Khi múa rối nước tuyên truyền về văn hóa giao thông

Những năm gần đây, văn hóa giao thông (VHGT) không chỉ được các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng, mà còn có sự tham gia của cả các loại hình nghệ thuật dân gian và hiện đại. Tuyên truyền về VHGT thông qua nghệ thuật múa rối nước, tuy còn gặp nhiều khó khăn trong diễn xuất cũng như sáng tác chủ đề, nhưng từ lâu Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã phát động các văn nghệ sĩ, các nhà biên kịch sáng tác nhiều tác phẩm xoay quanh chủ đề này. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với GS. Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, về những nét mới trong tuyên truyền VHGT thông qua loại hình múa rối nước.

´Thưa GS, việc sử dụng các loại hình nghệ thuật dân gian để chuyển tải một vấn đề nóng như VHGT khó nhất là ở khâu nào?

Trong hai năm qua, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã huy động các lực lượng ở tất cả các ngành nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, hội họa, nhiếp ảnh, văn học… vào cuộc tuyên truyền về VHGT, trong đó có múa rối nước.

Khi sử dụng nghệ thuật múa rối nước để tuyên truyền VHGT, chúng tôi đã phát động toàn lực lượng tham gia, nhất là các văn nghệ sĩ, trí thức, báo chí. Nếu những lực lượng này không hưởng ứng thì không thể thực hiện được. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các loại hình văn học nghệ thuật, nhận thức của người dân từng bước được nâng lên.

Bên cạnh đó, trong việc sáng tác, một số tác giả cảm thấy đề tài này khó thể hiện. Nhưng sau khi có sự trao đổi, thảo luận thì mọi người nhận thấy không khó. Chỉ cần phản ánh thực tiễn cuộc sống, những hiện tượng của người tham gia giao thông trên đường thì tác phẩm đó đã toát lên tất cả. Bởi thực tế khi tham gia giao thông trên đường đã xảy ra không biết bao nhiêu chuyện bi hài. Nào là lạng lách đánh võng, nào là phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông…

Giới thiệu múa rối nước về VHGT.


Đơn cử ở môn nghệ thuật kịch, năm 2010 chúng tôi đã dàn dựng một chương trình hài kịch về VHGT do Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện rất thành công. Năm 2011 chúng tôi tiếp tục thực hiện một chương trình hài kịch nữa biểu diễn tại nhà hát Hồng Hà được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tới xem và đánh giá cao. Trong hài kịch này diễn tả một câu chuyện nói về cậu con trai của một đại gia nhà giàu nhưng rất ngổ ngáo, ỷ lại cha mình là quận trưởng đi xe máy gây tai nạn chết người nhưng cậu ta rất vô cảm.

Đến khi bị bắt, cậu vẫn không hối hận mà còn có thái độ thách thức. Và hài hước hơn nữa là khi mọi người phát hiện ra cậu có khuôn mặt giống ông quận trưởng thì lại ra sức chiều chuộng, nâng niu. Nhưng sau đó, ông quận trưởng xuất hiện thông báo rằng, nạn nhân mà con mình gây ra là người bà con của cậu. Ông xin nhận hết trách nhiệm, khuyết điểm về mình và xin từ chức. Sau khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem xong, đã nhận xét: Cái kết của câu chuyện rất hay bởi lâu nay phần lớn con em những gia đình có vị thế khi ra đường gây ra tai nạn nhưng cha mẹ lại không chịu trách nhiệm mà lại còn tìm cách bao che. Rõ ràng nghệ thuật phản ánh hiện thực và đi sâu vào những lĩnh vực mà chính trị không nói được.

´Nhiều người quan tâm, khi múa rối nước chuyển tải thông điệp về VHGT thì có bị khiên cưỡng không, thưa GS?

Nghệ thuật dân gian, mà cụ thể là múa rối nước lại “diễn” được chuyện đua xe thì quả là không ăn nhập và rất khó diễn xuất. Nhưng cuối cùng các nghệ sĩ cũng đã mượn được “cái xưa” để nói “cái nay”. Đây là điều bình thường. Ví như hình tượng chú Tễu ra diễn thuyết về VHGT thông qua trò hát xẩm, hát dân ca “Bà Rằng bà Rí”, hát trò “Đèn xanh đèn đỏ”, trò thanh niên nhảy Rock-Rap, trò vượt giải phân cách… giáo dục mọi người hãy tôn trọng luật pháp khi tham gia giao thông có văn hóa. Vậy thì chú Tễu lúc đó là con người hiện đại. Qua đó chúng ta càng thấy rõ việc mượn hình thức nghệ thuật dân gian nói lên cái hiện đại đó là thủ pháp nghệ thuật.

Đây không phải là lần đầu tiên múa rối nước biểu diễn nói về một sự việc hiện đại, mà ngay trong nghệ thuật hát tuồng, cha ông ta cũng đã áp dụng. Dĩ nhiên nghệ thuật truyền thống khi thể hiện đề tài hiện đại tuy nó chưa thuận chiều lắm, nhưng ta “tận dụng” nó để nói về nội dung của cuộc sống hôm nay cũng sẽ hiệu quả và thành công. Tôi tin rằng ngày càng có nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều đề tài và các nhà nghiên cứu quan tâm, xoáy sâu vào tuyên truyền về VHGT.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN