Ông Trần Phương Nam, một người chơi đá cảnh tại Hà Nội cho biết: “Đá là món quà vô giá do thiên nhiên tạo ra với nhiều hình dạng khác nhau ví như thạch anh, ruby, gỗ hóa thạch thành đá… Ngắm nhìn những khối đá lớn, mỗi người có cảm nhận khác nhau, liên tưởng tới con người, sự vật, hiện tượng trong cuộc sống, như hòn trống mái ở Sầm Sơn hay hình rồng như vịnh Bái Tử Long, hàng Thạch Sanh ở Hà Tiên… Chơi đá cảnh không phân biệt giàu nghèo cao thấp, công chức viên đá nhỏ để bàn, đại gia thì phiến đá to tạc tượng, tùy theo thu nhập nhưng phải có hiểu biết mới chơi được”.
Đá cảnh là thú chơi tao nhã của nhiều người. |
Để chơi được đá cảnh, trước hết người chơi phải có kiến thức về đá, gắn mình với thiên nhiên cùng trí tưởng tượng để tìm ra được những tác phẩm quý đang “ẩn mình” . Những người chơi đá cảnh chuyên nghiệp cho biết chơi đá cảnh giống như những thú chơi khác trước tiên phải có sự đam mê và 90% do yếu tố cảm nhận tự nhiên của con người thấy được viên đá nào đó đẹp. Vì vậy để chơi được đá cảnh thì ngoài đam mê cũng phải tìm hiểu kỹ về nó.
Như yếu tố đầu tiên của đá quý là nặng và mát, người có khả năng có thể cảm nhận được năng lượng trong đá. Nếu thích đá cảnh nhưng không tìm hiểu kỹ rất dễ mua phải đá cảnh giả. Ông Nguyễn Tiến Hải, công ty cổ phần đá quý Việt Nam cho biết: “Mỗi người chơi đá cảnh lại có sự đam mê với loại cũng như màu sắc đá khác nhau. Đơn cử như có người chơi đá cảnh hay qua cửa hàng tôi chỉ thích đá thô và màu vàng, mỗi khi lĩnh lương lại dạo quanh cửa hàng để tham quan. Có khi thích viên một viên đá nhưng không đủ tiền mua liền gửi dần cho cửa hàng đến khi đủ tiền thì đem về”.
Người chơi đá cảnh phải có không gian rộng để bày đá, với những người chơi chuyên nghiệp không để đá cảnh trong phòng, cũng vì vậy càng cần có không gian thậm chí hàng ngàn mét vuông. Việc tìm kiếm rất khó khăn, nhiều khi để có được những viên đá như mong muốn, người chơi đá cảnh phải trèo đèo lội suối hay chờ đợi hàng tháng trời để mang được tác phẩm về.
Đá cảnh có 2 dạng là nguyên bản và qua chế tác. Với những viên đá sẽ chế tác, sau khi chọn được đá, người chơi mất khá nhiều công sức và thời gian để gia công. Một viên đá nặng khoảng 20 kg, người thợ lành nghề phải làm 2 tới 3 ngày mới hoàn thành. Hoặc những hòn non bộ được làm theo tích truyện, với chi tiết sắc sảo hang đá, ông tiên, đường núi… phải rất kỳ công.
Với những pho tượng lớn cần rất nhiều công sức. Ví dụ để tạc tượng Phật, đầu tiên phải có bản vẽ, và kích thước, sau đó phải nhờ tới 4 lớp thợ, lớp thợ thứ nhất phá đá cắt thành phôi mang về xưởng, lớp thứ 2 làm thô trực tiếp chân tay mặt, lớp thợ thứ 3 làm chi tiết nét mặt, ngón tay hay dấu hiệu đặc trưng, lớp thợ cuối cùng là đánh bóng. Trước đây làm các tượng đá được làm thủ công nên rất lâu, hiện nay người chơi đá có cả một hệ thống các “công xưởng” hỗ trợ với máy cưa, máy đục nên thời gian được rút ngắn, một tượng từ 2 đến 3 tấn làm trong khoảng 3 tháng là hoàn thành.
Đơn cử như tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đặt ngày 16/2 nhằm mùng 9 tháng Giêng năm Bính Thân. Đây là pho tượng quý được tạc từ đá ngọc bích đỏ rất uy nghiêm,thể hiện Phật hoàng trong tư thế ngồi tu thiền, do những người thợ Hà Nội tạc từ đá nguyên khối nhập từ Myanmar (có chiều cao 0,98 m, trọng lượng 500 kg). Sau 7 tháng tạo tác và tu sửa khối đá đã có hình thù đúng với pho tượng Phật hoàng cổ trong Tháp Huệ Quang (Yên Tử).
Ông Lê Doãn Thăng, Phó Chủ tịch Hội đá cảnh, đá phong thủy Việt Nam, người công đức bức tượng này cho biết:“Làm tượng phật hoàng Trần Nhân Tông để cúng dường cho chùa Ngọa Vân, tôi phải tự đảm bảo các khâu vẽ hình, chọn mua đá, sau đó hướng dẫn thợ làm một cách tỷ mỉ không để sai sót nào”.