay và chính xác rất quan trọng, nếu không Ban giám khảo quốc tế sẽ không thể nào nắm bắt hết được nội dung phim. Và lý do cuối cùng là nhìn chung, ý thức bảo vệ môi trường của người Việt Nam nói chung và trẻ em nói riêng còn chưa cao. Vì vậy, khi làm phim về môi trường, các em chưa có những ý tưởng thực sự sâu sắc, hấp dẫn mang tính giáo dục cao theo góc nhìn của trẻ em... Hy vọng, năm nay bộ phim "Hãy nghĩ đến Môi trường trước khi ấn nút Print" sẽ có được một bước tiến đáng kể.
Bài và ảnh: T.Anh