“Đừng đợi đến ngày mai”: Dùng nghệ thuật để chốngkỳ thị với nạn nhân HIV/AIDS

Tiếp nối thành công của những chương trình đưa nghệ thuật vào phục vụ mục tiêu phát triển xã hội đã được triển khai trong thời gian vừa qua, Đoàn kịch 3 – Nhà hát Tuổi Trẻ Việt Nam tiếp tục biểu diễn miễn phí chương trình nghệ thuật sân khấu tương tác “Đừng đợi đến ngày mai”, bao gồm 2 tiểu phẩm: “Con muốn đến trường” và “Giấc mơ hạnh phúc”, với chủ đề xuyên suốt là phòng chống và giảm sự kỳ thị với những người sống chung với HIV/AIDS. Chương trình được thực hiện với sự hỗ trợ của PEPFAR (Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Mỹ đối với HIV/AIDS) - Đại sứ quán Mỹ.

Một cảnh trong chương trình nghệ thuật sân khấu tương tác “Đừng đợi đến ngày mai” của Nhà hát Tuổi Trẻ.


Trong những dự án biểu diễn trước đây, chương trình đã đến được với hơn 30 trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước và đã thành công lớn trong việc tác động tới nhận thức của đông đảo lực lượng sinh viên trong việc phòng chống HIV/AIDS và giảm kỳ thị đối với những người đang phải sống chung với HIV/AIDS.

Chuyến biểu diễn 10 buổi nhân dịp "Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS" lần này sẽ hướng đến các công chức trẻ, đoàn viên thanh niên đang làm việc tại các bộ và các cơ quan ngang bộ. Mục đích của dự án được xác định rất rõ là: Thông qua việc thưởng thức nghệ thuật, các khán giả sẽ trao đổi và tham gia biểu diễn tương tác với các nghệ sỹ và chuyên gia…; qua đó sẽ giúp khán giả (là các công chức trẻ, đoàn viên thanh niên...) hiểu rõ hơn về HIV/AIDS, để từ đó, trong tương lai không xa, họ có thể đưa ra những chính sách mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn, đặc biệt sẽ không còn sự kỳ thị đối với những người sống chung với HIV/AIDS.

Tiểu phẩm mở đầu “Con muốn đến trường” là một câu chuyện về một bé gái bị nhiễm HIV từ bố mẹ mình. Tuy nhiên, nỗi bất hạnh của em lại không phải là bệnh tật mà chính là sự kỳ thị, xa lánh của người lớn - những cha mẹ cũng có con đang học cùng trường với em. Vì thiếu hiểu biết, họ gây sức ép với ban giám hiệu bắt em phải chuyển trường vì sợ con mình bị lây nhiễm HIV từ em.

Đây là một thực tế đau xót mà chúng ta đang chứng kiến hàng ngày, khi những trẻ em vô tội sống chung với HIV/AIDS phải chịu sự đối xử kỳ thị, bất công và có phần tàn nhẫn. Tác phẩm mang đến cho khán giả những khoảnh khắc xúc động, mà qua đó họ có cơ hội nhìn lại chính mình để tự quyết định cách hành xử, góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người kém may mắn. Đặc biệt, với tiểu phẩm “Con muốn đến trường”, lần đầu tiên trên sân khấu có sự xuất hiện của một diễn viên đặc biệt, một người sống chung với HIV/AIDS. Đây cũng là một minh chứng cho khát vọng hòa nhập cộng đồng và đóng góp cho xã hội của những người không may mang trong mình căn bệnh thế kỉ.

Chương trình được kết thúc bằng tiểu phẩm “Giấc mơ hạnh phúc”, một màn độc diễn lãng mạn như một bài thơ về tình yêu và hy vọng. Liệu chúng ta có cần đợi đến ngày mai để sống tốt hơn, để thay đổi những gì là thành kiến? Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu từ hôm nay, để trao tặng những điều tốt đẹp nhất cho con người và cuộc sống này…

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN