Sau khi giành giải Bông Sen Bạc và thắng giải Biên kịch Xuất sắc nhất tại LHP VN lần thứ 17 (tháng 12/2011), bộ phim truyện nhựa “Mùi cỏ cháy” (đạo diễn Nguyễn Hữu Mười) tiếp tục được vinh danh tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng được tổ chức mới đây tại Hà Nội khi giành “cú đúp” Cánh Diều Vàng và các giải Biên kịch (Hoàng Nhuận Cầm), Quay phim (Phạm Thanh Hà) và Âm nhạc Xuất sắc nhất (Đỗ Hồng Quân ở hạng mục Phim truyện điện ảnh. TTCT đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, ông cho biết:.
“Mùi cỏ cháy” là một bộ phim nói về chiến tranh của Việt Nam. Cụ thể hơn, đây là bộ phim về những người lính đã ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc như: Nguyễn Văn Thạc, Vũ Đình Văn, Hoàng Thượng Lân, Vũ Xuân… Họ đã hy sinh nhưng những trang nhật ký, những tình cảm của họ để lại là một lời hiệu triệu về lòng yêu nước cho các thế hệ sau. Có thể nói, những năm tháng chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam mãi là những trang sử vàng không bao giờ quên của dân tộc, và tôi nghĩ, đây cũng là đề tài để các đạo diễn tiếp tục hướng đến trong tương lai.
Đạo diễn Hữu Mười đóng vai Hoàng sau chiến tranh trong phim. |
Cá nhân ông có nghĩ bộ phim lại thu hút và lấy nước mắt của khán giả nhiều đến vậy?
Tôi cũng không ngờ là một bộ phim chiến tranh, quay lại câu chuyện của gần 40 năm trước, về 81 ngày đêm hy sinh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vẫn cuốn hút người xem đến thế. Không phải chỉ thế hệ người xem lớn tuổi đã đi qua cuộc chiến đó mới cảm nhận ra mà trong những buổi chiếu, tôi đã để ý, thế hệ các em nhỏ (chưa đến 20 tuổi) có cảm nhận được không thì hóa ra đề tài về người lính, đề tài về chiến tranh giải phóng đất nước vẫn làm các em yêu quý, làm các em hiểu được giá trị lịch sử mà thế hệ cha anh đã làm nên.
Đề tài chiến tranh, lại là phim truyện nhựa, luôn là một thử thách không nhỏ với nhiều thế hệ đạo diễn Việt Nam. Đề tài này hiện nay không còn được khai thác nhiều. Vì khán giả nhàm chán hay vì chính các đạo diễn đã không còn khai thác được các khía cạnh mới, thưa ông?
Chiến tranh luôn là đề tài hấp dẫn không những cho khán giả, mà còn cả của người làm phim. Nhưng ở Việt Nam, hầu như đạo diễn nào cũng “sợ” đề tài này. Vì sao ư? Vấn đề chính là kinh phí, lực, tài, và độ chuyên nghiệp. Với tôi, chỉ riêng việc đánh quả nổ trong phim “Mùi cỏ cháy” sao cho gần giống như thật đã là khó, bởi trình độ của người phụ trách khói lửa nước mình không thể bằng nước ngoài. Rồi thì tính toán đến độ chính xác, hiệu quả, độ an toàn… Rồi đạo cụ, hóa trang, võ thuật… những cái đó là của chuyên gia, chứ không phải của đạo diễn. Làm một bộ phim chiến tranh, từ xe tăng, máy bay, khẩu pháo, khí tài quân sự… của ngày hôm nay đã khó, huống chi là của ngày xưa. Trong khi đó, kinh phí làm phim lại thấp. Khó đạt được độ khốc liệt. Mà chiến tranh không làm ra được sự khốc liệt thì đâu còn là chiến tranh.
Hãy xem các đạo diễn nước ngoài làm phim về chiến tranh. Phim của họ dựng theo sự thật của chiến tranh nên được mọi người chào đón. Nó không đi vào tâm lý một chiều như phần nhiều phim của chúng ta: Anh tốt thì tốt mãi, kẻ xấu là xấu mãi. Chúng ta chưa nói được những góc khuất trong mỗi con người với những mâu thuẫn riêng, chưa nói được trong con người tốt vẫn tồn tại những cái xấu… Vì thế khán giả chán!
Khán giả biết đến ông với vai trò ĐD của những bộ phim truyền hình như: "Chiếc hộp gia bảo", "Nhịp sống", "Xóm bờ sông", "Những kẻ lãng mạn", "Cuộc phiêu lưu không định trước", "Trở lại chùa Dâu"...; nhưng, trước đó ông đã từng tham gia diễn xuất ( vai thầy giáo Khang trong phim "Bao giờ cho đến Mười"(ĐD Đặng Nhật Minh), vai diễn đã mang đến cho ông Giải thưởng Diễn viên Xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 7-1985; Phùng trong phim "Khôn dại", thầy giáo Thứ trong bộ phim nhựa "Làng Vũ Đại ngày ấy” đều của ĐD Phạm Văn Khoa...) và là một trong 16 sinh viên đầu tiên của lớp diễn viên điện ảnh khóa 2 Trường Điện ảnh Việt Nam. Lý do gì khiến ông quyết định rẽ ngang như vậy?
Thực ra nghề chính được đào tạo ở trường đại học của tôi là đạo diễn chứ không phải diễn viên. Năm 1987, tôi đã sang học khóa đạo diễn phim truyện 7 năm tại trường Đại học Điện ảnh Nga. Không phải diễn viên giỏi nào cũng có khả năng làm đạo diễn và ngược lại. Ngoài tài năng, yếu tố may mắn là khá rõ trong điện ảnh, tôi cũng là người may mắn vì việc tôi đến được với nghề đã là một sự "trời xui đất khiến" rồi. Nhưng xét cho cùng thì làm đạo diễn hay diễn viên cũng đều là cách mà người làm nghề muốn chuyển tải tình yêu, tâm huyết của mình đối với nó, nên sự "nhớ nghề" của tôi là bằng cách lao động nghiêm túc để có được những thước phim hay đến với công chúng.
Ông có thể chia sẻ với bạn đọc những kỷ niệm lần đầu tiên “chạm ngõ làng điện ảnh?
Tôi sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật. Tình cờ, năm tôi khoảng 17 tuổi, có Đoàn kịch Trung ương về biểu diễn, tôi và một người bạn ra rạp mua vé đúng vào lúc người ta trưng bảng thông báo tuyển diễn viên. Thấy thí sinh được chụp tới ba kiểu ảnh thì "lãi" quá, nên tôi ngồi ngay tại chỗ viết đơn xin dự tuyển và nộp luôn cho người của đoàn kịch. Nhận lá đơn chỉ vỏn vẹn... có 6 dòng của tôi, người thư ký suýt đuổi về với lý do: "Đơn viết quá cẩu thả, thiếu thông tin cần thiết".
Vào thi tôi phải hát một bài, đọc một bài thơ và diễn một tiểu phẩm do BGK đưa ra. Lúc đầu, cô Phi Nga bảo tôi diễn tiểu phẩm, tôi ngơ ngác vì khái niệm này quá xa lạ. Cô bảo, ở trường cháu có diễn kịch không, nếu có thì diễn tiểu phẩm tức là diễn kịch đấy. Rồi cô ra đề: Cậu đến một nhà một cậu bạn thân chơi, đến nơi thì nó đang ngủ say và trên tay đang ấp cuốn sách mà cậu từng mượn mãi không được. Lúc đó cậu sẽ làm thế nào? Thực ra tình huống đó tôi đã gặp ngoài đời...
Cuối cùng thì tôi đã lọt qua vòng sơ tuyển, được gọi ra Hà Nội thi chung tuyển và là một trong 16 sinh viên đầu tiên của lớp diễn viên điện ảnh khóa 2 Trường Điện ảnh Việt Nam.