Đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô, cũng là một điểm đến của người Hà Nội mỗi dịp Tết Dương lịch, Lễ hội Hoa Xuân năm nay (do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam và Công ty Cổ phần truyền thông DC phối hợp tổ chức) mang chủ đề “Hà Nội - Điểm hẹn Phố và Hoa”. Đây là một hoạt động hưởng ứng năm Du lịch Quốc gia về “Du lịch Di sản” và chào đón Xuân Nhâm Thìn năm 2012. Hoa gắn với di sản thiên nhiên
"Lễ hội "Hà Nội- Điểm hẹn Phố và Hoa" là hoạt động mang tính cộng đồng cao, tạo sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người; đề cao và nêu bật những ứng dụng hữu ích của hoa trong cuộc sống; giới thiệu về các loài hoa gắn với các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa của Việt Nam được thế giới công nhận cùng những công trình văn hóa - kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội ở cả hai khía cạnh vật thể và phi vật thể"- đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết.
Triển lãm Hoa sen tại Lễ hội Hoa 2012. |
Theo đó, Lễ hội Hoa 2012 sẽ diễn ra từ ngày 30/12/2011đến hết ngày 2/1/2012, tại trục đường Đinh Tiên Hoàng, khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, các điểm trang trí khác tại: Phố Lê Thái Tổ - Lê Thạch - Nhà kèn. Đặc biệt, đúng như chủ đề của Lễ hội năm nay, các di tích và danh thắng: Hồ Gươm, Tháp Hòa Phong, Tháp Bút - Đài Nghiên, Cầu Thê Húc, 79 Hàng Trống, Quảng trường Đông Kinh nghĩa thục và một số điểm trang trí xung quanh Hồ Gươm; Hoàng Thành Thăng Long; Văn Miếu - Quốc Tử Giám… sẽ được chọn làm "bối cảnh" chính để trưng bày hoa.
Cũng như những năm trước, lễ hội năm nay được chia thành các không gian nổi bật như "Không gian Bắc bộ" với tiểu cảnh Song lân mở hội, không gian hoa và nghệ thuật quan họ, gánh hàng hoa, không gian nhạc cụ tre, không gian Tứ quý áo dài. Tại "Không gian huyền thoại", người xem sẽ được chứng kiến các trưng bày trống đồng chim lạc, rồng trái cây, triển lãm hoa sen, trưng bày Huyền thoại Việt... Còn "Không gian di sản" sẽ là một sân khấu nhỏ với đàn đáy và một số loại nhạc cụ khác được kết từ hoa (đây cũng là nơi dành cho biểu diễn ca trù trong Lễ khai mạc, bế mạc và Ngày Du lịch Hà Nội). Ngoài ra là nhà Rường Huế với không gian Nhã nhạc Cung đình; Quảng Nam với Phố cổ Hội An và Không gian Cồng chiêng Tây Nguyên...
Cũng trong khuôn khổ Lễ hội Hoa sẽ diễn ra chương trình thi cắm hoa nghệ thuật (sáng 31/12) và chương trình“ Ngày Du lịch Hà Nội” chào năm mới Nhâm Thìn (ngày 1/1/2012).
Xã hội hóa để nâng cao ý thức của người dân
Năm 2011 khép lại là một năm biến động với rất nhiều khó khăn, bởi vậy để tổ chức Lễ hội Hoa 2012, BTC đã chọn con đường xã hội hóa. Nếu như tại Lễ hội hoa năm 2010, ĐSQ Hà Lan đã tài trợ hoa Tuy líp phục vụ tiểu cành Sách hoa và trang trí tiểu cảnh biểu tượng Hà Nội, thì năm nay, 4.625 chậu hoa ly đã được ĐSQ gửi tặng lễ hội.Dự kiến, số hoa này sẽ được trưng bày trong tiểu cảnh “Song lân mở hội”. “Hàng ngàn chậu ly đủ sắc màu là món quà mà người dân Hà Lan muốn gửi tặng tới thành phố và người dân Hà Nội”- đại diện ĐSQ cho biết. Đồng hành và ủng hộ Lễ hội Hoa từ lần đầu tiên, đây là lần thứ 3 hai doanh nghiệp lớn là Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO), Trung tâm Thương mại mua sắm Nguyễn Kim – Tràng Thi tiếp tục tài trợ cho Lễ hội Hoa 2012.
Sự đóng góp công sức và tâm huyết của các nghệ nhân hoa Hà Nội cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng để tạo nên Lễ hội Hoa 2012. Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng bắt đầu các phần việc chuẩn bị. Là nghệ nhân hoa nổi tiếng đất Hà Thành, nhưng từ đầu tháng 12 cho đến khi kết thúc Lễ hội Hoa, anh Hùng đã không nhận các hợp đồng trang trí hoa để dồn toàn bộ nhiệt huyết cho Lễ hội. Ngoài việc chỉ đạo dàn dựng về hoa chung, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng sẽ thực hiện tác phẩm “Huyền thoại Việt Nam” – câu chuyện về Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra nòi giống Việt. Đây là tác phẩm được nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng trưng bày tại Festival Gardening World Cup tại Nhật Bản năm 2011– nơi mà nghệ thuật cắm hoa được gọi là Hoa đạo. Tác phẩm này đã đoạt giải Cúp Vàng sản phẩm trưng bày – Giải thưởng cao nhất tại Festival.
Ngoài nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng, các nhà hoa Hà Nội đã và đang nhiệt tình đóng góp cho Lễ hội Hoa 2012. Góp mặt trong hai lần Lễ hội Hoa trước, trong lần này, Nhà Hoa Sáo – nhà hoa nổi tiếng Hà Nội đảm nhận tiểu cảnh “Không gian Tứ quý áo dài”. Ý tưởng từ bức tranh dân gian Hàng Trống, “Không gian tứ quý áo dài” thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam với tà áo dài và nhạc cụ dân tộc. Hoa trong tiểu cảnh được thiết kế xinh xắn, mềm mại. Nằm trong cụm đại cảnh Không gian Bắc bộ. Và chị Sáo –chị Hiền – hai người phụ nữ Hà Nội sẽ là người kết hoa trang trí cho tiểu cảnh này. Điện Hoa Việt Pháp là đơn vị sẽ thực hiện tiểu cảnh “Xe đạp hoa”. Thể hiện nét đẹp của sớm bình minh Hà Nội trên con đường Cổ Ngư xưa với người và xe trong sương sớm, dưới bàn tay tài hoa của những người thợ Công ty Điện hoa Việt Pháp, vẻ đẹp bình dị, mong manh, thanh bình của đất và người Hà Thành sẽ được tái hiện trong không gian Lễ hội Hoa.
Cùng với các nghệ nhân Hà Nội, một số nghệ nhân ở các miền Tổ quốc cũng đóng góp công sức để chung vui cùng Thủ đô nhân ngày hội lớn. Người dân Thủ đô vẫn còn nhớ tác phẩm Chín rồng chầu được kết công phu, tỉ mẩn bằng các loại quả của nghệ nhân đến từ TP Hồ Chí Minh Trần Văn Làm. Lần này, nhân năm Nhâm Thìn sắp tới, nghệ nhân Làm đã góp với Lễ hội Hoa 2012 tác phẩm “Lưỡng long chầu trống đồng” từ các loại quả thân thuộc của miền Nam, chung vui với người dân Thủ đô trong đại cảnh "Không gian Huyền thoại"
Hà Nội từ lâu đã trở thành biểu tượng cho các giá trị văn hóa dân tộc. Người dân khắp mọi miền Tổ quốc hướng về Hà Nội với một tình cảm mến thương. Sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các nghệ nhân và món quà ý nghĩa từ Vương quốc Hà Lan cùng sự đồng cảm, ủng hộ thầm lặng của rất nhiều người chưa kể tên để Lễ hội Hoa 2012 “Hà Nội – Phố và Hoa” được tổ chức và trở thành điểm hẹn, điểm vui chơi đầu năm, trở thành ngày hội lớn của người dân Thủ đô nhân dịp Tết đến, xuân về.
Hoài An