Cuộc thi diễn ra từ ngày 6 - 16/7, gồm 2 vòng. Vòng sơ khảo diễn ra tại hai khu vực phía Bắc và phía Nam vào ngày 6/7. Kết thúc vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã chọn 13 thí sinh có tác phẩm xuất sắc tham dự vòng chung khảo, diễn ra vào ngày 14 - 15/7 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội).
Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Cường, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi cho biết, trải qua 2 vòng thi, đã có 38 tác phẩm của 26 biên đạo múa trẻ tham gia tranh tài. Thông qua các tác phẩm dự thi, Hội đồng Giám khảo đánh giá, các biên đạo trẻ đã có những tìm tòi, sáng tạo, khám phá mang hơi thở mới trong các tác phẩm của mình, từ việc khai thác nội dung, đề tài, đến việc xây dựng kết cấu, bố cục của tác phẩm, rồi việc chuyển hóa thành ngôn ngữ múa, thể hiện tác phẩm múa chất lượng, phù hợp với xu thế phát triển và trình độ chung của giới trẻ hiện nay.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Cường, đáng mừng là nhiều tác phẩm tham dự cuộc thi lần này đã có sự phối hợp hài hòa giữa múa hiện đại và múa dân tộc, mà không hề bị khiên cưỡng, gò ép… Điều đó đã mang đến cho các tác phẩm múa hơi thở mới, nhịp điệu mới phù hợp với cuộc sống.
Sau 2 ngày thi tài, Ban giám khảo đã lựa chọn và trao giải thưởng cho 10 tác phẩm múa có chất lượng xuất sắc, gồm: 1 Giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích. Giải Nhất (có giá trị tương đương Huy chương Vàng) được trao cho tác phẩm “Cuội già” của Nguyễn Hải Trường (Học viện Múa Việt Nam).
Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao một số giải thưởng phụ nhằm động viên, khích lệ các biên đạo múa trẻ như: Giải thưởng giành cho Biên đạo trẻ triển vọng; Giải thưởng giành cho Biên đạo sáng tạo trong sử dụng ngôn ngữ văn hóa vùng miền; Giải thưởng giành cho Biên đạo trẻ nhất cuộc thi; Giải thưởng Sáng tạo sử dụng ngôn ngữ múa.
Cuộc thi Tài năng Biên đạo múa trẻ 2019 được tổ chức nhằm tìm kiếm những biên đạo trẻ tài năng. Sự thành công của cuộc thi không chỉ tìm ra các gương mặt trẻ, mà còn là cơ hội giao lưu giữa các biên đạo trẻ, góp phần đưa nghệ thuật múa Việt Nam ngày càng phát triển.