“Bệnh nan y” của phim truyền hình Việt Nam - Bài 1: “Bội thực” vì sang trọng, giàu có

Phim truyền hình do Việt Nam sản xuất đang được phủ sóng với mật độ dày đặc trên khắp các kênh của các đài truyền hình từ Trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, đi cùng với sự gia tăng chóng mặt về số lượng, chất lượng phim truyền hình Việt cũng đang trở thành bài toán nan giải.

Bài 1: “Bội thực” vì  sang trọng, giàu có

Chưa bao giờ khán giả Việt lại “đã” mắt khi nhìn ngắm những ngôi nhà đẹp như trong mơ của các nhân vật trên phim truyền hình Việt Nam như hiện nay. Bắt nhịp cùng xu thế của dòng phim thần tượng của một số nước, mà nổi bật là Hàn Quốc, phim truyền hình của Việt Nam cũng đang “thay da đổi thịt” từng ngày, mà sự thay đổi lớn nhất có lẽ thuộc về bối cảnh được các đạo diễn sử dụng trong phim.

Từ nhà đẹp...

Một loạt phim lên sóng thời gian gần đây đều được các nhà làm phim tận dụng triệt để, tối đa hình ảnh những ngôi nhà xa hoa, giàu có, thậm chí biệt thự sang trọng được thuê, mượn làm bối cảnh chính khiến khán giả choáng ngợp. Từ “Lập trình trái tim” cho tới “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Có lẽ nào ta yêu nhau”, “Đại gia đình”… và gần đây là “Bí mật Êva”, “Cuồng phong”, “Bộ tứ 10A8”, “Xin thề anh nói thật”… đều xuất hiện những tòa biệt thự, những ngôi nhà hiện đại… Nhà ở của các nhân vật trong phim vượt xa đời sống thực thường ngày của đại bộ phận người dân Việt Nam hiện nay và nó cũng khác xa với thực tế đời sống.

Một cảnh trong phim “Lập trình trái tim”.


Phải khẳng định rằng, sử dụng bối cảnh đẹp, lộng lẫy là một trong những yếu tố thu hút, hấp dẫn. Với một số tác phẩm, nó còn là điểm nhấn quan trọng để phụ trợ cho các nhân vật. Tuy nhiên, nếu các nhà làm phim lạm dụng quá đà, thậm chí còn đi ngược với sự phản ánh chân thực cuộc sống (là nguyên tắc tồn tại cơ bản của thể loại phim truyền hình) thì nó lại trở nên phản cảm, gây ức chế cho người xem.

Điều đáng nói là một số bộ phim thực chất không cần thiết phải sử dụng đến bối cảnh quá sang trọng, tốn kém nhưng đạo diễn vẫn cố tình đưa vào khiến nó “vênh” hẳn so với nội dung và việc khắc họa số phận nhân vật…Điển hình như trong phim “Ngôi nhà hạnh phúc”, đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Đãng “chơi sang” để nhân vật Minh Minh và Vương Hoàng sống trong một ngôi biệt thự siêu đẹp, siêu hiện đại khiến bao khán giả phải trầm trồ. Nhưng khi nghe Minh Minh đôi co với Vương Hoàng về tiền lương mà cô được nhận để chuộc lại ngôi nhà đó không ít người phải thán phục trí tưởng tượng ngây ngô của đạo diễn! Với hai triệu đồng mỗi tháng không biết đến bao giờ Minh Minh có thể lấy lại được ngôi biệt thự được cha mẹ để lại từ tay của chàng diễn viên trẻ?

Bối cảnh đẹp làm khán giả thích con mắt nhưng không phải luôn khiến họ hài lòng hoặc cảm thấy hợp lý. Thực tế cho thấy nhiều ngôi nhà được sử dụng quá cầu kỳ, sang trọng trong phim Việt đang bị rơi vào “căn bệnh” chung là không đúng bối cảnh, không đủ sức thuyết phục khán giả. Điều quan trọng nhất với bối cảnh một bộ phim là nó phải thực sự tìm được tiếng nói chung với số phận của nhân vật, phải tạo nên sự ăn khớp hợp lý với toàn bộ câu chuyện mà tác phẩm ấy đề cập đến. Xét cho cùng, yếu tố làm nên một tác phẩm thực sự hấp dẫn và đủ sức rung động khán giả vẫn là ở nội dung và sự cách tân nghệ thuật mới mẻ, hiệu quả và độc đáo.

Đến người đẹp

Bên cạnh yếu tố bối cảnh, việc hóa trang cho diễn viên cũng là một vấn đề phải bàn của phim truyền hình hiện nay. Có thể thấy, giờ đây ít người còn gọi đúng tên yếu tố làm đẹp bên ngoài cho nhân vật là hóa trang như trước, mà thay thế bằng cụm từ: Trang điểm. Hai cụm từ nghe qua thì có vẻ giống nhau nhưng thực chất lại hoàn toàn khác nhau. Chính bởi sự nhầm lẫn, không phân biệt được giữa hóa trang và trang điểm, nên một số các nhân viên hay đúng hơn là thợ “make up” của một số đoàn phim cứ mải mê làm cho nhân vật để họ xinh hơn, trẻ hơn mà quên mất cả hoàn cảnh, trạng thái tâm lý, thời gian xuất hiện… của nhân vật trong cảnh, trường đoạn phim. Một cô gái nông thôn, nhà nghèo, lận đận lên thành phố tìm việc; một tiểu thư thành phố giàu có hay quý bà tuổi xế chiều… tất cả đều giống nhau từ màu mắt, phấn má cho tới son môi... Thậm chí khán giả nhiều khi còn thấy buồn cười vì những lỗi sơ đẳng trong khâu tạo hình nhân vật. Trường hợp diễn viên khi đóng cảnh ốm đau liệt giường, buổi sáng vừa mới thức giấc vẫn còn ngái ngủ… vậy mà gương mặt vẫn dày phấn son chẳng khác lúc khỏe mạnh bình thường. Phim “Cuồng phong” - đạo diễn Bùi Huy Thuần từng được phát sóng lúc 8 giờ tối trên kênh VTV1 có phân đoạn Bách Thanh (Kiều Thanh đóng) ngủ dậy, vẫn mặc nguyên đồ ngủ, còn chưa tỉnh táo hẳn, vậy mà gương mặt của cô vẫn giống như lúc chưa đi ngủ, vẫn là một khuôn mặt được hóa trang kỹ lưỡng đến từng cm.

Không chỉ với riêng nhân vật do Kiều Thanh thủ vai, một số nhân vật từ những bộ phim truyền hình khác cũng mắc lỗi tương tự. Ốm đau, bệnh tật, khỏe mạnh, đau đớn, hạnh phúc, ngày, đêm… tất cả đều được trang điểm đậm và không có sự khác biệt. Phim “Vệt nắng cuối trời” mắc lỗi này với tất cả các nhân vật nữ chính. Những cảnh cận, đặc tả tâm trạng được quay phim zoom gần gương mặt các nhân vật, khán giả còn nhận thấy lớp phấn son nặng trĩu trên mặt mỗi diễn viên. Mặc dù có thể lúc đó họ đang diễn cảnh đêm, nằm trên giường để bộc bạch tâm sự với người thân… Đó là bệnh trầm kha mà dường như phim truyền hình nào cũng đang mắc phải. Hiện tại những phim như: “Ngôi biệt thự màu tro lạnh”, “Xin thề anh nói thật”, “Đầm lầy bạc”… là minh chứng rõ rệt nhất cho lỗi này.

Hương Giang

Bài 2: Già hóa phim vì lời thoại

“Bệnh nan y” của phim truyền hình Việt Nam - Bài cuối: Già hóa phim vì... lời thoại
“Bệnh nan y” của phim truyền hình Việt Nam - Bài cuối: Già hóa phim vì... lời thoại

Đạo diễn Lê Hoàng từng nói: “Những bộ phim truyền hình làm cho teen của Việt Nam xem xong thấy mắc cười, lời thoại dở, dài dòng, khi thì quá hàn lâm, lúc lại quá ngu ngơ. Các bạn trẻ không cảm được nhân vật nên luôn cố gồng mình lên để diễn…”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN