Chùa Trăm Gian 'chui lọt lỗ kim' của sự vô trách nhiệm?

Chỉ sau khi báo chí lên tiếng đồng loạt và đầy bức xúc về tình trạng “đập cổ kính xưa dựng chùa mới" tại di tích nổi tiếng chùa Trăm Gian (thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), thì các cơ quan chức năng mới thực sự vào cuộc: UBND Hà Nội ra văn bản yêu cầu Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH,TT&DL) và Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ kiểm tra, xử lý, báo cáo lại thành phố trước ngày 29/8; Bộ VH,TT&DL gửi văn bản yêu cầu UBND thành phố Hà Nội xử lý sai phạm, dừng ngay việc thi công để cứu di sản vô giá này...


Đồng loạt các văn bản được đưa ra, liên tục các đoàn kiểm tra đã xuống trực tiếp tại "hiện trường" để nghiên cứu, xử lý. Nhưng, câu hỏi đặt ra là: Liệu đã quá muộn cho việc cứu di tích có một không hai này?

Cơ quan chức năng cùng vào cuộc


Ngày 24/8/2012, ngay sau khi có bài viết trên Báo Lao động điện tử "Đập cổ kính xưa xây dựng... chùa mới", UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 3253, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc tới Giám đốc Sở VH,TT&DL và Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ. Theo đó, giao Sở VH,TT&DL chủ trì phối hợp UBND huyện Chương Mỹ và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý vấn đề báo nêu, báo cáo kết quả thực hiện với UBND thành phố trước ngày 29/8.


Nhà Tổ nguyên gốc...

 

Cũng ngay lập tức, cán bộ xã, huyện "xôn xao" đến kiểm tra. Rồi đoàn thanh tra của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, với sự tham gia của Cục Di sản văn hóa và cơ quan hữu trách cũng đã về thị sát chùa Trăm Gian ngay sau đó.


Và mới nhất là ngày 27/8, trực tiếp Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Lê Khánh Hải đã ký văn bản gửi UBND TP Hà Nội, đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố thực hiện ngay một số biện pháp nhằm cứu lấy di sản vô giá này...


Văn bản nêu rõ, sau khi kiểm tra, Bộ VH,TT&DL thấy rằng sự việc xảy ra tại di tích chùa Trăm Gian đã vi phạm Luật Di sản văn hóa.


Sư trụ trì chùa Trăm Gian đã nhận trách nhiệm tự ý tháo dỡ, thi công tu bổ nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp phía trước tiền đường khi chưa được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền, đồng thời đơn vị thi công do nhà chùa thuê đều là thợ địa phương, không có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.


Với những vi phạm xảy ra tại di tích chùa Trăm Gian nêu trên, Bộ VH,TT&DL đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố thực hiện ngay việc đình chỉ việc thi công tại di tích chùa Trăm Gian và có biện pháp xử lý sai phạm; bảo vệ toàn bộ cấu kiện gỗ, chân tảng, ngói lợp cũ của nhà Tổ, gác Khánh và đá bậc cấp cũ trước sân tiền đường; nhanh chóng xây dựng phương án phục hồi nguyên trạng nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp sân trước tiền đường trên cơ sở tái sử dụng tối đa các cấu kiện cũ của công trình và thiết kế đã được thỏa thuận; thực hiện các thủ tục tu bổ di tích theo quy định.


Để vụ việc vi phạm Luật Di sản tại chùa Trăm Gian không tiếp tục tái diễn, Bộ VH,TT&DL sẽ giám sát trách nhiệm của Sở VH,TT&DL Hà Nội, chỉ đạo thực hiện tốt việc phục hồi nguyên trạng chùa. Trước mắt, trong ngày 28/8, Cục Di sản cũng đã cử cán bộ xuống phối hợp với Sở VH,TT&DL Hà Nội, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội khảo sát, đánh giá cấu kiện đã bị tháo dỡ làm cơ sở để tái sử dụng cũng như bổ sung nguyên vật liệu, cấu kiện đã hư hỏng.

 

"Thảm sát" di tích


Những việc làm cấp tập, những văn bản, những đoàn kiểm tra liên tục xuống với di tích chùa Trăm Gian trong những ngày vừa qua. Nhưng, điều đáng nói là các văn bản ấy, những cuộc kiểm tra ấy liệu còn có thể cứu vãn được gì cho di tích có một không hai này? Và quan trọng hơn, là tìm ra nguyên nhân vì sao lại có những kẽ hở trong quản lý di tích, khiến cả trăm gian chùa "bị chui vào một “lỗ kim” tưởng như bé xíu của các nhà quản lý" - như một nhà báo đã chua chát thốt lên?


... và nhà Tổ đang trong quá trình “làm mới”.

Theo kết luận của đoàn thanh tra Bộ VH,TT&DL, hiện tại công trình nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp từ gác chuông lên sân tiền đường của chùa Trăm Gian đã bị nhà chùa dỡ bỏ hoàn toàn và đang được xây mới. Nhà Tổ cơ bản đã được lợp mái, gác Khánh đã lắp dựng xong bộ khung gỗ. Điều đáng nói là kiến trúc hai công trình trên được nhà chùa cho thi công không dựa trên thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Toàn bộ cấu kiện gỗ, ngói lợp và chân tảng cũ của nhà Tổ và gác Khánh đã bị loại bỏ, để chất đống phía sau chùa và không được bảo quản tốt... Vậy thì sẽ còn gì đề cứu hồi lại được di sản này, khi cả “hồn lẫn cốt” của nó đã bị người ta triệt hạ tận gốc như vậy?


Chùa Trăm Gian (tên chữ là Quảng Nghiêm) nằm trên một quả đồi cao ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông, năm 1185. Chùa Trăm Gian, nếu tính theo 4 cái cột là một gian, thì có tới 104 gian; là công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, "độc nhất vô vị", và được xếp hạng là di tích quốc gia từ hơn 40 năm qua.


Những tưởng với một công trình có giá trị như vậy, công tác bảo tồn, tu bổ sẽ phải được thực hiện rất nghiêm túc. Nhưng không, trong những năm qua, ngôi chùa này đã liên tục bị trùng tu tôn tạo theo kiểu... làm hỏng di tích. Vụ nào cũng thuộc diện “không thể nào quên”, và ở tình trạng khi phát hiện nó đã “lỡ” rồi, đành lặng lẽ... rút kinh nghiệm, bỏ qua như việc sơn lại tranh tượng quý bằng sơn công nghiệp Nippon; làm mới bệ tượng, bàn thờ bằng ximăng, gạch ốp lát công nghiệp xanh đỏ tím vàng; xây mới các dãy hành lang, đánh bóng cột kèo bằng vécni. Và nay, thì không cần sửa hay quét sơn nữa, mà là phá chùa cũ để xây chùa mới, theo đúng nghĩa đen của việc này.


Việc phá đi xây mới này đã diễn ra ngót 3 tháng, cho tới khi báo chí lên tiếng. Và "suốt hơn 100 ngày thi công ầm ĩ vừa qua, nhiều tỉ đồng được “tài trợ” để hủy hoại di tích quốc gia rồi, mà cơ quan chức năng từ thôn, xã, huyện, thành phố, trung ương đều không hề hay biết. Đến khi nhận được tin... qua báo chí thì nhà Tổ, gác Khánh tuyệt đẹp, cổ kính ngàn năm của chùa đã bị đập ra, xây mới hoàn toàn. Công trình trái phép "cơ bản đã kịp tiến độ” - làm mới di tích 100% trước khi thanh tra Bộ VH,TT&DL cùng Cục Di sản văn hóa... về thị sát. Ngày 24/8, ngay lập tức, biên bản yêu cầu đình chỉ thi công “làm mới” chùa Trăm Gian được ký tại sân chùa. Nhưng đã quá muộn!"- một nhà nghiên cứu cho biết.


Sẽ xử lý nghiêm hành vi xâm phạm di tích lịch sử quốc gia chùa Trăm Gian:

 Liên quan tới các vi phạm quy định về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích tại chùa Trăm Gian, ngày 28/8, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Vũ Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ thừa nhận: “Việc xây dựng nhà Tổ, gác Khánh diễn ra trong thời gian qua do UBND xã Tiên Phương và nhà chùa không báo cáo kịp thời nên có phần trách nhiệm của UBND huyện về công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. UBND huyện Chương Mỹ đã nghiêm túc kiểm điểm, báo cáo Thường trực Huyện ủy và thấy rõ trách nhiệm”. Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết: “Sắp tới, sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan tổ chức hội thảo để bàn biện pháp tháo gỡ, giải quyết theo đúng nguyên tắc; đánh giá xem hạng mục nào cần phải thay thế, hạng mục nào có thể tái sử dụng đảm bảo giữ được tối đa giá trị gốc”. UBND TP Hà Nội đã giao Sở VH,TT&DL Hà Nội, phối hợp với huyện Chương Mỹ và các đơn vị liên quan đình chỉ thi công tại di tích chùa Trăm Gian, có biện pháp xử lý sai phạm.

Theo những bức ảnh được chụp lại trước khi ngôi chùa được trùng tu, thì hiện trạng của chùa Trăm Gian còn khá ổn. Những bậc đá dẫn vào chùa rêu phong cổ kính, đá được đẽo gọt thủ công tuyệt mỹ. Khu gác Khánh vững chãi, thâm nghiêm, cột lim to, nền gạch vững hơn bàn thạch tọa lạc cạnh chùa chính, gần nhà Tổ, gần cây hương nghi ngút khói ngàn năm lịch sử giờ mở lại xem trong ảnh vẫn thấy rõ cả trống đại, khánh lớn. Thế nhưng, theo những người chủ trương làm mới chùa Trăm Gian báo cáo thì: “Di tích cổ sắp đổ, chúng tôi phải dỡ ra khẩn cấp trước mùa mưa bão 2012”. Và kết quả của việc dỡ khẩn cấp này là đá tảng xanh chân cột, đá gạch cổ viền quanh di tích, các cấu kiện gỗ, ngói, rui mè..., tất cả đều bị đập phá bằng búa tạ, dỡ ra ném bỏ.


Theo điều tra, thì nhà Tổ của chùa có một số cột bị mục. Nhưng theo các chuyên gia bảo tồn từng nhiều lần khuyến cáo, cột lim nào cũng dễ bị tiêu tâm rỗng lõi. Nhưng như thế cũng không có nghĩa là buộc phải dỡ ra thay mới. Nếu để yên thì nó vẫn cứ vững chãi mãi. Mà nếu trùng tu thì cần thay thế có tính toán, thậm chí chèn, kê, luồn gỗ vào các khúc tiêu tâm đó để có một cái cột vững chãi theo đúng nghĩa bảo tồn. Thế nhưng, nhà chùa vẫn dỡ toàn bộ nhà Tổ, bỏ tất tật cấu kiện gỗ, gạch, đá cũ, bóc cả nền lên, đào sâu xuống để đổ bê tông toàn bộ. Một số người dân trong xã được huy động phục vụ cho việc xây mới chùa cho biết: Trên thực tế thì nhà Tổ và gác Khánh cũng không hỏng nhiều lắm, tuy nhiên, do có tiền nên "tiện thể" làm mới luôn cho đẹp!


Trách người dân một, trách sư trụ trì chùa đã... bạo gan dám đập đi xây mới ngôi chùa vô giá này mười thì phải trách chính quyền sở tại và các cơ quan có trách nhiệm cả trăm, cả ngàn. Lý gì mà một công trình xây dựng trong cả 3 tháng trời lại không ai biết tới? Lý gì mà việc nhà chùa mua cả gỗ từ xa về để thay cột thay kèo mà không ai hay? Lý gì mà để ngôi chùa có một không hai như vậy trở thành đống đổ nát, mà giờ đây dẫu có trùng tu lại, cũng không thể còn làm được nữa. Đình chỉ, văn bản, thanh tra kiểm tra... thì sẽ vẫn phải làm, nhưng nỗi đau không thể lành này của chùa Trăm Gian, liệu ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Và chúng ta sẽ trả lời thế nào đây, với tổ tiên và con cháu đời sau?


Nhóm phóng viên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN