Ngày 25/2, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (25 Tông Đản, Hà Nội) đã khai mạc trưng bày chuyên đề "Văn hóa Phật giáo Việt Nam". Trưng bày giới thiệu khái quát những nét đặc trưng, giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đến với du khách.
Gần 200 tài liệu, hiện vật gồm tranh, tượng Phật, trang trí kiến trúc chùa tháp, đồ thờ cúng, nhạc khí... liên quan đến Phật giáo, có niên đại từ đầu công nguyên tới thời Nguyễn được trưng bày, giới thiệu theo từng nội dung, từng giai đoạn thể hiện sự hình thành phát triển của Phật giáo nước ta.
Đối với di sản văn hóa Phật giáo 10 thế kỷ đầu công nguyên, trưng bày giới thiệu những hiện vật như đầu tượng Phật Đồng Dương, tượng Phật, tượng Bồ tát văn hóa Chăm Pa, tượng Phật bằng gỗ, đá văn hóa Óc Eo, chuông đồng thế kỷ 9 - 10, mô hình tháp thời Đinh - Lê, vật liệu kiến trúc trang trí hình Phật thời Đinh - Lê... Thời Lý - Trần, các hiện vật được trưng bày gồm trang trí kiến trúc chùa Phật Tích như lá đề trang trí hình rồng, tượng Kim cương, tượng Kinnari, bệ chân cột, cổ bệ tượng Phật, tượng Phật bằng gốm, đất nung, bát cúng Phật, đài sen...
Thời Lê sơ - Mạc có các tượng Phật đồng thời Lê sơ, chân đèn, lư hương, tượng Quan Âm chuẩn đề thời Mạc; Thời Lê Trung Hưng - Tây Sơn với nhiều hiện vật như tượng Phật nhập niết bàn, tượng Thích Ca Mâu Ni, tượng Bồ Đề Đạt Ma, tượng Kim cương... đặc biệt, chiếc trống đồng Cảnh Thịnh đúc vào thời Tây Sơn 1800, bảo vật quốc gia đặc biệt cũng được trưng bày trong di sản Phật giáo giai đoạn này. Di sản văn hóa Phật giáo thời Nguyễn với các tượng phật bằng chất liệu gốm, gỗ, đồng, sắt, bộ tranh giấy Thập Điện Diêm Vương, tranh gỗ, đồ thờ cúng... Ngoài hiện vật, các phần trưng bày đều có kèm tài liệu khoa học như ảnh tượng Phật, bản trích trong các tài liệu cổ...