Sinh năm 1977 tại Nam Định, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2001, dù còn trẻ nhưng Đoàn Xuân Tặng đã có 2 triển lãm cá nhân và trên 10 triển lãm nhóm và nhiều giải thưởng lớn như: NOKIA châu Á Thái Bình Dương; Playground of your imagination. Ngày 18/10/2012, anh sẽ cho ra mắt triển lãm tranh “Đất và Người” tại Vietart Center (42 Yết Kiêu, Hà Nội).
Một tác phẩm của họa sĩ Đoàn Xuân Tặng. |
Bất cứ một họa sĩ nào khi đã dấn thân vào nghiệp vẽ đều phải trả lời câu hỏi: “Mình vẽ để làm gì?” hay chính xác hơn, “Mình mưu cầu điều gì? Tiền tài? Danh vọng? Được làm việc theo sở thích?”. Phần lớn ai cũng muốn tất cả song những cái đó dường như không chung một con đường. Được cái này, mất cái kia, đời là vậy.
Như nhiều người khác, Đoàn Xuân Tặng cũng đã vấp phải những câu hỏi đó ngay từ khi tốt nghiệp. Vốn có tính năng động, anh lao vào vẽ, vẽ nhiều cách, vẽ nhiều đề tài khác nhau. Sau một số thử nghiệm, Tặng tập trung vào đề tài vùng cao với xu hướng Biểu hiện. Anh đã đánh dấu công việc của mình với triển lãm cá nhân “Thổ cẩm khác” tại Hà Nội năm 2009 với một bộ tranh vẽ về người Mông. Bộ tranh này nhấn mạnh vào sự hấp dẫn của trang phục với bảng màu rực rỡ vốn có trong họa tiết trang trí cùng với bút pháp khỏe khoắn, thoáng đạt.
Đề tài dân tộc thiểu số đã trở thành một xu thế vào “thời mở cửa” vì hình thức hấp dẫn và lạ. Nhưng cái hấp dẫn hơn cả là dễ bán. Xu thế này tràn lan khắp thị trường, từ cao cấp đến bình dân, từ khổ to đến khổ rất nhỏ, đều được chấp nhận. Nhưng quy luật của cuộc sống đã chứng minh rằng đã có “có” tất có “không” , đã “mốt” tất sẽ “hết mốt”. Sau giai đoạn bão hòa, số người trụ lại với đề tài này không nhiều. Tôi chợt nhớ trong một buổi Đại hội mỹ thuật cách đây khoảng mười năm, có một bài phát biểu với chủ đề “Thế nào là họa sĩ chuyên nghiệp?”. Diễn giả đưa ra nhiều điều kiện, nào là phải sống được bằng nghề, chỉ làm một nghề vẽ duy nhất... Phần lớn các đại biểu không chấp nhận các ý kiến đó vì không ý nào đủ. Câu trả lời thực ra rất đơn giản: họa sĩ là người vẽ, thế thôi. Tưởng dễ mà thực ra lại khó vì việc vẽ bị chi phối vào rất nhiều yếu tố như mưu sinh, sức khỏe, cảm xúc, đôi khi chỉ là bế tắc về đề tài, kỹ thuật…
Thiếu một trong những thứ ấy, đôi khi là dừng luôn. Với Đoàn Xuân Tặng, anh vẫn làm việc đều. Ba năm sau cuộc “Thổ cẩm khác”, tức là những năm cả thị trường mỹ thuật đóng băng, anh tiếp tục cuộc triển lãm cá nhân lần thứ hai. Cũng vẫn đề tài vùng cao, nhưng cảm xúc đã khác trước. Cái phơi phới vui mắt của thổ cẩm đã được thay bằng cái bảng lảng trầm buồn của không khí đặc trưng vùng cao. Là phong cảnh miền núi, nhưng sao cứ thấy nao lòng. Bản làng liêu xiêu nương tựa vào nhau như chống chọi với rừng núi hoang sơ hay con đường mòn như mất hút vào khoảng không vô định. Ở đây, ta thấy anh nhấn mạnh vào tâm trạng chứ không phải mô tả cảnh vật - cái tâm trạng của lòng trắc ẩn. Con người cũng vậy, thật đơn giản, không họa tiết nơi trang phục, chỉ thấy cái trầm mặc của gương mặt. Tôi rất thích các bức vẽ về trẻ em. Trẻ em vốn hồn nhiêu trong sáng nhưng trẻ em ở miền núi còn hồn nhiên hơn nhiều. Chúng không cầu điều gì mà cũng không đợi gì. Chúng chỉ biết sống trong cái giây phút hiện tại mà thôi. Đó chính là cái lực hấp dẫn mà Tặng đã phải “ngược” hàng trăm cây số chỉ để cảm nhận cái hiện tại đó. Những cái hấp dẫn nhẹ nhàng, tinh tế mà phải trải nghiệm nhiều mới biết. Tranh anh giờ đã có sự tiết chế, cân nhắc của hình và màu. Về bút pháp, ta không còn thấy những nhát bay ngẫu hứng mà chỉ thấy những vệt chảy đan xen như những dòng chảy tư duy đang thấm đẫm trên toan.
Bộ tranh này thực sự đã khẳng định cái nội lực của Đoàn Xuân Tặng. Anh vẽ như một nhu cầu, bất chấp mọi hoàn cảnh và theo đuổi một đề tài đến cùng. Anh không phải là họa sĩ xu thế, anh là họa sĩ chuyên nghiệp. Cái đề tài dân tộc thiểu số của anh rất khác biệt. Nó đang được đào dần đến lớp “ruột”, tức là cái bên trong, đằng sau cái “vỏ” màu mè kia. Cứ đào tiếp, càng đào càng thấy ít đi, ít đi cái “vật” mà thấy dần cái “ tâm”. Cái váy thổ cẩm còn đếm được bao nhiêu màu song cái tâm thì có mấy màu? Trong cái thời thế đầy cám dỗ với hình và sắc, anh vẽ để mưu cầu điều gì? Theo cảm nhận của tôi, anh đang mưu cầu điều giản dị. Cuộc sống càng giản dị, chúng ta càng hạnh phúc và điều đó thật đáng quý biết bao.
Họa sĩ Phạm Bình Chương