Đầu tư lớn cho khu vực nông thôn sáp nhập về Hà Nội

Để phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, giảm khoảng cách chênh lệch mức sống, Hà Nội đã có riêng chương trình 02 của Thành ủy. Chương trình huy động nguồn lực từ ngân sách, người dân, doanh nghiệp phát triển hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng ngoại thành.

Đầu tư lớn về hạ tầng cho khu vực nông thôn

Sau điều chỉnh địa giới, Thành phố có không ít vùng đồi núi, xa trung tâm chưa phát triển, kết cấu dân cư có nhiều khác biệt (dân cư đô thị, nông thôn, miền núi và có đồng bào dân tộc thiểu số...). Đáng chú ý là sự chênh lệch về mức độ phát triển, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền khá lớn. Nhiều khu vực có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa phát triển; đời sống của một bộ phận nhân dân vùng xa trung tâm, vùng miền núi còn khó khăn.

Việc chuyển sang trồng hoa chậu cảnh gia đình anh Tài cho thu nhập gấp 5-6 lần so với trồng lúa.

Theo Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, tình hình kinh tế - xã hội của phần lớn các huyện mới được hợp nhất về Hà Nội còn khó khăn, thiếu nguồn lực cho đầu tư phát triển; nhiều xã còn thiếu đường giao thông, nước hợp vệ sinh, thiếu điện; trong đó 4 xã sáp nhập từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình chưa có điện và chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều huyện thu nhập bình quân năm 2008 dưới 10 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao trên 10% như Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Ba Vì, Quốc Oai, Thanh Oai... Các lĩnh vực và chỉ tiêu về văn hóa - xã hội như: Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa đạt chuẩn và tỷ lệ lao động qua đào tạo... phát triển chưa đồng bộ, còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của Thành phố.

Ông Nguyễn Doãn Hoàn, Bí thư huyện uỷ Thạch Thất cho biết, ngay sau khi tiếp quản 3 xã từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình), huyện  ưu tiên đầu tư hạ tầng nông thôn điện, đường, trường, trạm cho 3 xã này trước, thậm chí đầu tư  nhiều hơn cả các xã của Thạch Thất. "Chỉ 30 ngày sau khi hợp nhất, thôn Hương của xã Yên Trung đã có điện. Do được ưu tiên đầu tư điện đường trường trạm nên kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong số 21/23 xã trên địa bàn đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 3 xã sát nhập từ tỉnh Hòa Bình”.

Còn anh Nguyễn Văn Tài, (khu 3, Ao Sen, Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh) cho biết: Khi sát nhập về Thủ đô, chúng tôi được hỗ trợ vốn vay chuyển đổi cơ cấu cây trồng hướng đến thị trường tiêu thụ nội thành Hà Nội. Diện tích vườn được chuyển đổi từ trồng lúa, hành sang trồng hoa thu nhập tăng gấp 3 lần. Khoảng 3 năm trở lại đây, tôi chuyển sang trồng hoa chậu cảnh, hoa ghép cho thu nhập gấp 5-6 lần trồng hoa đại trà.

So với 10 năm trước, đời sống vật chất ổn định và ở bản đường xá dễ đi lại thuận tiện; các công trình điện, đường, trường, trạm đầy đủ, trẻ con được đi học, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn trước kia…”, anh Nguyễn Văn Tài chia sẻ.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới

Nhờ có sự đầu tư mạnh vào khu vực ngoại thành, nhất là vùng mới sát nhập, Hà Nội trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, phát triển theo hướng quy mô trang trại tập trung. Hà Nội có hơn 1.600 trang trại, trong đó có hơn 1.340 trang trại chăn nuôi, 147 trang trại kinh doanh tổng hợp, 132 trang trại nuôi trồng thủy sản, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát trong khu dân cư... Nhiều vùng sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, cây ăn quả tập trung được hình thành tại các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Ba Vì, Thanh Trì, Mê Linh… với giá trị thu nhập canh tác đạt 250 triệu đồng/ha/năm.

Đơn cử như xã Cấn Hữu (Quốc Oai) có 219 trang trại, trong đó có 100 trang trại tổng hợp, 109 trang trại chăn nuôi gà và 10 trang trại chăn nuôi lợn. Nhiều trang trại quy mô lớn, kinh phí đầu tư từ 1 tỷ đến 8,5 tỷ đồng/trang trại và cho doanh thu từ 1 tỷ đến 16 tỷ mỗi năm. “Ở Cấn Hữu, không có trang trại trong khu dân cư. Sau khi thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, xã đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại theo hướng bền vững”, Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Nguyễn Văn Lợi cho biết.

Cùng với chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, các huyện ngoại thành Hà Nội cũng chuyển hướng sang phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ông Nguyễn Đức Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết: Trước khi hợp nhất, huyện Quốc Oai chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Sau khi sáp nhập, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp-dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Cụ thể, công nghiệp xây dựng chiếm 40% năm 2008 thì đến nay đã tăng lên 57%; nông nghiệp giảm còn 16,7%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp-dịch vụ từ 72% lên 86%; giá trị gia tăng 249% và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp từ 28% xuống còn 14% đến hết năm 2017 (trong khi giá trị vẫn gia tăng 48%). Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2017 đạt hơn 10.088 tỷ đồng (năm 2008 là 3.460,5 tỷ đồng) tăng 191,5%.

Sản xuất các sản phẩm thép tại cụm công nghiệp Bình Phú (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất).

“Nếu năm 2008 thu nhập bình quân chỉ trên dưới 20 triệu/người/năm đến nay đã tăng lên 39 triệu/người/năm. Đặc biệt, trước năm 2008 Quốc Oai là 1 trong những huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao, có năm 4%-5% nhưng đến nay còn 258 hộ nghèo, chiếm 0,48%”, ông Nguyễn Đức Phương cho biết.

Ông Nguyễn Doãn Hoàn, Bí thư huyện uỷ Thạch Thất cho biết: Sau 10 năm, huyên đã xoá 100% nhà ở lụp xụp cho hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người từ huyện chỉ 10-12 triệu đồng/người/năm vào năm 2008 thì nay là 52 triệu đồng/người/năm.

Còn tại huyện Mê Linh, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết: Cơ cấụ kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh dịch vụ. Tốc độ phát triển kinh tế trong 10 năm của huyện đạt mức tăng bình quân khá cao (10,2%/năm): Thu nhập bình quân được cải thiện rõ rệt, năm 2017 đạt 35,4 triệu đồng/người, gấp 3,2 lần so với năm 2008 (11,04 triệu đồng/người)…

Nhìn tổng thể, sau 7 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đường làng ngõ xóm bê tông hóa; trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang; xây dựng nhà văn hóa đến từng thôn phục vụ sinh hoạt cộng đồng dân cư nông thôn; giao thông thủy lợi nội đồng được cứng hóa, phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hơn 2 năm qua, toàn thành phố đã huy động được trên 25.000 tỷ đồng cho chương trình. Đặc biệt, 12 quận nội thành của Hà Nội đã chung sức xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 284,9 tỷ đồng, trong đó nổi bật là quận Thanh Xuân hỗ trợ 3 huyện (Ba Vì, Đông Anh, Thanh Oai) với tổng kinh phí là 141 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2017, Hà Nội đã có 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh,Thanh Trì, Hoài Đức) cùng 294/386 xã (76,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tiêu biểu là huyện Đan Phượng sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới đầu tiên của thành phố đã chủ động chỉ đạo các xã lựa chọn tiêu chí để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp với tình hình từng xã với phương châm “Đường có hoa, nhà có số, phố có tên” và tiếp tục nâng lên một bước với khẩu hiệu hành động “Đường có hoa, nhà có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”.

XC/Báo Tin tức
Đoàn viên, thanh niên các trường THPT ở Hà Nội thi tìm hiểu 2 bộ quy tắc ứng xử
Đoàn viên, thanh niên các trường THPT ở Hà Nội thi tìm hiểu 2 bộ quy tắc ứng xử

Ngày 29/7, tại Công viên Thống Nhất, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu 2 bộ quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội, nhằm đưa các quy định của hai bộ quy tắc ứng xử này vào thực hiện hiệu quả trong cuộc sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN