Bâng khuâng Tuyết

Nhân đầu năm mới 2011, trong chuyến đi Mỹ triển lãm, nhìn cảnh tuyết rơi, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đã có những suy niệm về cuộc sống và văn hóa của những người xứ lạnh trong tương quan với người xứ nóng như Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


1. Người xứ nóng thường ước mơ có một lần trông thấy tuyết. Nên chỉ cần nghe thấy Sapa có tuyết là hàng đoàn người kéo nhau lên đó chiếm nhẵn cả khách sạn. Gặp tuyết, người xứ nóng lập tức chạy ra chơi đùa, như gặp điều kỳ lạ, nhưng cũng không được lâu, họ lại co ro bên cửa sổ, trong nhà ấm ngắm tuyết bay ngoài trời. Nếu có cốc trà ta hay cốc cà phê thì tuyệt, còn thuốc lá thì người phương Tây không cho phép hút trong nhà.


Những bông tuyết đầu mùa thường rất nhỏ và nhẹ, chúng bất chợt rơi, rồi tan ngay thành nước khi gần xuống đất, hoặc chạm vào đất. Tuyết sẽ rơi nhiều hơn, bông to hơn khi mùa Đông già hơn. Khắp cành cây tuyết đậu đầy, những cây còn tán lá tuyết đọng lại như một cây rơm. Trên đường đi, bãi cỏ, mái nhà đôi khi tuyết dầy đến nửa mét.


Ở vùng Vermont Bắc nước Mỹ, mùa Đông, cứ ngủ qua một đêm, sáng dậy thấy tuyết ngập cao sát cửa sổ. Tôi không rõ ở vĩ độ bao nhiêu là giới hạn của tuyết, nhưng thường thì qua New York xuống phía Nam ít tuyết hơn, trừ những vùng cao.


Ở Trung Quốc, thì qua Hàng Châu, tuyết cũng thưa thớt. Nó là sản phẩm của phương Bắc, có lẽ tạo ra hẳn một thứ văn minh xứ lạnh.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Con người xứ tuyết xuất thân là dân săn bắn, to cao, ăn thịt, trực tính và rất can đảm. Họ chính là những người có nhiều phát minh hơn cả, có nhiều người khai phá lập nghiệp và làm tan hoang cả thế giới hoang sơ.


 Có đến sáu tháng liền chỉ nằm bẹp trong nhà, nên họ đành ngồi kiên trì viết cả những tập tiểu thuyết dày cộm, tô vẽ những bức tranh nét nhỏ li ti, rồi nghiên cứu những nguyên tố gì đó mắt thường không nhìn thấy được.


Ảnh internet


 Khi bước ra ngoài, họ toàn thích đến nơi sông sâu, vực thẳm, những vùng đất chưa ai đến, thích đua tốc độ cao, thích trèo lên đỉnh Everest, thích những cái không ai dám làm. Tất cả những giống nòi sống ở xứ tuyết đều có bản lĩnh như vậy, từ chó sói đến chó nhà, hươu nai, gấu, chim chóc... chúng đều kiên trì, liều lĩnh và có một sức chịu đựng dẻo dai tuyệt vời.

Cảnh tuyết bao giờ cũng đẹp mê hồn, nhưng là một cái đẹp chết người, chỉ có động vật hoang dã và ít thổ dân mới có thể sống tự nhiên trong cái lạnh hàng chục độ dưới không, còn con người nói chung cần rất nhiều phương tiện để tồn tại trong giá rét.


Nếu như người Mỹ có nhiều phương tiện sưởi ấm, trong nhà, trong ô tô, công sở, cửa hàng... người ta có thể mặc sơ mi giữa mùa Đông, quần áo thì lại rất tốt.


Nông dân nghèo ở Trung Quốc xứ lạnh đi đâu cũng đem theo cái lò sưởi than trên tay, hoặc có thể mua một cái áo gió dày, dài trùm đầu gối, hoặc ăn nhiều


Khi ở Vân Nam, quán trọ không có nước nóng, đánh bạo ăn thịt muối, tôi thấy tắm được nước lạnh giữa mùa Đông. Hoặc như những nhà sư trên núi tuyết có thể Thiền mà sức khỏe hoàn toàn bình thường khi thiếu ăn thiếu mặc. Thịt muối đôi khi được ăn sống, hình như cái này khỏe cho cả tình dục, và nếu các nhà văn ăn thì văn chương cái thế chảy ra ào ào.


2. Cơn bão tuyết cuối tháng 12 vừa rồi ở phía Đông Bắc Mỹ làm tê liệt cả giao thông trong vài ngày, những sân bay ở New York hoãn hàng nghìn chuyến bay, nhiều ô tô kẹt ngoài đường. Tôi đang ở Virginia cũng nằm trong vùng tuyết, xem ti vi mà lo ngay ngáy.


Nhưng may vùng này cùng thủ đô Washington DC thoát, gió đã thổi tuyết dạt lên trên, ban đêm gió rít vào cửa sổ ù ù. Cho đến ngày Tết Tây, dù trời đã ấm lên, mặt sông Potomac băng mỏng vẫn phủ, nhưng từng đàn chim nước vẫn thanh thản đậu trên mặt băng. Những lớp băng giữa sông xô vào nhau đội lên thành nhiều tầng như đám kính vỡ, dòng sông hình như không trôi, đứng im trong cái lạnh trắng mờ.


Ngoài đường, người ta rắc những lớp muối cho băng tuyết chóng tan, và xe ô tô đi đỡ trượt. Tuy nhiên muối cũng làm hỏng đường khá nhanh và nhất là những công trình bằng kim loại ngầm. Các xe ô tô bốn bánh gắn động cơ thì chạy tương đối tốt.


Người ta kéo đến thủ đô này ầm ầm xem đủ loại bảo tàng, triển lãm, nhưng hấp dẫn nhất là bảo tàng cây và hoa, trẻ con vào Đông cùng chơi đùa với đủ loại cây hoa từ bốn phương và được bố trí trong các phòng có chế độ thời tiết nhân tạo như quê hương chúng.


Đôi khi trong nhiệt độ dưới âm, vẫn có mưa nước, người ta gọi là mưa siêu lạnh, chứ không nhất thiết là tuyết. Theo các nhà khoa học, khối không khí lạnh gặp khối khí nóng bốc lên cao giữa trời lạnh mùa Đông tạo ra hiện tượng này. Nước mưa rơi xuống, khi gặp vật gì liền lập tức biến thành băng.


Điều này rất nguy hiểm vì chúng phá hoại cây cối, cột điện, đường điện. Hình như hiện tượng này rất phổ biến ở đỉnh Mẫu Sơn. Ngược lại, khi tuyết nhẹ rơi tan ngay thành nước, trời rất lạnh, còn hơn cả mưa tuyết dày.


Bà chúa Tuyết trong các truyện cổ dân gian được hình dung như một người đẹp nhưng có trái tim băng giá. Bà đẹp đến mê hồn, nhưng cũng rất tàn nhẫn. Đó chính là tuyết, một sự thơ mộng đáng sợ.


Ban đêm tuyết rơi rất nhẹ nhàng, như trận gió hoa từng lớp từng lớp dạt nhẹ trên mái nhà, cành cây và thảm cỏ. Trời bỗng sáng lên, và ngày càng sáng hơn trong mưa tuyết đêm, đến mức cảnh vật trông rõ như ban ngày.


Những cành cây trông mảnh mai rõ nét và li ti hiện lên những chồi khô. Cơn mưa tuyết đêm rất êm đềm, như câu chuyện cổ tích vẫn diễn ra trong thời hiện đại. Những con nai mò vào các thị trấn nhỏ, đến sát hiên nhà kiếm ăn đêm, có lẽ cũng không hẳn kiếm ăn mà chúng muốn tìm cái gì đó ở đời sống con người.


Thường thấy chúng đi có đôi, con đực to hơn một chút, mạnh dạn hơn, còn con cái thường đứng đằng xa.


3. Gần ngôi nhà bà chủ tôi thường qua lại ở New York, có một nhà thờ nhỏ, thường thấy hai cô gái một da đen, một da trắng ngủ trong chiếc hộp các-tông sát bên thềm. Sáng sớm tôi đi thể dục qua, thấy họ cũng dậy sớm, để dọn đồ, nom rất xinh. Bâng khuâng thường tự hỏi, không biết họ từ đâu đến, và sẽ đi về đâu.


Nhìn sang bên đường, chiếc nắp cống đang phun khói lên nghi ngút, có lẽ đường ống nào đó bị hở. Một người lang thang rét quá ra ngồi giữa đám khói. Ngày trước khi xem một bức tranh của Repin, về một nữ bá tước bị đi đày, thấy trong tranh có người ăn mày đi chân không trên tuyết, tôi không tin người ta có thể chịu được rét đến như vậy. Những ngày ở xứ tuyết, thấy vài người lang thang chân trần mới biết người họa sĩ đã vẽ rất chân thực.


Thế giới có thể thay đổi rất nhiều, nhưng câu chuyện về số phận con người hình như chẳng khác bao nhiêu.


Theo TT&VH

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN