Đưa nghệ thuật tuồng vào học đường còn lắm gian nan

Năm 2011, dự án “Sân khấu học đường” không xuất hiện trong kế hoạch hoạt động của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL), bởi không được cấp kinh phí. Theo ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, dự án này có được tiếp tục triển khai hay không, còn phải chờ đánh giá kết quả thực hiện dự án trong những năm qua (dự kiến tổ chức cuối năm 2011). Nếu kết quả đánh giá tốt, Cục Nghệ thuật biểu diễn mới tiếp tục đề xuất xin kinh phí để thực hiện tiếp. Trong khí đó, có đơn vị nghệ thuật dù còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn “lẳng lặng” duy trì dự án bằng nguồn vốn tự có của mình.

Trích đoạn tuồng "Tiết Cương - Lan Anh" do học sinh Trường THCS Quang Trung(Bình Định) biểu diễn. Ảnh: T.X


NSƯT Minh Gái, Nhà hát Tuồng Trung ương cho biết: “Ngay từ những năm 88, 89, dự án đưa tuồng vào học đường đã được khởi động với sự tài trợ của Quỹ Ford. Đây là một dự án hết sức tích cực, nó góp phần đưa nghệ thuật tuồng đến gần hơn với các em nhỏ, để các em hiểu về tuồng, từ đó thêm yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống này của cha ông”. Nhưng khi quỹ Ford hết tài trợ thì mọi thứ gần như trở lại “vạch xuất phát”, vẫn không có nhiều người đến và đam mê với tuồng. Điều này đã trở thành nỗi khắc khoải, lo âu của các nghệ sĩ tuồng, của những người vốn lâu nay vẫn tâm huyết với việc giữ gìn và bảo tồn nghệ thuật truyền thống.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam từng xót xa: “Ngày nay người ta cứ đổ lỗi cho lớp trẻ rằng xa rời nghệ thuật truyền thống. Nhưng đâu có biết rằng, các em không được hiểu về nghệ thuật truyền thống thì làm sao mà yêu được. GS cũng cho biết, qua những dự án như của Quỹ Ford, thực tế cho thấy không phải các em quay lưng hoàn toàn với nghệ thuật truyền thống, trong đó có tuồng mà chỉ vì không có ai dạy cho các em biết, nói cho các em biết về nó. Khi có dự án đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường, các em đã rất hưởng ứng, nhiều em đã tỏ rõ sự thích thú, đam mê và có khiếu với bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Từ những năm 2000, nghệ thuật tuồng được trở lại với sân khấu học đường cùng với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như chèo, hát dân ca. Dự án do Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện trong 10 năm (2000 - 2010). Các nghệ sĩ và những người yêu tuồng lại được dịp tràn trề hi vọng vào sự hồi sinh của nghệ thuật tuồng. Tổng kết dự án đã cho những kết quả hết sức tích cực. Đã có 18 tỉnh, thành trong cả nước hưởng ứng dự án, mỗi tỉnh, thành chọn 3 trường tham gia, với số học sinh trực tiếp học tập là gần 1.000 em.

Các em học sinh tham gia các Câu lạc bộ không chỉ được học hát, học múa, học diễn, học đàn mà còn được các nghệ sĩ chuyên nghiệp truyền dạy cho những kỹ năng sáng tạo vai diễn trong các trích đoạn tuồng, chèo mẫu mực. Kết thúc dự án, các em đã biểu diễn được nhiều trích đoạn khó của nghệ thuật tuồng như “Hồ Nguyệt cô hóa cáo”, “Trưng nữ vương đề cờ”… Nhưng sau này, dự án phải phân bổ nguồn kinh phí cho những bộ môn nghệ thuật truyền thống khác. Những kết quả tốt đẹp từ dự án với riêng nghệ thuật tuồng đã không được nối dài. Các em chỉ học lúc đó, thời điểm đó rồi cũng “xếp xó” nghệ thuật tuồng và không có điều kiện để ôn lại. Lớp sau có muốn học cũng phải ngậm ngùi vì không có nơi nào dạy… Đó là chưa kể tới việc thiếu quan tâm của địa phương tới việc duy trì dự án, thiếu những tài trợ cần thiết về cơ sở vật chất để các em tiếp tục niềm đam mê mới được nhen nhóm.

Với mong muốn nối dài những kết quả tốt đẹp của dự án sân khấu học đường, Nhà hát Tuồng Trung ương dù còn rất nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí, vẫn cố gắng duy trì dự án bằng nguồn tự có. Đều đặn hàng năm, nhà hát vẫn thực hiện kế hoạch độc lập mang tên “Sân khấu học đường”, nhằm mang nghệ thuật tuồng đến với các em học sinh. Nhiều em nhỏ lần đầu tiên được biết đến tuồng đã vô cùng ngạc nhiên và thú vị với các nhân vật trong các trích đoạn tuồng, các mặt nạ tuồng lạ lẫm. Nhiều người bảo Nhà hát Tuồng Trung ương giỏi vì không chỉ đảm bảo đời sống cho anh chị em diễn viên mà còn lo tới thế hệ khán giả trẻ và diễn viên kế cận. Nhưng ông Giám đốc Phạm Ngọc Tuấn chỉ cười nói: “Thắt lưng buộc bụng cả đấy, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng khó khăn như các nhà hát nghệ thuật truyền thống khác. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chúng ta không quan tâm tới thế hệ trẻ thì chỉ vài chục năm nữa, sân khấu nước nhà lấy đâu ra khán giả trong nước để thưởng thức tuồng, chèo, cải lương. Thôi thì tất cả vì tương lai con em chúng ta”.

Khánh Nguyên


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN