Từ 13 - 16/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm kê di sản ca trù năm 2009-2010 và Liên hoan ca trù toàn quốc. Lần đầu tiên trong Liên hoan sẽ tái hiện không gian biểu diễn ca trù đích thực như nó vốn có, gồm: Không gian hát cửa đình, cửa quyền, hát chơi và hát thi. Những người trình diễn gồm đào nương, kép đàn và người cầm chầu (quan viên) sẽ ngồi đúng vị trí của mình. Và chính những người dự thi sẽ chịu trách nhiệm tái hiện không gian trình diễn ấy.
Biểu diễn ca trù của các nghệ nhân CLB ca trù Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Thanh Hà - TTXVN |
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, người chịu trách nhiệm chính điều hành Liên hoan cho biết rằng: Bấy lâu nay, biểu diễn ca trù chỉ là những tiết mục đơn lẻ, không có không gian riêng và như thế là chưa đưa di sản về đúng với không gian của nó. Việc phục dựng không gian trình diễn ca trù chính là cách để khẳng định rằng Ca trù là di sản văn hóa dân tộc, nó có những không gian biểu diễn nhất định chứ không phải muốn hát lúc nào, hát ở đâu cũng được
Phải hiểu rõ bản chất di sản
Ông Đặng Hoành Loan cũng nêu rõ rằng: Sở dĩ phải để cộng đồng phục dựng không gian biểu diễn ca trù, chứ không phải ban tổ chức làm hộ là vì mong muốn chính người sở hữu di sản thế giới đó phải hiểu thấu được những việc họ đang làm. Bởi lẽ chỉ có hiểu rõ bản chất của di sản thì mới đủ khả năng bảo vệ, phát huy giá trị di sản đó. Sau nhiều lần các chuyên gia trao đổi hai chiều, cộng đồng đã hiểu thế nào là không gian ca trù, lối chơi ca trù..., điều mà trước kia mọi người không để ý. Thêm vào đó, nếu chỉ dừng lại ở mức biểu diễn ca trù như hiện nay mà không tìm về đúng bản chất của nó thì cộng đồng sẽ duy trì thói quen làm sẵn như thế, không triển khai thêm. Các làn điệu ca trù cũng vì thế mà không được mở rộng.
Hơn nữa, nếu cộng đồng không hiểu về không gian ca trù thì họ cũng sẽ không hiểu được các điệu hát trong các không gian khác nhau. Ca trù có nhiều không gian hát, mỗi không gian lại có những điệu thức khác nhau. Ví dụ như là không gian hát chơi có khoảng 15 điệu, không gian hát cửa đình có đến 25 điệu, hát chúc hỗ có 15 điệu nhưng các điệu đó đều khác nhau. Trong hát chơi thì không có múa, phần lớn tập trung là hát nói, hát ru, hát 36 giọng. Như thế tức là các không gian có nhiều thể thức khác nhau, nếu không tìm hiểu, khơi dậy các không gian thì sẽ làm thui chột đi sự phong phú của ca trù.
Điều quan trọng hơn cả theo ông Đặng Hoành Loan chính là: Nếu không đặt ca trù trong đúng không gian của nó sẽ không thể khơi dậy đồng đều các giá trị của ca trù trong đời sống hiện nay. Ví dụ với hát cửa đình, nếu không có không gian riêng thì cộng đồng sẽ tạo ra một lối hát cửa đình khác mà ca trù không thể tham gia vào đó được. Cộng đồng sẽ tưởng là ca trù cũng giống như các loại dân ca khác, muốn hát lúc nào, ở đâu, hát thế nào cũng được. Trong khi đó, ca trù lại là một trong những lối hát cổ điển duy nhất cần được đào tạo kỹ lưỡng từ giọng hát, tay phách, tiếng đàn và đặc biệt là lớp quan viên am hiểu thi ca.
Không để phai nhạt bản sắc ca trù
Một vài năm gần đây, cộng đồng người dân đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị của ca trù, đặc biệt là tại 15 tỉnh, thành phố có loại hình này. Nhiều câu lạc bộ ca trù do người dân tự thành lập đã ra đời, không những trình diễn mà còn truyền dạy rất tốt cho lớp trẻ. Tiêu biểu là tỉnh Quảng Bình, thời điểm năm 2005 còn chưa có một câu lạc nào mà hiện tại đã có 5 câu lạc bộ, trong đó ở câu lạc bộ ca trù Đông Dương, nghệ nhân đang truyền dạy rất tốt cho lớp trẻ và lớp trẻ cũng trình diễn rất tốt. Nhiều địa phương khác cũng duy trì rất tốt các câu lạc bộ có nghệ nhân vừa trình diễn vừa truyền dạy cho lớp trẻ.
Trước ý kiến tỏ ra lo lắng trước việc phai nhạt bản sắc ca trù khi câu lạc bộ ca trù xuất hiện nhiều ở các tỉnh, thành phố, ông Đặng Hoành Loan cho biết rằng: Không cần quá lo lắng việc mất bản sắc hay mất chất ca trù, bởi lẽ khi người ta tự mở câu lạc bộ, điều đó có nghĩa là họ thực sự yêu thích loại hình nghệ thuật đó. Không thể yêu cầu khi vừa mở ra câu lạc bộ sẽ phải hoàn thiện ngay, nhưng trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với các câu lạc bộ họ sẽ tự điều chỉnh vì mỗi câu lạc bộ đều có người đứng đầu là nghệ nhân cao niên. Việc nhiều câu lạc bộ ca trù ra đời ở các địa phương khác nhau sẽ càng tăng thêm tính bản địa, tính địa phương trong ca trù, càng làm phong phú, đa dạng thêm phong thái biểu diễn ca trù. Không thể vì lo sợ việc mất bản sắc ca trù mà nhất thể hóa ca trù theo hiểu biết của một số nghệ nhân Hà Nội, điều đó làm vốn ca trù nghèo đi.
Ở Hà Nội hiện có nhiều câu lạc bộ, giáo phường ca trù khác nhau và mỗi nơi lại có một phong cách nổi bật. Ví dụ như câu lạc bộ ca trù Hà Nội của ca nương Bạch Vân gần với lối hát chơi, trong khi Giáo phường ca trù Thăng Long của ca nương Phạm Thị Huệ lại gần với lối ca trù cửa đình. Còn câu lạc bộ ca trù Thái Hà nức tiếng của gia đình cụ Nguyễn Văn Mùi có 7 đời theo nghiệp ca trù lại là nơi tập trung tinh tế nhất về nghệ thuật âm nhạc ca trù và có lối hát gần với lối hát khuôn, nghệ thuật trình diễn rất cao…
Thanh Giang