Cung cấp kiến thức và nhận thức đúng đắn về tội phạm số và những nguy cơ tiềm ẩn

Dịch giả Nguyễn Đức Dũng vừa ra mắt cuốn sách “Tâm lý Tội phạm 4.0”, đây là sự kết hợp giữa nghiên cứu tâm lý học, khoa học xã hội và công nghệ, giúp độc giả hiểu rõ hơn về tâm lý của những kẻ phạm tội trong thế giới số.

Theo dịch giả Nguyễn Đức Dũng (chủ biên của 17 cuốn sách Chuyển đổi số), anh hy vọng, cuốn sách "Tâm lý tội phạm 4.0" của mình sẽ cung cấp cho độc giả một góc nhìn mới về mối liên hệ giữa tâm lý tội phạm và sự phát triển của xã hội số hiện đại.

"Cuốn sách không chỉ gửi đến độc giả những phân tích sâu sắc về động cơ và hành vi của tội phạm trong thời đại công nghệ mà còn là lời khuyến cáo những nguy cơ tiềm ẩn trong không gian mạng nơi mà tội phạm không bị giới hạn trong phạm vi địa lý hoặc hình thức truyền thống", dịch giả chia sẻ.

Chú thích ảnh
Cuốn sách "Tâm lý tội phạm 4.0".

Dịch giả Nguyễn Đức Dũng cũng bày tỏ mong muốn, cuốn sách sẽ giúp độc giả, từ các chuyên gia pháp lý, cho đến những người quan tâm, có thêm kiến thức và nhận thức đúng đắn về tội phạm số và những nguy cơ tiềm ẩn.

Hiện nay, hành vi gây gổ, thúc ép tình dục, lừa đảo, bôi nhọ và bắt nạt trên không gian mạng đang trở thành vấn nạn tại nhiều quốc gia. Các nhà nghiên cứu đang tập trung tìm hiểu nguyên nhân và mối liên hệ giữa tội phạm truyền thống và tội phạm mạng.

Tội phạm mạng, hay còn gọi là “tội phạm số”, thực hiện hành vi vi phạm theo cách thức hoàn toàn khác biệt so với “tội phạm đường phố”. Do đó, những biện pháp phòng ngừa truyền thống (cơ học) thường trở nên vô hiệu trước sự tinh vi của tội phạm mạng. Tội phạm số biết cách tận dụng công nghệ để gây ra rủi ro và đe dọa cá nhân, chính quyền và xã hội. Điều này thúc đẩy nghiên cứu về các mối quan hệ xã hội trong xã hội số và yêu cầu xây dựng một khung pháp lý mới đáp ứng các thách thức thực tiễn liên quan như việc xử lý người vi phạm và giải quyết các xung đột xã hội mới phát sinh.

Lợi ích tài chính, sự thỏa mãn bản thân, thậm chí, niềm tin lý tưởng hoặc chính trị là những động cơ chủ yếu thúc đẩy tội phạm mạng. Tuy nhiên, lợi ích tài chính được xem là động cơ cốt lõi khi ngày càng có nhiều tội phạm mạng tham gia hành vi vi phạm để trục lợi như đánh cắp thông tin tài chính, bán dữ liệu đánh cắp trên web đen hoặc tống tiền thông qua hành vi ép chuộc dữ liệu.

Chú thích ảnh
Dịch giả Nguyễn Đức Dũng giới thiệu cuốn sách “Tâm lý Tội phạm 4.0”.

Một động cơ khác là sự thỏa mãn bản thân. Tội phạm mạng thường tìm kiếm và chinh phục thử thách bằng cách bẻ gãy và đột nhập vào các hệ thống an ninh để thể hiện kỹ năng và trình độ cá nhân. Việc đột nhập thành công khiến họ cảm thấy tự hào và cảm giác chiến thắng.

Tội phạm mạng có một số đặc điểm tâm lý cụ thể như tính bốc đồng, thích cảm giác mạnh và thiếu sự đồng cảm. Những đặc điểm này có thể dẫn đến việc thiếu nhận thức đầy đủ về hậu quả của hành động, bao gồm cả thiệt hại gây ra đối với cá nhân và tổ chức.

Ngoài ra, tội phạm mạng thường có mức độ thông minh khá cao cũng như khả năng sáng tạo giúp họ phát triển các công cụ khai thác tinh vi và tìm ra lỗ hổng trong hệ thống bảo mật. Điều này khiến việc ngăn chặn tội phạm mạng trở nên khó khăn hơn.

Mặc dù con người trong xã hội hiện đại chịu tác động mạnh mẽ từ các mối quan hệ xã hội nhưng yếu tố gia đình là nền tảng tạo ra nhiều sự khác biệt trong số các hành vi vi phạm pháp luật. Các nghiên cứu chỉ ra ‘gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi chống lại cộng đồng và phạm tội của cá nhân người vi phạm’.

Về biện pháp phòng ngừa, theo dịch giả Nguyễn Đức Dũng, tội phạm mạng có thể xảy ra ở bất kỳ đâu và với bất kỳ người sử dụng nào vì thế, mỗi người dân cần nhận thức rằng họ đều có thể ‘là nạn nhân’ và do đó cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi tham gia tương tác trên mạng hoặc sử dụng điện thoại/thiết bị thông minh kết nối với Internet để phòng tránh.

Thực tế cho thấy, các biện pháp phòng ngừa truyền thống như khóa cửa, lắp đặt hệ thống cảnh báo, tránh xa môi trường tiêu cực xung quanh (hàng xóm) và giữ tài sản cẩn thận là chưa đủ trước tình trạng loại tội phạm mạng ngày càng gia tăng. Theo đó, những biện pháp truyền thống nêu trên cần được hướng dẫn để bổ sung và điều chỉnh phù hợp với thời đại số hiện nay.

XM/Báo Tin tức
Cẩn trọng trước chiêu trò lừa đảo xem bói online dịp đầu năm 2025
Cẩn trọng trước chiêu trò lừa đảo xem bói online dịp đầu năm 2025

Dịp đầu năm mới, nhiều người mong muốn biết trước tai ương để phòng tránh, hay tò mò về tương lai trong năm tới, nên có thói quen đi xem bói, nhưng không ít trường hợp rơi vào tình trạng "tiền mất tật mang".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN