Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ Vũ Thị Tuyết Nga cho biết, con số này bằng với lượng du khách đến tham quan trong vòng 2 tháng bình thường.
Di tích lịch sử Đồi A1. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Các điểm di tích như: Tượng đài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đồi A1, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hầm Đờ Cát, cầu Mường Thanh… nườm nượp dòng người đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Du khách là những cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hay các chiến trường Bắc Nam; học sinh, sinh viên muốn hiểu thêm về giá trị của cuộc chiến tranh “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Mọi người đều bồi hồi, xúc động khi đến thăm những di tích gắn với chiến thắng hào hùng của quân và dân ta cách đây 62 năm.
Ông Vũ Ngọc Anh, Cựu chiến binh đến từ Hà Nội chia sẻ: Hôm nay trở lại Điện Biên là lần thứ 3, nhưng cảm xúc trong tôi vẫn bồi hồi lắm. Nhìn thấy những chiến tích của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có những người lính của Sư đoàn 316 mà tôi là thế hệ sau cũng tham gia vào Sư đoàn 316, cảm thấy rất tự hào và vinh dự. Đến đây, tôi cảm phục những đồng đội đã chiến đấu hy sinh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy một thời.
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện có 40 điểm di tích thuộc Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, riêng khu vực lòng chảo Mường Thanh có đến gần 30 điểm di tích, đã được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Những năm qua, ngành văn hóa tỉnh Điện Biên đã xác định du lịch lịch sử là mũi nhọn của tỉnh.
Thời gian cao điểm này, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đã liên tục huy động cán bộ tăng ca, tăng giờ, tất cả các bộ phận từ nghiệp vụ đến hành chính đều được huy động ra các điểm di tích để làm thuyết minh viên, bán vé, quét dọn vệ sinh nhằm đảm bảo cho du khách tham quan đều được nghe thuyết minh. Điểm mới của năm nay là ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đã có rạp chiếu phim tư liệu cho du khách xem trước khi tham quan các điểm di tích, để du khách hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ.