Bảo tàng chưa hút khách

Các bảo tàng nước ngoài, nhất là ở châu Âu, lượng khách đến tham quan bảo tàng luôn đông, dù giá vé vào cửa khá đắt. Trong khi ở Việt Nam, dù giá vé khá rẻ, thậm chí nhiều nơi còn miễn phí, nhưng bảo tàng vẫn không thu hút được khách tham quan. Vậy đâu là nguyên nhân?

 

Bảo tàng chưa hút khách


Cả nước ta hiện có khoảng 150 bảo tàng, riêng Hà Nội có khoảng 20 bảo tàng các loại. Số lượng nhiều, nhưng số bảo tàng thực sự “hút” khách lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

“Vắng như chùa bà Đanh”


Bảo tàng Hà Nội - một công trình kiến trúc đồ sộ, với kinh phí đầu tư xây dựng hết hơn 2.000 tỷ đồng, được khánh thành năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, kể từ khi khai trương đến nay đã gần 3 năm, số lượng khách đến tham quan thăm bảo tàng không nhiều. Đến bảo tàng những ngày này, chỉ thấy có vài nhân viên bảo vệ trông coi, người bán hàng lưu niệm, một số công nhân đang thi công... Các hiện vận trưng bày ở bảo tàng cũng không nhiều, việc trưng bày cũng tương đối đơn điệu, chưa hấp dẫn được người xem. Tầng 1 chủ yếu là quầy bán hàng lưu niệm.

Bảo tàng Hà Nội tuy to, đẹp và hoành tráng nhưng lại rất ít khách tham quan.

 

Tầng 2 trưng bày một số hiện vật đồ đồng, đồ gốm sứ. Tầng 3 có các trưng bày về đồ thời bao cấp do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bàn giao lại và một số cá nhân tặng, khu giới thiệu mô hình vườn quốc gia Ba Vì, một số loại côn trùng, loại cây đặc trưng Hà Nội... Các phần trưng bày nhìn chung tương đối đơn điệu, chưa tạo được điểm nhấn với du khách tham quan. Chị Hương Lý, một du khách tham quan, cho biết: Đến thăm Bảo tàng Hà Nội, chỉ thấy thích cảnh quan bên ngoài bảo tàng, còn phần trưng bày bên trong khá đơn điệu, hiện vật thì không nhiều và những thông tin liên quan đến hiện vật cũng chưa hấp dẫn. Ngay như bộ trưng bày những loài côn trùng ở Hà Nội, khách tham quan không có những thông tin đầy đủ, chi tiết về từng loại côn trùng, nhìn các con côn trùng, nhiều khi không biết đó là con gì...


Không chỉ Bảo tàng Hà Nội, nhiều bảo tàng khác như Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, Bảo tàng Công binh, Bảo tàng Phòng không Không quân... cũng không thu hút được nhiều du khách tham quan, các khách đến đây chủ yếu vẫn là các lực lượng trong ngành là chính, thỉnh thoảng có một vài trường đưa học sinh đến thăm quan, còn khách nước ngoài thì rất ít... Ngay như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng là một trong những bảo tàng có rất ít khách tham quan, trong khi Việt Nam có rất nhiều họa sỹ nổi tiếng được thế giới biết đến.


Đông do biết cách khai thác


Không to, đẹp như Bảo tàng Hà Nội, nhưng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lại là một trong số ít những bảo tàng trên địa bàn Hà Nội thường xuyên thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Với du khách nước ngoài, khách du lịch theo tour, khi đặt chân đến Hà Nội đều ghé thăm Bảo tàng Dân tộc học. Không chỉ có không gian đẹp, Bảo tàng Dân tộc học còn luôn thay đổi bằng cách mở rộng, thêm mới các khu trưng bày. Ngoài ra, còn thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm và các hoạt động mới, khiến khách dù thường xuyên ghé thăm nhưng vẫn không có cảm giác bị nhàm chán. Đặc biệt, trong những dịp như ngày lễ, ngày Tết, trung thu hay nghỉ lễ Quốc khánh, bảo tàng đã tổ chức nhiều hoạt động để thu hút khách tham quan.

 

Chị Nguyễn Minh Hải (Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội), một trong những khách tham quan thường xuyên của bảo tàng cho biết: “Mặc dù đến đây phải trả tiền vé vào cửa, nhưng tôi vẫn thấy đồng tiền bỏ ra là xứng đáng, bởi bảo tàng này không chỉ có rất nhiều hiện vật mà còn có không gian và các công trình kiến trúc đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong nước. Đến đây, tôi vừa được thư giãn, vừa có thêm kiến thức về văn hóa, các con tôi cũng có dịp được tìm hiểu và tham gia các trò chơi dân gian của các dân tộc, giúp các cháu có thêm những kiến thức, những hiểu biết về văn hóa dân tộc”.


Đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, những năm trước, dù ở vị trí rất thuận lợi, nhưng lượng khách đến Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) vẫn không nhiều, mặc dù bảo tàng đã phát triển được bộ sưu tập đến hơn 25.000 tài liệu hiện vật liên quan đến phụ nữ Việt Nam. Sau 4 năm đóng cửa nâng cấp, chỉnh lý, đến cuối năm 2010, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mở cửa trở lại hệ thống trưng bày thường xuyên, với nội dung được trình bày một cách khoa học, đẹp mắt, các trang thiết bị hiện đại, đã mang lại cho bảo tàng một diện mạo mới với bản sắc độc đáo, ấn tượng. Bên cạnh đó, bảo tàng đã chuyển đổi từ loại hình bảo tàng lịch sử văn hóa thành một bảo tàng giới giàu bản sắc, cung cấp nhiều thông tin về những truyền thống văn hóa, các vấn đề xã hội đương đại... Những nỗ lực trong việc đổi mới ấy đã đưa lại kết quả khả quan. Năm 2012, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được nhận bằng chứng nhận “Một trong những điểm du lịch đáng đến nhất Hà Nội năm 2012” do khách hàng của TripAdvisor - website du lịch uy tín và lớn nhất thế giới, bầu chọn. Năm 2013, TripAdvisor tiếp tục bầu chọn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á với thông điệp “Chuyến tham quan đáng giá - những câu chuyện xúc động”.


Từ những câu chuyện trên, có thể thấy rằng, không phải cứ bảo tàng to, đẹp, hoành tráng là có thế thu hút được khách đến xem.


Bài và ảnh: Phương Hà

Bảo tàng - chuyện “vỏ” và “ruột”

Đến thời điểm này là vừa tròn 3 năm, Bảo tàng Hà Nội được đưa vào sử dụng. Được xây dựng trên vị trí đắc địa với tổng đầu tư 2.300 tỉ đồng... nhưng Bảo tàng Hà Nội vẫn trong tình trạng “có vỏ mà chưa có ruột”, bỏ trống diện tích trưng bày, thưa thớt khách tham quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN