Bảo tồn văn hóa Tây Nguyên gắn với sinh kế người dân

Trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội”, sáng 29/8/2012, tại Hà Nội, đã diễn ra tọa đàm "Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên". Đông đảo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa và nghệ nhân 5 tỉnh Tây Nguyên gồm Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đã tham dự.


Theo PGS.TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của Tây Nguyên phải coi trọng nguyên tắc đa dạng văn hóa; gắn phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò của cộng đồng với sự tham gia của các chuyên gia và quản lý nhà nước và bảo tồn, phát huy phải đảm bảo hài hòa các yếu tố truyền thống, hiện đại, dân tộc, quốc tế và tránh coi văn hóa các tộc người là một thực thể khép kín, không biến đổi…


Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, nhạc sỹ Linh Nga Niê Kđăm cho rằng, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên phải gắn với sinh kế của người dân, như việc truyền dạy nghề dệt thổ cẩm và đan lát mây tre là một ví dụ. Theo bà Linh Nga Niê Kđăm, việc khôi phục và bảo tồn nghề truyền thống cho đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên không khó, mà khó ở chỗ tìm đầu ra cho sản phẩm và nâng cao đời sống người dân từ chính những sản phẩm đó. Ngay cả các công ty du lịch ở địa phương cũng chưa giới thiệu được sản phẩm thổ cẩm đặc trưng của Tây Nguyên... điều này gây lãng phí tài năng, tiềm năng của bà con Tây Nguyên rất nhiều.

 

Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN