Tham dự sự kiện này có trên 700 nghệ nhân đến từ 16 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Gia Lai.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Trần Ngọc Nhung khẳng định, Ngày hội không chỉ thể hiện tinh thần, trách nhiệm và tình yêu lớn lao đối với tinh hoa di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số của các nghệ nhân và những người đang góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên. Đây còn là dịp để đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai, đặc biệt là đội ngũ nghệ nhân dân gian tiếp tục kế thừa, trao truyền di sản văn hóa quý báu của cha ông để lại, để các giá trị văn hóa ấy tiếp tục được gìn giữ, phát huy gắn với khai thác phát triển du lịch, dịch vụ, kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Ngày hội lần này có ý nghĩa quan trọng đối với bà con các dân tộc thiểu số trong tỉnh sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, qua đó giúp tạo không khí vui tươi, đoàn kết, động viên đồng bào các dân tộc hăng hái thi đua lao động sản xuất; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong 2 ngày (từ 19 - 20/4) diễn ra Ngày hội, các hoạt động như: diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ, hát dân ca, tạc tượng, đan lát, dệt vải… sẽ được các nghệ nhân đến từ 16 đoàn biểu diễn ở mỗi khu riêng biệt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết để tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Gia Lai tổ chức theo hình thức giản dị, gần gũi với cuộc sống đời thường, với mong muốn sẽ tạo tiền đề để hình thành nhiều cách làm mới, phong phú, đa dạng hơn trong những năm tiếp theo.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số năm 2022 là một trong các sự kiện nằm trong khuôn khổ của Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932 - 24/5/2022) và hưởng ứng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4).