Giải thưởng "Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội":

Cảm mến một tình yêu Hà Nội đã đi qua 11 năm vẫn chưa thấy cũ

Lễ trao giải thưởng "Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội" của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) diễn ra sáng 29/8, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt) đã đánh dấu mốc 11 năm của hành trình vì những tình yêu Hà Nội, vì những cảm mến với Hà Nội, của những người con Hà Nội và của cả những người "xứ xa", đến Hà Nội, rồi cũng thành yêu Hà Nội đậm sâu theo thời gian, theo năm tháng...

Chú thích ảnh
Lễ trao giải. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phát biểu khai mạc lễ trao giải, Tổng biên tập Báo Thể thao & Văn hóa, cũng chính là Trưởng BTC giải thưởng, ông Lê Xuân Thành đã khẳng định: Hôm nay, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức Lễ trao giải "Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội". Một giải thưởng thường niên, đã khá quen thuộc trong hơn 10 năm qua.

Theo ông Lê Xuân Thành, lễ trao giải năm nay có sự góp mặt của các cá nhân, tập thể đại diện cho 12 đề cử, tăng 2 đề cử so với thông lệ. Và trong đó sẽ có 6 đề cử được trao giải thưởng, cũng tăng 2 giải so với thông lệ.

"Những con số đó nói lên được rất nhiều. Ban đầu khi mới thành lập giải, chúng tôi có thoáng lo ngại rằng, liệu hằng năm có liên tục xuất hiện những con người “vì tình yêu Hà Nội” hay không để BTC chúng tôi lập hồ sơ, đề cử và trao giải? Liệu trao mãi có đến ngày sẽ “hết vốn” đề cử? Thực tế của những năm trước và năm nay cho thấy, có một dòng chảy của những tình yêu Hà Nội vẫn không ngừng lớn mạnh trong cuộc sống đời thường vất vả, xô bồ hôm nay. Không chỉ 12 mà còn nhiều hơn nữa những hồ sơ xứng đáng được đưa vào Danh sách đề cử chính thức, và không chỉ 6 giải thưởng, mà chúng tôi cũng như Hội đồng giám khảo còn muốn trao nhiều hơn nữa, bởi tất cả đều là những tác phẩm, ý tưởng, việc làm truyền cảm hứng mạnh mẽ trong công chúng", ông Lê Xuân Thành chia sẻ.

"Và cũng xin chia sẻ rất chân tình rằng, những tác phẩm, ý tưởng, việc làm của chủ nhân các đề cử cũng đã tác động rất mạnh mẽ đến những suy nghĩ của chúng tôi về trách nhiệm xã hội của mình. Đó chính là lý do mà chúng tôi quyết tâm phát triển Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội ngày càng lớn mạnh hơn, để đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho Thủ đô", ông Lê Xuân Thành cho biết thêm.

Quả thật, đã qua 11 năm, những người được vinh dự đồng hành cùng giải thưởng đều cảm thấy mừng, vì giải thưởng vẫn luôn sung sức, luôn tươi mới và luôn có sức cuốn hút khôn nguôi với những người Hà Nội, những người không phải người Hà Nội nhưng đã ghi dấu trong lòng mình một tình yêu Hà Nội, giống như danh họa Bùi Xuân Phái đã từng yêu tới đậm sâu trong tranh của ông.

Thế nên, mỗi khi tới cuối tháng 8, khi giải thưởng được trao, cũng là lúc những nôn nao lại tới và mong chờ, xem sẽ là những đề cử nào, những giải thưởng nào, những việc làm nào, những ý tưởng nào.

Những tình yêu không tuổi tác

Năm nay, như chia sẻ của Hội đồng giáo khảo, trên cơ sở theo dõi chặt chẽ các hoạt động "Vì tình yêu Hà Nội" trong thời gian gần 1 năm, từ 8/2017 đến 7/2018, Ban sơ khảo đã chọn ra hơn 40 tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm thỏa mãn các tiêu chí chung của Giải thưởng "Bùi Xuân Phái –Vì tình yêu Hà Nội", tiến hành thu thập tư liệu, lập hồ sơ bước đầu để trình lên Hội đồng giám khảo. Sau 2 vòng chấm, Hội đồng giám khảo đã có sự đồng thuận cao trong việc chứng nhận 12 đề cử chính thức của Giải thưởng và trao 6 giải thưởng trên 4 hạng mục giải.

Với "Giải thưởng Lớn- Vì tình yêu Hà Nội", như thường lệ, chỉ có 1 đề cử duy nhất. Năm nay, đó là ông Nguyễn Bá Đạm với những cống hiến thầm lặng suốt đời cho văn hóa, lối sống Hà Nội.

Chú thích ảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi (trái) và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý (phải) trao Giải thưởng Lớn  cho ông Nguyễn Bá Đạm.
Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Người ta gọi Nguyễn Bá Đạm (sinh năm 1922)  là “ông giáo”, cũng là “nhà sưu tầm”, rồi “nhà nghiên cứu”. Không như với những đề cử và những tên tuổi đã được trao giải thưởng Lớn trước đây, công chúng chưa hẳn nhiều người đã biết tới ông Lê Bá Đạm với công việc thầm lặng của mình.

Nhưng những ai biết đến ông đều ấn tượng về một “tâm hồn Hà Nội” thâm trầm, sâu sắc, với lối sống giản dị, nề nếp và không kém phần tao nhã, thanh lịch trong đam mê sưu tầm đồ cổ và giao du trọng thị với các danh sĩ Hà Nội cùng thời.

Tâm hồn Hà Nội ấy luôn trân trọng tới từng nét văn hóa của Thủ đô, lặng thầm viết ra những cuốn sách không to lớn, đồ sộ, uyên bác, mà sử dụng rất nhiều những ký ức, trải nghiệm của bản thân, để với thời gian, sẽ thành ký ức của cả cộng đồng. Đó là những cuốn như "Thuở ấy Hà Nội", "Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ 19-20".

Làng Mọc ở Giáp Nhất (Hà Nội) nay đã thành phố phường trung tâm, nhưng đến thăm ông Nguyễn Bá Đạm, ta vẫn cảm nhận được nếp sống thanh đạm, cao quý và sức làm việc cần mẫn của một tâm hồn Hà Nội.

Hiện ông đang gấp rút hoàn thiện bản thảo tập Hà Nội xưa kia, dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc vào cuối năm nay. Không dừng lại ở đó, ông dự định vào giữa năm sau sẽ in một cuốn, tạm gọi "Những chuyện chưa kể về các danh họa Hà Nội", trong đó tập trung bút lực cho bộ tứ huyền thoại Nghiêm, Liên, Sáng, Phái...

Như khẳng định của BTC, đưa cuộc đời, sự nghiệp của ông Nguyễn Bá Đạm vào đề cử Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội là một sự tri ân của thế hệ sau đối với người lưu giữ ký ức của Hà Nội, là hiện thân của “Tâm hồn Hà Nội”.

Với hạng mục "Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội"; từ 4 đề cử: Tập thơ “Ta còn em” của nhà thơ Phan Vũ; phim "Mon Hanoi" (Hà Nội của tôi) của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier; cuốn sách “Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954” của Lê Văn Ba và cuốn sách tranh “Lặng phố” của họa sĩ Phạm Bình Chương và nhà văn Lê Nguyễn Nhật Linh; Hội đồng Giám khảo đã quyết định trao 2 giải (chưa từng có thông lệ) cho hai tác phẩm: Tập thơ “Ta còn em” của nhà thơ Phan Vũ và phim "Mon Hanoi" (Hà Nội của tôi) của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier.

Có một “tâm hồn Hà Nội” đã được rất nhiều người đã biết đến qua bài hát “Em ơi, Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang. Đó là nhà thơ Phan Vũ, hiện đang sống ở TP Hồ Chí Minh và sức khỏe đã rất yếu.

Tình yêu Hà Nội trong bài thơ "Em ơi, Hà Nội phố" là điều không cần phải chứng minh gì nữa, nó đã sống tươi mới theo năm tháng mà chưa từng mờ đi. Nhưng mới đây, tình yêu Hà Nội của nhà thơ Phan Vũ lại chợt thổi bùng mạnh mẽ, làm lay động trái tim của tất cả chúng ta qua 2 sự kiện được tổ chức trong năm nay, đó là xuất bản Tập thơ "Ta còn em" (NXB Hội Nhà văn, 2018) và triển lãm tranh “Em ơi Hà Nội phố”.

Tập thơ "Ta còn em" mở đầu bằng trường ca "Em ơi Hà Nội phố" với trọn vẹn 443 câu thơ chia thành 24 khổ. Đây là bài thơ mà hầu hết mọi người mới chỉ biết đến qua 21 câu thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc trong bài hát cùng tên.

Thực tế, trường ca "Em ơi Hà Nội phố" được nhà thơ Phan Vũ viết năm 1972 tại căn gác nhỏ nhà ông trên phố Hàng Bún, với tâm trạng ám ảnh từ lời đe dọa "sẽ đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá" của Mỹ khi đưa B52 bắn phá Thủ đô.

Phan Vũ không chỉ là nhà thơ, ông còn là đạo diễn, biên kịch và họa sĩ. Bởi vậy thơ ông đầy chất họa. 24 khổ thơ của "Em ơi Hà Nội phố" được ví như 24 bức họa về Hà Nội, vẽ từ chính kí ức và kỉ niệm của nhà thơ với thủ đô. Trong đau thương và khốc liệt, ông chắt lọc những gì đẹp nhất, yên bình, lãng mạn và thanh lịch nhất của Hà Nội để gửi gắm vào vần thơ.

Và triển lãm tranh “Em ơi, Hà Nội phố” lại là một cuộc phái sinh những vần thơ thành hội họa. Trao giải Tác phẩm cho tập thơ “Ta còn em” của Phan Vũ là một sự ghi nhận của ngày hôm nay đối với tình yêu Hà Nội của Phan Vũ trong suốt nửa thế kỷ qua.

Còn với bộ phim "Mon Hanoi" (Hà Nội của tôi) của ông Jean Noel Poirier, cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam, đây là bộ phim tài liệu đầu tay do ông cùng anh trai là đạo diễn Louis Marcel Poirier thực hiện, trong đó ông là người viết kịch bản, là cuộc hành trình dạo quanh khám phá những “bí mật nhỏ về Hà Nội”, với những góc nhìn độc đáo, tỉ mỉ về thủ đô“nhiều khiếm khuyết cùng vô số nét duyên” của một “người Việt Nam gốc nước ngoài”.

Kiến trúc là đề tài ông Jean Noel Poirier đặc biệt quan tâm và dành phần lớn thời lượng phim. Cựu đại sứ Pháp quan sát kiến trúc Hà Nội một cách chi tiết và phát hiện không ít dấu ấn quê hương ông, khi thì rõ ràng trong những biệt thự cổ như “bước thẳng ra từ trang viết của Maupassant của thế kỉ XIX”, lúc lại nằm kín đáo ở những ngôi nhà bình dị hơn, dường như chỉ được “phát hiện một cách tình cờ”. Không chỉ vậy, ông còn thấy ở Hà Nội có cả kiến trúc Trung Hoa, Nga… cùng lúc được “Việt hoá”, có những con ngõ hẹp nối với “khoảng không gian rộng đột nhiên mở ra” tạo cảm giác thú vị như đang ở Venice ( Ý).

Cựu đại sứ Pháp đánh giá cao cách người Việt “ứng biến” với sự nhu cầu mở rộng không gian sinh hoạt, kinh doanh: những “chuồng cọp” ở các khu tập thể với cả căn hộ tầng 1 được cải tạo thành cửa hàng, rồi những quán café, tận dụng từ căn nhà cổ tạo nên một phong cách “vintage”. Cách người dân “chồng tầng” và “đua” ra đủ phía thậm chí còn được ông hào hứng minh hoạ bằng kỹ xảo 3D.

Tất cả những quan sát ấy đưa đến kết luận thú vị: “Một thành phố hấp thụ ảnh hưởng của ngoại lai, gìn giữ và biến chúng thành của mình. Giống như trò ghép hình, Hà Nội là thành phố nơi mỗi người bổ sung vào đó một miếng ghép của mình. Mỗi miếng ghép phản ánh phần nào về hoàn cảnh sống cũng như thẩm mỹ của họ”. Ông Jean Noel Poirier đặc biệt thích đến những khu như Thành Công, nơi có các khu tập thể nằm lẫn giữa các căn nhà độc lập, nhà bình dân đứng cạnh “nhà giàu”. Thế nhưng, như lời cựu đại sứ Pháp, sự phong phú trong đời sống của các tầng lớp dân cư tạo cho Hà Nội một nét duyên khó cưỡng trong lòng, là lý do hàng đầu để ông yêu và quyết định ở lại đây. Ông duy trì thói quen dạo phố và nhìn ngắm Hà Nội, thường là vào buổi sáng trước giờ làm việc hoặc giờ nghỉ trưa.

“Nhìn thấy hoạt động của người Hà Nội, tôi thấy vui lây. Những gánh hàng rong, những vỉa hè tấp nập người buôn bán, sinh hoạt, nấu cơm hay trông con… Đây là hình ảnh của một cộng đồng hoà hợp, gắn bó” – vị cựu đại sứ nói thêm - “Đó là lý do Hà Nội gợi tôi nhớ về một Paris trong quá khứ”.

Thẳng thắn, trong phim Hà Nội của tôi - Mon Hanoi, ông Jean Noel Poirier cũng không ngần ngại đề cập đến 2 vấn đề Hà Nội đang phải đối mặt trong quá trình phát triển nhanh chóng: Ô nhiễm và giao thông. “Ô nhiễm là vấn đề đòi hỏi chính sách dài hạn để thay đổi. Và với tình trạng hiện nay, tôi e là nó sẽ nghiêm trọng hơn”- cựu đại sứ Pháp quan ngại – "Còn giao thông có 2 vấn đề: cách lái xe và số lượng xe. Hà Nội cần sớm giải quyết những vấn đề ấy để tự hoàn thiện".

Những tình yêu đầy "tốn kém"

Với hạng mục "Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội", có 3 đề cử được đưa ra: Đề xuất bảo tồn và phát huy di chỉ Vườn Chuối của PGS Nguyễn Văn Huy và các nhà khoa học; dự án “Thí điểm mô hình mới tại một khối nhà đơn” của ông Martin Rama; Ý tưởng thành lập bảo tàng Hồ Gươm của KTS Hoàng Thúc Hào. 

Và "Đề xuất bảo tồn và phát huy di chỉ Vườn Chuối" của PGS Nguyễn Văn Huy và các nhà khoa học đã vinh dự nhận giải thưởng.

Chú thích ảnh
Ông Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam trao Giải thưởng "Ý tưởng – Vì Tình yêu Hà Nội" cho PGS Nguyễn Văn Huy và các nhà khoa học với các đề xuất về di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Rộng khoảng 19.000 m2, khu di chỉ Vườn Chuối nằm tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội.Từ năm 1969, di chỉ này đã được phát hiện và trải qua nhiều cuộc khai quật khác nhau (trên diện tích 800 m2).Từ những cuộc khai quật ấy, hàng ngàn di vật đã phát lộ. Đó là là dấu tích 28 ngôi mộ táng của văn hóa Đông Sơn, là dấu vết của các hố hành lễ, là đồ gỗ, đồ trang sức, gạo hóa than, là các vết tích của thời kỳ đồ đồng như xỉ đồng, giọt đồng, khuôn đúc bằng đất nung... Các nhận định ban đầu cho rằng khu vực này là nơi có cư dân sinh sống từ 3.500 – 1.800 năm trước. Có nghĩa, đây vừa là nơi cư trú vừa là nghĩa địa sớm nhất của Hà Nội, là bằng chứng hiếm hoi về những cư dân đầu tiên của thành phố, từng sống trong nền văn hóa có thể từ thời các vua Hùng.

Đáng nói, sau 8 lần khai quật di chỉ này vẫn chưa được xếp hạng di tích, thậm chí không nằm trong danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội được công bố năm 2016.

Tháng 12/2017, PGS Nguyễn Văn Huy gửi tâm thư lên lãnh đạo thành phố Hà Nội về việc bảo vệ di tích này. Ông cho rằng, lá thư của ông chỉ là một đóng góp nhỏ, trong nỗ lực chung của giới nghiên cứu, người dân địa phương và cả báo giới để bảo vệ khu di chỉ Vườn Chuối. Những tín hiệu tích cực cũng đã đến khá sớm sau lá thư này: Cuối 2017, lãnh đạo Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Hoài Đức phối hợp với chủ đầu tư giữ nguyên hiện trạng di chỉ Vườn Chuối như hiện nay, đồng thời bảo vệ nghiêm ngặt để chờ giải pháp mới. Tiếp đó, trong cuộc hội thảo ngày 12/7/2018, các chuyên gia đều thống nhất: Khu di chỉ Vườn Chuối cần sớm được xếp hạng di tích để làm cơ sở pháp lý triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị về sau. "Bức thư của tôi là sự khởi đầu của ý tưởng về một công viên di sản tại khu vực này. Chỉ cần điều chỉnh một chút, chủ đầu tư hoàn toàn có thể chuyển dịch vị trí dự kiến xây công viên trong khu đô thị ngay chính nơi các di chỉ khảo cổ học đang tồn tại" – PGS Huy nói.

Theo phác họa của PGS Huy, dựa trên các di chỉ được giữ nguyên hoặc tổ chức bảo tồn sau khi khai quật, công viên di sản Vườn Chuối sẽ là quần thể kết hợp cây xanh với những ngôi nhà nhỏ nhưng hiện đại, trưng bày một cách hấp dẫn về dấu tích cư dân đầu tiên của Hà Nội. Dọc các con đường đi dạo trong công viên đầy cây xanh, mọi người sẽ được trải nghiệm về khảo cổ học Vườn Chuối qua những bảng thông tin được thiết kế đẹp. Có nghĩa, địa điểm này sẽ trở thành một nơi sinh hoạt văn hoá mở cho du khách, cũng như cộng đồng cư dân địa phương.

Theo PGS Nguyễn Văn Huy, việc bảo vệ - thậm chí là tôn tạo – không gian ấy là bắt buộc, nếu như Hà Nội không muốn mất đi quá khứ của chính mình....

Và cuối cùng , với đề cử giải "Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội" có 4 đề cử được đưa ra: Việc xây dựng “phố bích họa” Phùng Hưng do UBND quận Hoàn Kiếm, Korea Foundation và UN-Habitat phối hợp thực hiện trong khuôn khổ Dự án hợp tác chung Việt Nam - Hàn Quốc mang tên "Nghệ thuật cho một không gian sống tốt đẹp hơn"; việc hiến tặng cho Hà Nội hai mỏ neo cổ nhiều giá trị của ông Quách Văn Địch; việc thành lập tủ sách “Hà Nội trong mắt một người”, mở đầu bằng 4 cuốn sách của nhà văn Đỗ Phấn, của NXB Trẻ; tour tham quan Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco). 

Cũng rất "bội thu" khi có tới 2 việc làm được trao giải. Đó là Việc xây dựng “phố bích họa” Phùng Hưng do UBND quận Hoàn Kiếm, Korea Foundation và UN-Habitat phối hợp thực hiện trong khuôn khổ Dự án hợp tác chung Việt Nam - Hàn Quốc mang tên "Nghệ thuật cho một không gian sống tốt đẹp hơn" và việc hiến tặng cho Hà Nội hai mỏ neo cổ nhiều giá trị của ông Quách Văn Địch.

Chú thích ảnh
Ông Ngô Văn Qúy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội trao Giải thưởng ở hạng mục "Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội" cho UBND quận Hoàn Kiếm, Korea Foundation và UN-Habitat với Dự án “Phố bích họa Phùng Hưng”. Ảnh: Dương Giang/ TTXVN

Các dự án làm đẹp Hà Nội bằng tranh tường, bích họa, thậm chí tranh 3D không còn là điều mới mẻ nữa. Nhưng với Phố bích họa Phùng Hưng thì lại khác, nó hình thành từ những vòm cầu đường sắt Long Biên lịch sử. Hội đồng giám khảo quyết định đưa việc làm này vào Danh sách đề cử chính thức vì chất lượng nghệ thuật, sự công phu và cả vì kế hoạch dài hơi của Thành phố muốn đánh thức không gian văn hóa công cộng ở các khu phố quanh cầu cạn đường sắt khu vực Long Biên này. Dài chưa đầy 200 mét, đoạn phố Phùng Hưng nối từ Lê Văn Linh tới Hàng Cót đã trở thành điểm đến đặc biệt của Hà Nội trong nửa năm qua. Ở đó, ký ức của Thành phố được nối lại và cộng hưởng cùng sắc màu của nhịp sống hiện đại, qua 19 bức bích họa khổ lớn. Dự án này có ý nghĩa đúng như tên chính thức của nó: Nghệ thuật cho một không gian sống tốt đẹp hơn. Nhưng dù cái tên ấy được gắn trang trọng tại 2 khung vòm lớn ở không gian này, người dân Thủ đô – và cả các chuyên gia – vẫn chỉ quen gọi nó bằng một cụm từ giản dị: Phố bích họa.

Sau khi khảo sát thực địa về tình hình lấn chiếm không gian, hiện trạng sử dụng quanh các vòm cầu, quy hoạch chung của thành phố... gần 20 vòm cầu cạn từ phố Lê Văn Linh tới Hàng Cót đã được chọn để triển khai dự án. Trên đoạn phố này, 19 bức tranh được vẽ trên nền gỗ bằng sơn và golden acrylics, có độ bền từ 5 đến 10 năm, sau đó ốp cứng vào các mái vòm, không làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình vòm cầu. Các bức tranh được thể hiện bởi 2 nhóm tác giả (do các bên tham gia kết nối): nhóm các họa sĩ Hàn Quốc đến từ Viện Nghiên cứu mỹ thuật công cộng Lee Gang Jun và nhóm họa sĩ Việt Nam – với những cái tên khá quen thuộc trong đời sống nghệ thuật đương đại như Nguyễn Thế Sơn, Trần Hậu Yên Thế, Triệu Minh Hải, Lê Giang... Dù vẽ bởi ai, những bức họa đều gắn với một chủ đề chung: Ký ức Hà Nội, với những nét xưa cũ mà người dân thành phố còn lưu giữ : Khu phố cổ Hà Nội, mô hình máy nước công cộng, gánh hàng rong, cảnh ông đồ ngồi cho chữ, tàu điện, cửa hàng Bách hóa Tổng hợp trên phố Tràng Tiền,v,v…

Trong tương lai, đoạn phố ấy sẽ được kéo dài – không chỉ có bích họa – khi toàn bộ 171 vòm cầu cạn từ Phùng Hưng tới chân cầu Long Biên được lên kế hoạch tái thiết để trở thành không gian nghệ thuật phục vụ cộng đồng. Cách “nối dài ký ức” bằng việc thay đổi công năng, phủ lên lớp áo thời gian những màu sắc mới làm cầu nối giữa quá khứ với cuộc sống hiện đại, như tại phố bích họa Phùng Hưng, khiến người ta thêm tin rằng Hà Nội còn nhiều không gian khác cần được đánh thức.

Với ông Quách Văn Địch, việc trao tặng 2 mỏ neo cho Bảo tàng Hà Nội cũng được Hội đồng giám khảo đánh giá là một "nghĩa cử cao đẹp". Mặc dù ông đã bỏ ra 9 cây vàng để sưu tầm chúng, và sau đó được trả giá tới nhiều tỷ đồng, nhưng ông đã không bán mà quyết định hiến tặng để nhân dân Thủ đô có cơ hội thưởng lãm.  Khi hiến tặng cặp mỏ neo đã gắn bó với mình ngót 20 năm, ông Địch động viên vợ mình: "Ngần ấy vàng là một món tiền lớn, nhất là trong bối cảnh của nhà mình. Nhưng cứ để vậy, mỏ neo sẽ hỏng. Mà ngay cả khi chưa hỏng, chỉ cần nó không giữ nguyên được hình dạng ban đầu, thì vợ chồng mình sẽ còn tiếc hơn vì cảm thấy có lỗi với quá khứ, với lịch sử Hà Nội".

Chia sẻ về việc làm của mình, ông Địch chỉ đơn giản nói: “Vâng, tốn kém. Nhưng mà tôi yêu Hà Nội”!.

Đúng vậy, tốn kém, nhưng vì yêu, thì làm gì có cái giá nào cho sự sẻ chia, đồng hành! 

Chốt lại như lời của BTC, công nhận 12 đề cử chính thức, và trao 6 giải thưởng trên 4 hạng mục, tăng 2 giải so với thông lệ - điều đó nói lên rằng, Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội lần thứ 11 năm 2018 tiếp tục là một mùa “bội thu”.

Điều đó cũng nói lên một điều cao cả hơn: Ẩn sau cuộc sống ngày thường ở Hà Nội với bao lo toan, vất vả, thậm chí xô bồ vẫn còn vô vàn những tấm lòng “vì tình yêu Hà Nội” một cách sâu sắc và mãnh liệt. Tấm lòng không chỉ thể hiện ra bằng các tác phẩm, ý tưởng, việc làm cụ thể, mà còn thể hiện mênh mông, sâu thẳm bằng sự gắn bó, cống hiến cả đời người cho Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Lợi - Tổng Giám đốc TTXVN phát biểu chỉ đạo tại lễ trao giải, biểu dương những cố gắng của báo Thể thao & Văn hóa đã duy trì phát triển giải thưởng sang năm thứ 11 với những ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, đồng thời gửi lời cảm ơn UBND TP Hà Nội luôn quan tâm, động viên BTC. Đặc biệt cảm ơn gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái đã luôn tin tưởng, "chọn mặt gửi vàng" Báo Thể thao và Văn hóa, một đơn vị của TTXVN tổ chức giải thưởng vinh danh họa sĩ có nhiều đóng góp cho Hà Nội, vinh danh những tình yêu Hà Nội.
PT/ Báo Tin tức
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - 11 năm cho một tình yêu Hà Nội
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - 11 năm cho một tình yêu Hà Nội

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội được phát động từ năm 2008, nhằm động viên, hỗ trợ những sáng tác Văn học nghệ thuật, những công trình nghiên cứu tôn vinh Hà Nội, đồng thời khích lệ cho những hành động bảo vệ vẻ đẹp của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN