10 năm qua, các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội vẫn được bảo tồn và phát huy hiệu quả, thiết chế văn hóa được đẩy mạnh đầu tư, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng nâng lên.
Diễn xướng hát Chèo tàu tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày ra mắt Câu lạc bộ hát Chèo tàu xã Tân Hội (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN
|
Dồi dào nguồn di sản văn hóa Một ngày cuối tuần, Câu lạc bộ hát chèo tàu tổng Gối, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập trong sự phấn khởi của bà con trong xã. Sau nhiều năm mai một, nhờ sự tâm huyết của các nghệ nhân trong làng, di sản văn hóa này đã được khôi phục và hiện đang thu hút đông đảo người dân, nhất là giới trẻ tham gia.
Ngành Văn hóa Hà Nội đã hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy di sản chèo tàu bằng việc nghiên cứu, xuất bản cuốn tài liệu giới thiệu về nghệ thuật chèo tàu, những điệu hát chèo tàu. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang đề xuất UBND huyện Đan Phượng và UBND xã Tân Hội phối hợp cùng Sở xây dựng kế hoạch hành động bảo vệ nghệ thuật truyền thống hát chèo tàu giai đoạn 2018 - 2020.
Như vậy, sau khi mở rộng địa giới hành chính, người dân Hà Nội không chỉ biết tới ca trù, rối nước, chèo, múa đánh bồng, múa cờ, lễ hội Gióng, lễ hội Cổ Loa, hội Đống Đa… mà còn biết thêm cả hát chèo tàu, hát dô, hát tuồng cổ, hát trống quân, hát ví, lễ hội chùa Hương, lễ hội chùa Trăm Gian… trong kho tàng di sản văn hóa Hà Nội. Tính đến nay, tổng số di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội là 1.793 di sản, trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, 16 di sản thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đối với di sản văn hóa vật thể, trước năm 2008, Hà Nội có 1.952 di tích, phân bố trên 14 quận, huyện. Tuy nhiên, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội là địa phương có nhiều di tích nhất cả nước và cũng là địa phương đi đầu cả nước trong việc xếp hạng, tu bổ, tôn tạo di tích. Tính đến thời điểm này, thành phố có 5.928 di tích, trong đó có 1 di sản thế giới, 13 di tích quốc gia đặc biệt, 1.180 di tích cấp quốc gia.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sau khi mở rộng địa giới hành chính, cơ quan này đã tiến hành thống kê, xếp hạng di tích trên địa bàn Hà Nội một cách quy củ nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích. Trong 10 năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã xây dựng hồ sơ, trình xếp hạng 633 di tích. Cũng trong thời gian này, trên 1.600 lượt di tích trên địa bàn thành phố đã được tu bổ, chống xuống cấp từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa.
Đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao Tham gia diễu hành tại Đại hội Thể dục thể thao quận Hoàn Kiếm lần thứ IX-năm 2017. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN |
Hà Nội được biết đến là thành phố có chiều dài văn hóa lịch sử, là trung tâm văn hóa của cả nước. Do vậy, đời sống văn hóa tinh thần của người dân luôn được quan tâm. Hạ tầng cơ sở được đầu tư, nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức, các phong trào văn hóa triển khai sâu rộng đến cộng đồng dân cư… Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, sự đầu tư cho văn hóa càng lớn hơn bởi lúc này dân số Hà Nội đã lên tới trên 8 triệu người, trải từ thành thị đến nông thôn và miền núi. Trong khi đó, tại khu vực ngoại thành, đời sống văn hóa vẫn còn là khoảng cách lớn so với các quận nội thành Hà Nội.
Trong những năm qua, thành phố đã đầu tư nhiều thiết chế văn hóa, từ nhà hát, rạp chiếu phim đến các trung tâm văn hóa – thể thao cấp quận, huyện, xã, phường, thôn, tổ dân phố. Đặc biệt, thiết chế văn hóa cơ sở gắn trực tiếp với đời sống nhân dân như: Nhà văn hóa xã, phường, thôn, tổ dân phố được quan tâm. Mặc dù còn gặp nhiều vướng mắc về mặt bằng, vốn đầu tư, nhân lực song toàn thành phố hiện đã có 112/584 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao, 2.152/2.528 thôn làng có nhà văn hóa và 1.727/5.452 tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng.
Hàng năm, nhất là dịp lễ, Tết, các hoạt động văn hóa nghệ thuật tưng bừng diễn ra ở khắp các địa bàn thành phố. Nhiều chương trình, sự kiện tiêu biểu mang tính quốc tế như: Chương trình hòa nhạc quốc tế Classic VietnamAirline Concert, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa, Lễ hội hoa anh đào… được tổ chức, thu hút hàng vạn người tham gia. Cũng tại những dịp lễ, Tết, ngành Văn hóa Hà Nội tổ chức hàng chục buổi biểu diễn nghệ thuật ở 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có cả các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, các khu công nghiệp, nơi mà người dân ít có điều kiện thưởng thức.
Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” được triển khai rộng khắp, được cộng đồng dân cư nhiệt tình hưởng ứng, góp phần xây dựng gia đình ấm no, giảm bớt các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Hà Nội là địa phương đi đầu trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Đặc biệt là khu vực ngoại thành Hà Nội đã có những tiến bộ rõ rệt. Hầu hết các đám cưới không tổ chức nhiều ngày, kéo theo ăn uống tràn lan… Các hủ tục trong tang lễ như lăn đường, khóc mướn, chơi cờ bạc hầu như không còn.
Chương trình xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” nhận được sự quan tâm không chỉ lãnh đạo thành phố Hà Nội mà cả đông đảo người dân trên địa bàn thành phố. Nội dung cốt lõi đang được triển khai là bộ Quy tắc ứng xử công cộng và bộ Quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội. Qua hơn một năm triển khai, hai bộ quy tắc ứng xử bước đầu đã tạo chuyển biến trong ứng xử văn minh của cán bộ, công chức và nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Dậu, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 4, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ cho biết: Các hội viên trong chi hội ký cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng và nghiêm túc thực hiện, ứng xử có tình làng nghĩa xóm, giữ vệ sinh môi trường chung, giữ gìn nề nếp gia đình, chấp hành mọi quy định của pháp luật… Chi hội chú trọng xây dựng phong trào gia đình văn, hạnh phúc và phong trào giữ vệ sinh môi trường. Hàng tuần, chị em phụ nữ tham gia tổng vệ sinh đường phố vào chiều thứ Sáu và sáng thứ Bảy để môi trường luôn sạch đẹp. Tất cả chị em đều nhiệt tình tham gia với sự tự nguyện, tự giác cao.
Mặc dù vậy, để các phong trào “bén rễ” sâu trong đời sống thực tiễn vẫn cần sự vào cuộc kiên trì và bền bỉ. Công tác phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần có những đầu tư và giải pháp phù hợp.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, thành phố tập trung mọi hoạt động để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển con người toàn diện về thể chất, phẩm chất đạo đức và trí tuệ đáp ứng với nhu cầu phát triển xã hội văn minh. Đồng thời, Hà Nội đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp cận nhanh chóng có chọn lọc các tinh hoa văn hóa nhân loại. Nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của nhân dân Thủ đô sẽ cơ bản được đáp ứng đầy đủ nhằm tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho quá trình khai thác năng lực, phát huy khả năng sáng tạo văn hóa trong các tầng lớp nhân dân.