Khám phá mặt nạ tuồng Huế

Nhóm nghiên cứu thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đang tiến hành sưu tầm, nghiên cứu để xây dựng hồ sơ khoa học về mặt nạ tuồng Huế. Hồ sơ này dự kiến sẽ được hoàn thành và báo cáo vào cuối tháng 5/2012.

Chẳng ai biết chiếc mặt nạ tuồng đầu tiên xuất hiện năm nào. Theo nhà nghiên cứu Hồ Đắc Bích trong “Giáo trình Nghệ thuật hát Tuồng”, bước đầu diễn viên tuồng dùng mặt nạ "đeo", vì thuở ấy, người có khả năng biểu diễn không nhiều, một diễn viên phải sắm nhiều vai, vì vậy, họ dùng mặt nạ đeo để thay đổi vai cho dễ dàng.

Trên sân khấu Tuồng, từ thời Đào Tấn, đã không còn diễn mặt nạ. Người ta thay mặt nạ đeo bằng mặt vẽ, đây là cách hóa trang để chân thật hơn, gần cuộc sống hơn. Nhà nghiên cứu Mịch Quang nhận xét, có hai loại mặt nạ đáng lưu ý nhất là mặt trắng và mặt rằn. Sáng tạo ra hai loại mặt này, nghệ thuật Tuồng đã chú ý đến cái đẹp của hành động chứ không phải cái đẹp diện mạo.

Nghệ nhân, NSƯT Tuồng La Cháu (nghệ nhân Tuồng cung đình cuối cùng của triều Nguyễn hiện còn sống ở Huế) cho biết, về cơ bản gam màu và cách thức hóa trang mặt nạ tuồng ở ba miền Bắc - Trung - Nam không có gì khác nhau. Tuy nhiên, do ảnh hưởng văn hóa vùng miền nên “nét vẽ” có khác nhau.

Hướng dẫn vẽ mặt nạ tuồng Huế


Trong nghệ thuật hát Tuồng, chiếc mặt nạ là đạo cụ sân khấu quan trọng bậc nhất của loại hình nghệ thuật này. Có thể nói, mặt nạ là một phần tạo nên cái hồn, cái chất của nghệ thuật Tuồng, mặt nạ tuồng tạo ấn tượng rất lớn về tuồng hát. GS Hoàng Châu Ký (nguyên Tổng Thư ký đầu tiên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) đã khẳng định, mặt nạ tuồng truyền tải một vẻ đẹp độc đáo của bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống này…, điều khiến tuồng trở nên đặc biệt so với các loại hình sân khấu kịch hát dân tộc khác, chính là tính khoa trương, ước lệ và mặt nạ không nằm ngoài hai tính chất đó.

Dưới ánh đèn sân khấu Tuồng, màu sắc dùng trong mặt nạ phải thật đậm, đường nét phải thật rõ, để khắc hoạ cá tính của nhân vật, và nhất là để tăng sự biểu đạt của khuôn mặt nghệ sỹ. Mỗi mặt nạ tuồng tự nó nói lên lòng trung hiếu, lòng nhân ái, tinh thần dũng cảm, và những đức tính tốt đẹp đó sẽ giúp con người lớn lên.

Trước khi biểu diễn, mỗi nghệ sĩ tuồng phải tự hóa trang cho mình bằng cách cảm nhận về tính cách và thân phận của nhân vật, trên nền tảng những quy định chuẩn mực về mặt nạ cho mỗi loại nhân vật, cộng với sự hướng dẫn của các người đi trước (thường thì bậc “thầy” sẽ vẽ nửa mặt không thuận tay, các nghệ sĩ tự vẽ nửa còn lại thuận tay với mình. Khi nào đã quen tay, họ mới tự hóa trang cả khuôn mặt). Nhưng khó nhất là vẽ mắt, bởi đây là nơi thể hiện tính cách nhân vật rõ nét nhất. Dù hóa trang theo kiểu mặt nào thì có một điểm chung là khuôn mặt của những nhân vật này được bôi màu, riêng vùng sát xung quanh mắt được để tự nhiên. Có nhà nghiên cứu cho đây là dấu vết của việc đeo mặt nạ ngày trước, người khác lại giải thích, trong hát bội, con mắt của diễn viên cũng phải tích cực diễn xuất, nên phải chừa trống như thế mới thấy được “thần” của đôi mắt.

Người xem có thể biết được tính cách tốt xấu của từng nhân vật nhờ vào mặt nạ tuồng. Luật Âm - Dương, ngũ hành cũng được áp dụng trong mặt nạ, các màu đen - trắng, đen - đỏ, trắng - đỏ luôn được phối hợp để thể hiện Âm - Dương. Cách hóa trang nhân vật tuồng rất đa dạng, cùng một nhân vật nhưng mỗi đoàn Bắc, Trung, Nam có cách hóa trang riêng, như nét chủ đạo trong hóa trang nhân vật tuồng Bình Định là kiểu mặt chim, còn tuồng Nam Bộ giống kiểu mặt thú…

Xưa nay, diễn viên nghệ thuật Tuồng phải tự hóa trang để ra biểu diễn, chứ không nhờ họa sĩ hóa trang, vì vậy, mỗi kiểu mặt nạ đều rất độc đáo, bởi nó mang theo cá tính của diễn viên.

Đoàn Vũ
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN