Gặp lại "Những người ở lại"

Ngày ấy, vào những năm đầu thập niên 50 thế kỷ trước, tôi là một học sinh cấp 2 ở một huyện miền núi Cao Bằng. Những cuốn sách đầu đời tôi đã đọc chính là những truyện viết cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: Tìm mẹ, Con cóc là cậu ông giời, Thằng Quấy (bấy giờ tôi cứ đinh ninh là Thằng Quậy), An Dương Vương xây thành ốc…

Có thể nói Nguyễn Huy Tưởng đã “mê hoặc” tuổi thơ tôi, hay nói như bây giờ - tôi là một fan của ông. Thày Nguyễn Ninh, hiệu trưởng trường tôi, là người dạy văn. Trong gian nhà lá nhỏ bé của thày có một kệ sách. Là học trò cưng, tôi được thày cho đến nhà đọc sách. Tại đây có cuốn Những người ở lại. Thấy tên tác giả là Nguyễn Huy Tưởng, tôi xin thầy cho đọc. Thú thực, là một đứa trẻ sống ở miền núi, chỉ mê truyện cổ tích, nên đọc kịch với tôi không phải là dễ nuốt. Nhưng tôi vẫn đọc bằng hết, theo thói quen. Đọc sách, tôi cứ tưởng tượng ra cảnh Hà Nội kháng chiến, tưởng tượng các khu phố Hàng Ngang, Hàng Buồm, chợ Đồng Xuân và các nhân vật trong kịch. Và thật buồn cười, tôi tin những nhân vật ấy là có thật!


Từ yêu thích truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng, sau này tôi tìm đọc hầu hết các tác phẩm của ông. Riêng những sáng tác kịch của ông đến với tôi có phần chậm hơn. Không chỉ đọc kịch Vũ Như Tô, tôi còn may mắn được thưởng thức vở diễn do Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ. Vũ Như Tô quả là một tượng đài của Nguyễn Huy Tưởng, gây nhiều ám ảnh trong suy nghĩ của tôi.


Và lần này là Những người ở lại, cuốn sách vừa được gia đình tác giả cho tái bản nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Tôi đọc Những người ở lại như gặp lại một người bạn cũ, người mà tôi đã từng gặp ở nhà thày Ninh từ hồi đi học mà không hiểu lắm. Và cũng vì ấn tượng đặc biệt mà cuốn sách gây cho tôi, ngay từ vẻ bên ngoài. Tác phẩm được in theo nguyên dạng của lần xuất bản đầu tiên năm 1948 ở Việt Bắc. Cũng bìa màu cam nhạt do họa sĩ Trần Văn Cẩn trGặp lại "Những người ở lại"

 

Tình bày với nét chữ khắc mộc bản và logo của Hội Văn nghệ Việt Nam. Cũng in trên giấy xốp màu vàng nâu như thời kháng chiến, với đúng 184 trang khổ 12 x 18 cm khi xưa. Thiết tưởng chỉ chừng nấy cũng đủ thu hút sự quan tâm của bất cứ người yêu sách nào, nhất là những người chơi sách có xu hướng tìm về những cái cổ. Riêng với một người đọc như tôi còn có sự hào hứng, tự hào của một người có “thâm niên” nửa thế kỷ là cư dân Thủ đô, với sự trải nghiệm cùng đất nước bao phen qua cảnh người ra đi, kẻ ở lại…


Có thể nói, nếu tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô là một bộ sử thi toàn cảnh về những ngày đầu Hà Nội kháng chiến chống Pháp, thì Những người ở lại là một cận cảnh nhìn vào sự kiện lịch sử đó. Thêm kịch bản Lũy hoa, Nguyễn Huy Tưởng đã lập nên một bảo tàng văn học về thời kỳ này.


Tác giả đã giải thích ở cuối vở kịch: “Ở đây, cuộc kháng chiến của Thủ đô chỉ làm đường viền cho một tấn kịch nhỏ gia đình. Do đấy, vở kịch Những người ở lại chỉ có thể hiểu theo một nghĩa hẹp, nói khác ra, những người ở lại chỉ là một vài người ở lại, chịu ảnh hưởng ít hay nhiều của cuộc kháng chiến, lên hay xuống theo cái đà đi của cuộc kháng chiến”. Tác giả đã thực hiện điều đó một cách hoàn hảo và còn hơn thế…


Mở đầu kịch đúng vào thời điểm ngày nổ ra cuộc Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 và diễn biến chỉ kéo dài đến mùa hè 1947. Tất tật chỉ có 7 nhân vật chính và một nhân vật phụ xoay quanh gia đình một bác sĩ. Bác sĩ Thành – nhân vật trung tâm của vở kịch – là một nhà giải phẫu có tiếng cả ở trong nước và ở Pháp. Đi kháng chiến hay ở lại trong thành đối với ông là một vấn đề nan giải. Yêu nước, không muốn xảy ra chiến tranh, ông hy vọng nếu ở lại thì với uy tín của mình, ông có thể đóng vai trò điều đình với Pháp để ngăn chặn cuộc chiến.

Mặt khác, nếu ra ngoài, làm sao có đủ điều kiện để nghiên cứu khoa học. Lại còn bị bận tâm về người vợ đỏng đảnh không muốn rời Hà Nội vì sợ phải sống kham khổ… Chính vì vậy, ông ngả nghiêng, trăn trở, lúc thì đồng ý ra đi, lúc lại nhất định ở lại… Ông biết, nếu ở lại, ông sẽ được Pháp biệt đãi. Nhưng với tấm lòng kiên trung của kẻ sĩ yêu nước, ông thà chết chứ không để chúng lợi dụng. Thậm chí, ông còn tự nguyện làm cơ sở nội thành cho các chiến sĩ hoạt động bí mật, trong đó có con gái mình. Cuối cùng, trải qua nhiều tình huống, ông mới có được sự dứt khoát ra đi theo kháng chiến.


Các nhân vật khác cũng khéo được chọn để đại diện cho các tầng lớp khác nhau của Thủ đô. Đó là Sơn, công nhân, con trai vợ trước của bác sĩ, bị “bỏ rơi”, trở thành một cán bộ cách mạng, chỉ huy đội Quyết tử ở lại hoạt động bí mật trong lòng địch. Đó là Lan, con gái bác sĩ, tham gia kháng chiến với tâm hồn mơ mộng tiểu tư sản. Là Kính, bạn học của Lan, tiêu biểu cho một thế hệ học sinh Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, lạc quan, yêu đời, đi chiến đấu như đi dự hội; là Quảng, học trò tài năng của bác sĩ, đi theo kháng chiến với không ít gánh nặng riêng tư.

 

Đó còn là Dương và Ngọc Cẩm, hai nhân vật phản diện. Dương, bạn của bác sĩ Thành, là một trí thức cơ hội, không những quyến rũ vợ bạn mà còn làm tay sai, mật thám cho giặc. Ngọc Cẩm, vợ sau của bác sĩ Thành, quen sống hưởng thụ và trác táng, đã làm cuộc sống của bác sĩ Thành không ít chao đảo, thậm chí còn làm lung lạc bác sĩ trong việc đi hay ở. Trong bối cảnh của cuộc chiến “Hà Nội sáu mươi ngày khói lửa” vẫn diễn ra những yêu thương, giận hờn, ghen tuông, phản bội… Và cũng chính hoàn cảnh đầy thử thách ấy đã làm bộc lộ tính cách và nhân cách của mỗi con người.


Việc cho in lại Những người ở lại thành một cuốn sách riêng với hình thức gần như nguyên dạng lần xuất bản đầu tiên là một sáng kiến hay nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nguyễn Huy Tưởng.


Nguyễn Như Mai

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN