Ngày hội ôm được giới trẻ nhiệt tình hưởng ứng. Ảnh: vietnamplus.vn |
Đây là năm thứ 5 ngày hội được tổ chức với chủ đề “Yêu thương xin đừng để đó - Free Hugs time”. Ước tính có hơn 600 tình nguyện viên, là các thanh niên từ 18 - 25 tuổi tham dự sự kiện để cùng nhau chia sẻ và lan tỏa yêu thương trong cộng đồng.
Trong ngày hội, hành động “ôm” là hoạt động chính của sự kiện. Các thành viên, các tình nguyện viên chia thành các nhóm nhỏ cầm băng rôn, khẩu hiệu để chia sẻ thông điệp của chương trình và trao những cái ôm thân thiện tới mọi người xung quanh.
Những cái ôm được trao giữa những người bạn, những người anh em và cả những người chưa từng quen biết. Do vậy, đây là một dịp để mọi người nhận được những cái ôm thân tình từ nhiều người khác nhau nhằm chia sẻ, gửi gắm thông điệp yêu thương, thân thiện giữa con người với con người sống trong cùng một xã hội.
Sau vài phút bỡ ngỡ, bất ngờ khi các tình nguyện viên đến ôm mình, nhiều người đang mua sắm tại Trung tâm thương mại Savico Megamall đã cất tiếng cười vui vẻ, sáng khoái khi trao và nhận những cái ôm.
Chị Lê Thu Hằng (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Lúc đầu tôi với con gái tôi thấy hơi ngại, vì bình thường tôi vẫn dặn cháu không được tiếp xúc, gần gũi với người lạ. Nhưng khi thấy mọi người thân thiện, gần gũi và nhiệt tình chia sẻ yêu thương, mẹ con tôi đã tham gia và thấy trong lòng vui vui”.
Hiện sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, internet và mạng xã hội, cùng với sự ra đời của các sản phẩm như điện thoại thông minh, máy tính... một bộ phận những người trẻ có xu hướng sống thiếu kết nối thực tế và quên đi cách biểu lộ cảm xúc, sự quan tâm trong đời sống xã hội thực tế đã vô tình được hình thành. Thêm vào đó, theo quan điểm Á Đông, tại Việt Nam, việc trao đổi, bộc lộ tình cảm thân thiết như những cái ôm vẫn còn bị phần đông xã hội nhìn nhận một cách “e ngại”. Điều này phần nào tạo nên khoảng cách vô hình giữa con người với nhau.
Thành viên đơn vị tổ chức Free Hugs Hà Nội Mai Ngọc Trâm chia sẻ, những hoạt động diễn ra trong ngày hội đều hướng đến mục đích giúp mọi người rút ngắn khoảng cách và kết nối mọi người gần nhau hơn. Khi ngày hội “Ôm quốc tế” được giới trẻ ở ngày càng nhiều nước trên thế giới hưởng ứng, Ngọc Trâm hy vọng: “Xã hội sẽ có cái nhìn thoáng hơn, cởi mở hơn về cách cư xử giữa con người với nhau. Chia sẻ yêu thương một cách văn hóa, văn minh sẽ giúp lan truyền nhiệt huyết của giới trẻ và nhân rộng niềm vui trong cộng đồng”.
Chiến dịch “Ôm miễn phí”hay "Ôm tự do" (Free Hugs Campaign), do một người đàn ông người Australia có biệt danh là "Juan Mann" khởi xướng lần đầu tiên vào ngày 30/6/2004. Năm 2006, sau khi ban nhạc Sick Puppies đưa lên trang mạng Youtube một đoạn hình ảnh về chiến dịch này và nhanh chóng thu hút hơn 74 triệu lượt xem, “Ôm miễn phí” đã trở thành chiến dịch quốc tế.
Đến nay, ngày hội "Ôm quốc tế" đã được hưởng ứng tại hơn 80 quốc gia trên thế giới và diễn ra vào ngày Chủ nhật trong tuần thứ 3 của tháng 7.
Tại Việt Nam, ngày hội được tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của đông đảo tình nguyện viên trẻ tuổi.