Đám cưới 'nhiều không' mà ý nghĩa thời dịch COVID-19

Không phông rạp, không xe hoa, không áo cưới, không tiệc tùng, không khách khứa linh đình,... đám cưới diễn ra trong khung cảnh gia đình nhỏ mà ấm áp. Đúng giờ đẹp, chú rể bưng tráp và lễ xin dâu đến làm thủ tục đón cô dâu về nhà; phút bần thần, người mẹ tiễn con gái đến bậu cửa... Thời dịch COVID-19, mọi thứ được đơn giản hóa nhưng ý nghĩa và cảm xúc của ngày cưới thì vẫn tràn đầy.

Chú thích ảnh
Đám cưới là đại sự, còn công tác phòng, chống dịch là yêu cầu quan trọng nên để hài hòa, người dân đã chủ động thích ứng, vẫn đăng ký kết hôn, vẫn đầy đủ nghi lễ thưa hỏi, lễ gia tiên, đón dâu nhưng đơn giản và hạn chế thành phần.

Ý tưởng về một đám cưới linh đình với sự tham gia đầy đủ của hai bên gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp của cô dâu Đinh Hà Linh và chú rể Đặng Tùng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) không thể thực hiện được  do tình hình COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Cô dâu Đinh Hà Linh tâm sự: Suốt nhiều tháng trời, hai gia đình tất bật chuẩn bị kỹ lưỡng cho đám cưới của các con. Nhưng dịch COVID-19 lại bùng phát, thành phố Hà Nội nâng cấp độ dịch lên mức 2, đám cưới không được tập trung quá 30 người. Vậy là dự tính tổ chức đầy đủ lễ ăn hỏi, lễ cưới, mời họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp hai bên buộc phải thu hẹp dần quy mô.  Đến cuối tháng 11, sát ngày cưới, hai bên gia đình đành quyết định tổ chức lễ cưới giản dị nhất có thể bởi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khiến họ hàng cả nhà trai và nhà gái đều khó khăn trong việc đi lại.

COVID-19 đã làm nhiều hoạt động bị đình trệ nhưng hạnh phúc trăm năm thì không thể trì hoãn. Do đã dự kiến từ trước, gia đình nhà trai đã chọn ngày lành tháng tốt mang lễ sang nhà gái. Chú rể cũng là đại diện cho họ nhà trai tại Hà Nội đến xin dâu trước khi đưa cô dâu về Thái Nguyên thực hiện lễ cưới theo phong tục người Dao Lô Gang.

“Gia đình em và chồng đã liên hệ trung tâm tiệc cưới và cũng đã chuẩn bị gửi thiệp cưới đến bạn bè và họ hàng thì nhận được thông báo Hà Nội nâng cấp độ dịch. Trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều ca bệnh không rõ đường lây nhiễm, chúng em không ngần ngại quyết định tổ chức đám cưới đơn giản nhất có thể, không tập trung đông người. Lễ cưới theo phong tục người Dao tại Thái Nguyên  (thông thường vốn kéo dài nhiều tiếng đồng hồ và làm nhiều mâm cỗ mời người thân, quan khách) nhưng nay giảm phần lễ còn 30 phút và chỉ làm vài mâm cỗ gói gọn chủ hôn, người bác dắt tay cô dâu về nhà chồng và các thành viên trong gia đình. Để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, em và chồng đã đi xét nghiệm PCR, có kết quả âm tính ngay trước khi rước dâu” - cô dâu Đinh Hà Linh chia sẻ.

Không khỏi bùi ngùi vì tiễn con gái từ 5 giờ sáng về nhà chồng giữa bối cảnh chỉ tổ chức lễ cưới gói gọn trong quy mô gia đình, bà Đỗ Thị Ánh Hồng (thân mẫu của cô dâu Đinh Hà Linh) lắng giọng: “Gia đình ban đầu cũng suy nghĩ vì thấy thương cho các em quá, lễ cưới là việc trọng đại trong cuộc đời mỗi người mà họ hàng, bạn bè không tới chung vui được. Tuy nhiên, trong thời điểm cả nước đang căng mình chống dịch thì những người trẻ phải là những người có quyết định đúng đắn nhất vào lúc này. Vì lẽ đó, gia đình cũng rất động viên hai em”.

Theo lời của chú rể, ngày cưới của người Dao ở huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) giống như một ngày hội của cả gia đình, họ hàng, bạn bè và bà con trong xóm. Trước tình hình mới, lễ đón dâu đã được gia đình lựa chọn tổ chức một cách giản dị mà vẫn trang trọng. 

Chú thích ảnh
Đặc biệt, đám cưới được bà con nhân dân, bạn bè, hai họ ủng hộ và chúc phúc bằng nhiều hình thức như qua mạng xã hội, qua việc gửi hình ảnh trực tiếp - những cách làm mới đảm bảo các quy tắc phòng, chống dịch bệnh.

“Em cũng muốn tổ chức một đám cưới đông đủ, trọn vẹn nhưng vì dịch bệnh bùng phát, bản thân em và gia đình không muốn ngày vui trở thành nỗi lo nên cắt giảm mọi thủ tục, không tổ chức cỗ bàn, ăn uống linh đình. Để đảm bảo thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, gia đình nhà trai tại Thái Nguyên cũng chỉ tổ chức đón cô dâu ở quê nhà mà không lên Hà Nội. Sự thay đổi thể hiện quyết tâm vượt qua dịch bệnh của cả hai bên gia đình và của những người trẻ chúng em” - chú rể Đặng Tùng bộc bạch.

Tại nhà trai, các thủ tục đón con dâu mới theo đúng nghi thức của người Dao ở đây vẫn được tiến hành. Gần đến cổng nhà trai, cô dâu phải khoác lên bộ trang phục truyền thống của người Dao, gồm váy áo, mạng che mặt và một chiếc mũ đặc biệt.

Chú thích ảnh
Bác gái của chú rể ra ngõ đón cháu dâu để đưa về nhà. Ảnh: LT

Bác gái của chú rể là người chuẩn bị tất cả những trang phục này, đích thân ra ngoài ngõ mặc giúp và dặn dò cháu dâu tương lai. Theo truyền thống, chỉ có những người uy tín mới được các đám cưới "mượn mũ", "mượn tay" sắp xếp, chỉ bảo cô dâu trong ngày cưới như vậy.

Lễ tơ hồng trong đám cưới của đồng bào Dao trước đây làm rất lâu vì phải thực hiện nhiều nghi lễ truyền thống. Tuy nhiên vì dịch bệnh nên mọi thứ đã được đơn giản hóa. Và để bảo vệ sức khỏe cho mọi người, gia đình cũng hạn chế khách mời, tổ chức gọn nhẹ, thực hiện đầy đủ các khâu phòng dịch.

Chú thích ảnh
Lễ cưới theo phong tục của đồng bào Dao của đôi bạn trẻ diễn ra gọn nhẹ, trong khoảng 1 tiếng đồng hồ mà vẫn trang trọng, đầy đủ nghi lễ với vài mâm cỗ gồm nội ngoại tham dự. Ảnh: LT

Cuối năm 2021, những đám cưới "nhiều không" giờ đã không là điều “bị”, “phải” mà là lựa chọn của người trẻ và đại gia đình. Đám cưới đơn giản, gọn nhẹ trong quy mô gia đình giúp gạt đi những mối lo lây lan dịch bệnh chính là "liều vaccine" hoàn hảo cho một cuộc sống đôi lứa hạnh phúc dài lâu. "Đám cưới thời COVID" chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên của các cặp đôi khi kể lại với các thế hệ sau. 

Minh Thy/Báo Tin tức
Đám cưới 'online' đặc biệt của nữ điều dưỡng đang đi chống dịch COVID-19
Đám cưới 'online' đặc biệt của nữ điều dưỡng đang đi chống dịch COVID-19

Đám cưới online đặc biệt của nữ điều dưỡng đang tham gia chống dịch vừa diễn ra tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN