Phillip Noyce, đạo diễn phim “Người Mỹ thầm lặng” đang có chuyến làm việc tại Việt Nam .
Hoàn thành lịch trình công việc dày đặc tại thành phố Hồ Chí Minh với những người làm điện ảnh và yêu thích điện ảnh, ông đã có mặt tại thủ đô Hà Nội và có cuộc giao lưu trao đổi nghề nghiệp với những người làm phim, người yêu thích điện ảnh ở Thủ đô sáng 31/ 5, tại Cục Điện ảnh Việt Nam .
Sự có mặt của một số lượng lớn người quan tâm làm Ban tổ chức liên tục phải bổ sung thêm ghế ngồi cho thấy cảm tình của giới điện ảnh Thủ đô với đạo diễn Phillip Noyce.
Chia sẻ sự quan tâm của một nhà làm phim Việt Nam về các tiêu chí nghệ thuật đối với một bộ phim khi đưa ra rạp chiếu cũng như chỉ tên địa chỉ cơ quan thẩm định các tiêu chí nghệ thuật một bộ phim, Phillip Noyce đã làm không ít những người có mặt ngạc nhiên bởi câu trả lời hơi lạ với cách nghĩ truyền thống Việt Nam; theo ông: khán giả là người thẩm định chất lượng nội dung và nghệ thuật mỗi bộ phim; ở Mỹ, điều này được coi thành luật bất thành văn, nhà làm phim không tuân theo luật này thì tự mình giam mình trong "nhà tù" điện ảnh.
Hàng ngày, nhà làm phim (biên kịch, đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất) phải đối mặt với hai áp lực là vừa phải đảm bảo nghệ thuật của phim mình làm vừa phải làm sao để lôi kéo được khán giả.
Đạo diễn Phillip Noyce cũng chia sẻ với các đồng nghiệp Việt Nam về kỹ năng công nghệ điều tra khán giả của những nhà làm phim Mỹ mà theo ông thì tính chuyên nghiệp của công việc này có thể khẳng định đứng hàng đầu thế giới. Ở Mỹ, trước khi quay chính thức một bộ phim, có rất nhiều nhà làm phim đã tổ chức quay thử và tổ chức cho khán giả đến xem góp ý.
Cũng ở Mỹ, khán giả được mời xem thử phim được thể hiện cảm xúc của mình qua một phương tiện kỹ thuật; nhà làm phim chỉ nhìn vào biểu thị cường độ nắm bóp của khán giả để biết sự đồng tình của khán giả với bộ phim. Và tất nhiên, trước khi phim được phát hành, người ta đã biết chính xác doanh thu của phim.
Về vấn đề kịch bản điện ảnh, đạo diễn Phillip Noyce chia sẻ: Viết kịch bản phim có thể từ nhiều năm trước nhưng phải đến khi phim đem ra rạp chiếu thì lúc đó kịch bản mới được coi là hoàn thành. Phillip Noyce cho rằng, những người tham gia làm một bộ phim được ví như các thành viên trong một rạp xiếc mà ở đó đạo diễn là ông chủ rạp.
Người đạo diễn phải có tài tập hợp và huy động được khả năng của từng người; quan hệ giữa đạo diễn với những người tham gia làm phim là quan hệ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, không phải là quan hệ giữa ông chủ và nô lệ.
Người đạo diễn đọc kịch bản phim phải đặt mình ở vị trí người xem phim; trong đầu chỉ tồn tại một suy nghĩ là làm sao để có đông khán giả đến xem phim của minh làm. Ngân sách làm phim lớn hay nhỏ, tựu trung lại cũng vì mục đích cuối cùng là khán giả có đến xem phim mình làm hay không?
Đạo diễn Phillip Noyce cũng chân tình trao đổi với những người làm phim Việt Nam về những ngón nghề trong việc sử dụng công nghệ kỹ thuật điện ảnh mới nhằm tăng hiệu quả nghệ thuật của phim, đặc biệt là để giảm chi phí sản xuất phim. Một đoạn phim được chiếu lên, đạo diễn chỉ chỗ nào dùng kỹ thuật 3D, chỗ nào không dùng 3D.
Phillip Noyce nhấn mạnh, quan điểm của ông là công nghệ kỹ thuật cao cũng chỉ là phương tiện quan trọng giúp người làm phim giảm thiểu chi phí sản xuất một bộ phim, tạo hiệu quả vượt trội ở những trường đoạn phim mang tính ước lệ, hành động mạnh…Tuy nhiên, kỹ thuật công nghệ mới hoàn toàn không thể thay thế được giá trị nghệ thuật và nội dung cơ bản của bộ phim.
Theo ông, loại phim 3D không có tuổi thọ dài. Tuy nhiên, người làm phim hãy tận dựng và ứng dụng hiệu quả nhất công nghệ kỹ thuật điện ảnh mới để khắc phục về chi phí tài chính cũng như thời gian khi làm phim với kỹ thuật cũ trước đây.
Đạo diễn cũng cho biết, trong đoạn phim được chiếu cho mọi người xem, cảnh một số đông dân chúng chạy máy bay, máy bay ném bom...được ông dùng 50 người vẽ trong 4 ngày và dùng công nghệ 3D làm sống lại hình ảnh như thật. Tất nhiên so với việc phải dựng cảnh, thuê người thật, máy bay thật...thì nhà làm phim tiết kiệm được không ít kinh phí và thời gian.
Với người làm phim, “khi phim quay xong rồi thì lại mới là lúc bắt đầu”. Suy nghĩ này được đạo diễn Phillip Noyce làm rõ từ những kinh nghiệm ở ông và các đồng nghiệp Mỹ. Phim được quay xong, đạo diễn đưa vào phòng dựng, biên tập mới thấy những vấn đề nảy sinh buộc phải xử lý; người làm phim khác nhau ở cách giải quyết những vần dề nảy sinh.
Lời bộc bạch của Phillip Noyce với những người làm phim Việt Nam nói chung cũng như với những người làm điện ảnh ở Thủ đô là, thế giới ngày nay đòi hỏi người làm phim thông minh hơn nhưng đồng thời cũng phải biết tiết kiệm hơn. Giá trị bộ phim không được định ở mức ngân sách đầu tư nhiều hay ít mà thể hiện ở lượng người xem đến với phim ít hay nhiều./.
Công Hải