Biểu diễn văn nghệ trong buổi lễ đón nhận xếp hạng. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN. |
Tối 7/1, tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) - quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ kỷ niệm 430 năm ngày mất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) và đón nhận bằng xếp hạng Đền Trạng Trình là Di tích quốc gia đặc biệt.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cho UBND thành phố Hải Phòng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hải Phòng là vùng đất vừa năng động, vừa là nơi địa linh nhân kiệt. Mảnh đất này đã gắn bó với tên tuổi của nhiều danh nhân, vị vua, trạng nguyên, trong đó có Trình Quốc công, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - người hội tụ những đức hạnh cao cả của vị minh triết. Trong thế kỷ 16, ông là nhân vật xuất chúng, có ảnh hưởng đối với quốc gia. Tư tưởng lớn của ông là yêu nước, thương dân, yêu hòa bình, mong muốn xây dựng quốc gia trở thành đất nước cường thịnh. Với hàng nghìn tác phẩm văn học, ông đã đóng góp vào kho tàng văn chương của đất nước những tác phẩm giá trị. Những di sản tư tưởng của ông luôn được các triều chính tôn vinh. Những đúc kết, dự đoán của ông mở ra tầm thế mới cho đất nước, dân tộc và có ý nghĩa cho đến ngày hôm nay.
Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố Hải Phòng gìn giữ, phát huy những giá trị tư tưởng và di sản của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm. Việc làm này góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững và bảo tồn giá trị khu di tích để góp phần thu hút khách du lịch; phát huy di sản văn hóa của danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm, sưu tầm, phát hiện những tài liệu về ông và khẳng định vị trí của ông đối với sự phát triển của dân tộc. Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước mong muốn giữ gìn mãi mãi những giá trị này để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là quân sư trọng yếu của 4 đời vua. Ông đã có nhiều kế sách giúp nhà Mạc điều hành đất nước, giúp quốc thái dân an. Triết lý quản lý đất nước của ông là lấy dân làm gốc, kiên quyết đấu tranh với nạn tham nhũng. Ông sống trong thời đại có nhiều biến động, triều Lê Sơ khủng hoảng, suy tàn, ông không ra ứng thi, chỉ tập trung nghiên cứu, dùi mài kiến thức, kinh sử. Đến đời Mạc Thái Tông - vua sáng tôi hiền, ông ứng thi và đạt Trạng nguyên. Dù ở cương vị nào, quan chức đầu triều hay ẩn sĩ ông đều yêu nước, thương dân và là nhân vật xuất chúng, là chính khách, triết gia, nhà văn, nhà dự báo thiên tài, nhìn thấu tương lai, nắm rõ vận hội thời đại, đất nước, được trí thức đương thời và hậu thế kính phục. Những cống hiến của ông cho đất nước và nhân dân đã đưa ông thành nhân vật có ảnh hưởng to lớn của Đại Việt thế kỷ 16. Tư tưởng của ông được truyền tụng xuyên thời gian và ảnh hưởng đến tâm thức của người Việt. Ông cũng là tác giả của hàng ngàn bài thơ thể hiện tấm lòng thiết tha yêu quê hương, đất nước, con người với mong ước xây dựng xã hội công bằng, thịnh vượng.
Sau khi về ở ẩn, ông dựng Am Bạch Vân thành ngôi trường, biến làng Trung Am thành trường học lớn thời đó, trong đó có nhiều học trò nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, tiến sĩ Trương Thời Tử, tác giả Nguyễn Dữ và tác giả Nguyễn Văn Chính. Cùng với Chu Văn An, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được tôn vinh là nhà giáo dục lớn của đất nước.
Khu tưởng niệm Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được nhân dân huyện Vĩnh Bảo, xã Lý Học bảo tồn và trở thành địa điểm đặc biệt.
Nhân dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng công bố tuyến du lịch “Du khảo đồng quê Hải Phòng - Kiến An - An Lão - Tiên Lãng - Vĩnh Bảo” nhằm giới thiệu đến du khách những địa danh du lịch hấp dẫn của Hải Phòng.