Ngày 25/2 (tức mùng 7 Tết Ất Mùi), tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã diễn ra lễ khai hội Đền Mẫu Âu Cơ. Nghi thức tế Nữ quan tại lễ hội. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN |
Trước anh linh Tổ Mẫu, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, huyện Hạ Hòa đã thành kính dâng hương hoa, lễ vật để tưởng niệm, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ.
Tương truyền, trong hành trình đưa 50 người con lên thượng nguồn sông Hồng mở mang bờ cõi, Tổ Mẫu Âu Cơ đã dừng chân ở Hiền Lương. Bà cho khai khẩn đất hoang, lập thôn ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải; biến vùng đất hoang sơ thành trù phú.
Ngày 25 tháng Chạp, bà cùng các tiên nữ về trời, để lại ơn đức cao dày, tình mẹ bao la. Về sau, tại đây nhân dân đã dựng lên ngôi miếu phụng thờ, đời đời hương khói và được các triều đại phong kiến phong sắc, cho tu bổ trở thành đền thờ Tổ Mẫu.
Theo tục lệ, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức trong 2 ngày liên tiếp, trong đó ngày mùng 7 là ngày lễ chính.
Ngay từ sáng sớm mùng 7 tháng Giêng, trên sân đình xã Hiền Lương cờ xí phấp phới, trống chiêng rộn rã, tất cả dân làng đều đã có mặt với những bộ quần áo đẹp, rực rỡ sắc màu. Mở đầu là lễ tế Thành Hoàng ở đình, do đội tế nam thực hiện, sau đó là rước kiệu từ đình vào Đền Mẫu Âu Cơ. Trong tiếng trống, chiêng, tiếng nhạc của phường bát âm, 8 cô gái mặc đồng phục rước lễ vật đi vào đền. Đi đầu là rước cờ thần, sau đó là kiệu rước lễ vật, sau kiệu là các vị chức sắc và các cụ bô lão, tiếp đến là toàn thể dân làng và du khách tham gia lễ hội.
Đúng giờ thìn đám rước vào đến sân đền bắt đầu làm lễ dâng hương và lễ vật gồm 100 bánh ngọt, 100 phẩm oản, hoa quả do đội tế nữ thực hiện. Đội tế nữ là các cô gái thanh tân, có nhan sắc và học vấn, các cô đều mặc áo dài với các màu hồng, xanh, vàng rực rỡ, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa. Riêng chủ tế mặc trang phục màu đỏ nổi bật.
Trong những ngày lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian như bóng chuyền, kéo co, cờ tướng, bắn nỏ, đẩy gậy, tổ tôm điếm, cờ người, bịt mắt bắt vịt và liên hoan văn nghệ quần chúng, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống đoàn kết của dân tộc.
Các hoạt động trong lễ hội đã trở thành bản sắc văn hóa - tín ngưỡng đặc sắc kết nối giữa quá khứ với hiện tại, tạo sự đoàn kết gắn bó, tin tưởng giữa nhân dân. Đồng thời giáo dục lớp trẻ hiểu biết hơn về các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, quê hương đất nước mình góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Lâm Đào An (TTXVN)