UBND TP Nam Định vừa chính thức phê duyệt kế hoạch tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần xuân Nhâm Thìn 2012. Với “kịch bản” mới này, Lễ khai ấn đền Trần năm 2012 sẽ tránh được tình trạng chen lấn để “cướp” ấn như những năm trước.
Sẽ phát ấn từ sáng 15 tháng Giêng
Năm 2012, ấn đền Trần sẽ bắt đầu được phát cho nhân dân và du khách thập phương từ 7 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng (âm lịch) cho đến hết tháng Giêng tại ba nhà Giải Vũ, phía trước nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một số điểm tại khu vực vườn cây hai bên hồ nước phía trước đền. Chất liệu ấn thống nhất một loại bằng giấy, đảm bảo tiết kiệm và không ô nhiễm môi trường. Việc phát ấn năm nay vẫn giao cho Hội cựu chiến binh và Hội người cao tuổi phường Lộc Vượng thực hiện.
Khách thập phương thắp hương tại Lễ hội đền Trần 2011. |
Đúng 22 giờ ngày 14 tháng Giêng, Ban tổ chức sẽ tiến hành nghi lễ rước ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường và làm Lễ khai ấn theo nghi thức cổ truyền, đồng thời đóng 11 lá ấn dâng tại đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa, chùa Tháp, Văn chỉ Hiền Đàn, đình Tức Mặc, đình Kênh, đình Bái, đình Vĩnh Trường (phường Lộc Vượng) và lưu tại hòm ấn nhà đền. Từ 23 giờ 30 trở đi, khách thập phương vào lễ đầu năm tại đền Thiên Trường, Cố Trạch và Trùng Hoa.
Trong các ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng năm Nhâm Thìn, BTC sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống như múa lân, rồng, sư tử, hát chèo, chầu văn, thi kéo cờ, đấu võ, đấu vật bên ngoài cổng Ngũ Môn đền Trần. Cũng trong 3 ngày này, Công an thành phố sẽ thực hiện phân luồng giao thông đối với các phương tiện giao thông đi qua khu vực lễ hội. Lực lượng Công an thành phố, Ban chỉ huy quân sự thành phố và Đội quản lý trật tự đô thị sẽ phối hợp lập hàng rào bảo vệ đoàn rước kiệu, rước ấn, khu vực hành lễ và cửa vào, cửa ra nội cung đền Thiên Trường. Ngoài huy động 3 xe cứu thương, lực lượng y tế sẽ được bố trí trong 4 lều bạt dựng trong và ngoài đền Trần để có thể cấp cứu người bị nạn kịp thời. Năm nay, thành phố chỉ đạo UBND phường Lộc Vượng phối hợp với lực lượng chức năng giải quyết triệt để các hoạt động cờ bạc dưới hình thức trò chơi tại khu vực lễ hội và có biện pháp di chuyển toàn bộ người hành khất ra khỏi khu vực di tích trong suốt thời gian tổ chức lễ hội.
“Giải thiêng” cho lá ấn đền Trần
Theo ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (đơn vị nghiên cứu, tư vấn cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Nam Định về kịch bản mới cho Lễ hội đền Trần), trước đây, lá ấn đền Trần được phong cho “giá trị ảo” là giúp “thăng quan tiến chức”. Nhưng sau một thời gian nghiên cứu, tham vấn ý kiến nhiều nhà khoa học đã cho thấy, lá ấn tại đền Trần chỉ có tính chất là cầu an, chứ hoàn toàn không có giá trị “thăng quan tiến chức” như nhiều người tưởng.
Chính vì vậy, để việc tổ chức Lễ hội đền Trần đi vào trật tự, hạn chế được các bất cập như những năm trước thì việc tuyên truyền để người dân địa phương và người hành hương nhận thức được giá trị đích thực của lá ấn, nhằm "giải thiêng” lá ấn, đóng vai trò quyết định. Ông Quang cũng cho rằng, để mọi người đều biết được giá trị đích thực của chiếc ấn, thì cần có sự chung tay, vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng, của những người làm công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Cần tổ chức một chiến dịch truyền thông, giải thích rõ ràng về “giá trị ảo” trước đây của việc phát ấn cho du khách trước khi diễn ra lễ hội, đồng thời, phải tuyên truyền về phương án phát ấn mới đến đông đảo du khách, để du khách yên tâm không sợ “hết ấn” và vẫn bảo đảm các nhu cầu tâm linh của người dân…
Bên cạnh đó, cần gấp rút biên soạn sách, cẩm nang hướng dẫn cho du khách về dự Lễ hội đền Trần hiểu rõ về giá trị và cách thức tổ chức Lễ hội đền Trần năm 2012.
Hy vọng với “kịch bản” mới này, Lễ hội đền Trần năm 2012 sẽ diễn ra an toàn, lành mạnh và trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách đầu năm mới.
Phương Lan - Hữu Chiến