Độc đáo phiên chợ 'ném rủi, nhận may' ở xứ Thanh

Đã thành thông lệ, cứ vào sáng mùng 6 tháng Giêng hàng năm, người dân và du khách khắp nơi lại nô nức rủ nhau về xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa để tham gia phiên chợ độc đáo có tên Chợ Chuộng. Mọi người đến phiên chợ với mong muốn "ném rủi, nhận may" cho một năm thuận lợi và sung túc.

Du khách thập phương dự chợ Chuộng.

Không biết từ khi nào câu tục ngữ "Chết bỏ con, bỏ cháu. Sống không bỏ mùng 6 chợ Chuộng" đã xuất hiện, nhưng theo các vị cao niên, phiên chợ Chuộng đã có từ hàng trăm năm nay và chỉ tổ chức mỗi năm đúng một lần vào ngày mùng 6 Tết Nguyên đán tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tích xưa kể lại, thời Vua Lê, khi giặc đến xâm lược bờ cõi nước ta, một vị tướng đã dẫn quân đi đánh giặc, khi đi ngang qua vùng đất Đông Hoàng vào đúng mùng 6 Tết Nguyên đán, vị tướng đã bị giặc phát hiện và lùng bắt. Người dân trong vùng đã tổ chức họp chợ để che mắt giặc, vũ khí của tướng lĩnh được giấu trong các quầy hàng hóa ở chợ, tướng lĩnh hóa trang mặc quần áo như dân thường buôn bán ở chợ, nhờ đó mà đã che mắt được quân giặc. Khi vị tướng phát lệnh, người dân đã dùng vũ khí giấu sẵn cùng các đồ vật khác như gạch, đá... để ném, đánh vào quân giặc khiến chúng không kịp trở tay. Phiên chợ "ném rủi, nhận may" bắt nguồn từ đó và cứ thế hàng năm vào đúng mồng 6 Tết, người dân trong vùng lại về đây họp chợ.

Chợ Chuộng được họp trên bãi đất rộng khoảng hơn 1.000 m2 ở ven sông Thiều thuộc địa phận làng Giang, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ sáng sớm, người dân các xã Đông Hoàng, Đông Ninh, Đông Khê (huyện Đông Sơn), xã Dân Quyền, Dân Lý (Triệu Sơn) và du khách thập phương đã đổ về chợ. Người dân trong vùng mang đến chợ những mặt hàng nông sản như: Rau, củ, quả, gà, vịt, ngan... cùng các món ăn dân dã như bánh cuốn, bánh đa gấc, kẹo mật... Du khách đến chợ, ai cũng mua một túi cà chua chín, táo, ổi hoặc trứng gà, trứng vịt... để "ném rủi" và "nhận may". Với quan niệm đi chợ để “nhận may, ném rủi”, đến chợ ai cũng mong muốn rũ bỏ những điều không may trong năm cũ và đón may mắn về nhà trong năm mới. Mọi người cho rằng càng ném được nhiều, càng vứt đi nhiều điều không may mắn, rủi ro, đồng thời càng "bị" nhiều người ném lại tức là càng "nhận" được nhiều may mắn, thuận lợi trong năm mới.


Để đảm bảo an ninh trật tự trong phiên chợ Chuộng Xuân Mậu Tuất, chính quyền, lực lượng công an hai huyện Thiệu Hóa và Đông Sơn đã có sự phối hợp khá tốt. Chính quyền các địa phương tuyên truyền cho nhân dân và du khách chỉ tham gia ném cà chua tại phiên chợ với tính chất vui vẻ, cầu may mắn, tốt lành.

Tin, ảnh: Hoa Mai (TTXVN)
Lễ hội kỷ niệm 591 năm Chiến thắng Xương Giang
Lễ hội kỷ niệm 591 năm Chiến thắng Xương Giang

Ngày 21/2 (tức mùng 6 Tết Mậu Tuất), tại Khu Di tích lịch sử Chiến thắng Xương Giang, UBND thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) tổ chức Lễ hội kỷ niệm 591 năm Chiến thắng Xương Giang (1427-2018).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN