Giữ 'hồn' cho đờn ca tài tử Nam bộ

Sau một năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, đờn ca tài tử (ĐCTT) đã phát triển khá mạnh tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do thiếu “nhạc trưởng” nên loại hình nghệ thuật này đang phát triển tràn lan, khó kiểm soát, nguy cơ biến tướng.

Việc bảo tồn đờn ca tài tử cần có sự tham gia của giới trẻ từ sớm.

Thiếu kiểm soát

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 118 câu lạc bộ ĐCTT với hơn 2.000 ca nương, tài tử tham gia sinh hoạt với nhiều hoạt động hội thi, liên hoan ĐCTT… liên tục được tổ chức. Số lượng này đã tăng gấp 2 - 3 lần so với thời điểm ĐCTT chưa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Theo nhận định của các chuyên gia về văn hóa, ĐCTT hiện nay phát triển mạnh, song có không ít biểu hiện lệch lạc, biến tướng. Các quận “đua” nhau thành lập câu lạc bộ để tham gia các cuộc thi ĐCTT; trong đó, nhiều câu lạc bộ ĐCTT hướng tới mục tiêu để “biểu diễn” là chính chứ chưa thực sự là điểm hẹn của những người yêu thích.

Bên cạnh đó, không ít cuộc liên hoan, hội thi ĐCTT chỉ đậm tính phong trào, đơn giản và hời hợt. Những điều này đang khiến khán giả quay lưng với ĐCTT chân chính.

Soạn giả Ngô Hồng Khanh, một người tâm huyết với việc bảo tồn bộ môn nghệ thuật ĐCTT tại TP Hồ Chí Minh, cho rằng tình trạng các lò đào tạo ĐCTT được mở ra rầm rộ nhưng chất lượng không ai kiểm soát đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị truyền thống của loại hình nghệ thuật này.

“Có nhiều “thầy” học không tới nơi tới chốn, học không thành tài đã đi ra dạy tràn lan do phong trào tài tử đang nở rộ. Khi anh đào tạo học trò không căn cơ thì ca không căn cơ, chữ đờn không căn cơ, chữ nhạc không căn cơ…, đó là vấn đề rất nguy hiểm”, soạn giả Ngô Hồng Khanh nói.

Mới đây, để phát triển bộ môn này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã thực hiện đề án “Đưa âm nhạc dân tộc vào học đường”, trong đó có bộ môn ĐCTT. Tuy nhiên, các em học sinh cũng khó tiếp cận được một cách bài bản do thời gian dành cho bộ môn này khá ít ỏi, giáo viên giảng lại dạy thiếu trình độ chuyên sâu.

“Thời gian học âm nhạc của các em hiện nay rất ít, chỉ 35 phút/một tuần cho khối Tiểu học và 45 phút/một tuần cho khối Trung học cơ sở. Trong thời gian đó, học sinh lại học rất nhiều nội dung chứ không riêng gì học ĐCTT nên giáo viên không thể truyền tải được hết cái căn bản, cái hay của ĐCTT. Hơn nữa, giáo viên dạy học trong các trường đa số được đào tạo từ môi trường sư phạm cho nên thầy cô cũng không chuyên sâu về ĐCTT. Mặt khác, việc giảng dạy ĐCTT tại các trường học đang thiếu sự nhất quán trong giáo trình, mỗi người dạy theo một kiểu khác nhau”, nhạc sĩ Bùi Anh Tôn, người phụ trách đề án dạy nhạc cho học sinh, chia sẻ.

Cần bảo tồn bài bản

Có thể nói, ĐCTT Nam bộ là loại hình âm nhạc rất “kén” người nghe. Muốn nghe ĐCTT để cảm nhận được cái hay thì người nghe cũng cần những hiểu biết nhất định. Vì vậy, việc bảo tồn, phát triển ĐCTT hiện phải sự có chọn lọc, kế thừa, phát triển…

TS Mai Mỹ Duyên, nguyên Phó Trưởng khoa Sau đại học khoa Âm nhạc Dân tộc, Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Cần đưa bộ môn ĐCTT vào trường học từ cấp học đầu đời chứ không nên đưa ngang vào cấp 2 hay cấp 3 như hiện nay.

Ngoài ra, cũng cần dành thời gian cho các em học sinh đi thực tế, trải nghiệm tại các vùng đất là cái nôi của nghệ thuật ĐCTT để các em có những hiểu biết nhất định về lịch sử hình thành, phát triển ĐCTT Nam bộ”.

Còn theo soạn giả Hồng Khanh, ĐCTT vốn là loại hình nghệ thuật dân gian, vì vậy được lưu giữ và truyền dạy qua hình thức truyền miệng là chính, nhưng không vì thế mà học ĐCTT không có bài bản. “Muốn bảo tồn cần có những lớp học bài bản, với giáo trình thống nhất, cụ thể. Người dạy cũng phải được đào tạo bài bản chuyên sâu để cho ra lò những học sinh hiểu về ĐCTT thực sự”.

Còn theo ông Nguyễn Hùng Khu, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp Cục công tác phía Nam của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, không phải cứ quay phim chụp hình các hội thi hội diễn, các nghệ nhân, mở ra các câu lạc bộ… mới là cách bảo tồn ĐCTT.

“Muốn bảo tồn ĐCTT phải bảo tồn ngay trong sinh hoạt hằng ngày, trong đời sống gắn với đời thường của người dân. Chẳng hạn như khi nông dân đi cày đi cấy, lúc giải lao hay lúc vào mùa cùng nhau gặt lúa, những lúc trăng sáng mọi người lại tập hợp nhau quây quần bên tách trà cùng “chơi” những bài đờn xưa, hát xướng xem ai thuộc nhiều bản đờn ca hơn… Đây chính là cách bảo tồn “sống” ĐCTT lâu dài”, ông Khu nhấn mạnh.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Lan tỏa niềm đam mê đờn ca tài tử
Lan tỏa niềm đam mê đờn ca tài tử

Câu lạc bộ đờn ca tài tử Phù Sa Kiên Giang ở Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, được nhiều người biết đến là địa chỉ giữ gìn nghệ thuật đờn ca tài tử truyền thống của Nam bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN