Bài cuối: Để cân bằng trong phát hành phổ biến phim nội - ngoại

Có thể nhận thấy, công tác phát hành - phổ biến phim đã bộc lộ nhiều bất cập, khi cán cân phát hành - phổ biến phim nội và phim ngoại, khi cơ hội được thưởng thức các tác phẩm điện ảnh giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa... đều cho thấy sự chênh lệch quá lớn. Làm thế nào để giải quyết tình trạng mất cân bằng này, thúc đẩy hoạt động phát hành - phổ biến phim ở Việt Nam phát triển trong giai đoạn tới là bài toán khó giải.

 

Phim nội cần được ưu tiên tại các rạp chiếu.

 

Có thể nói, công tác phát hành, phổ biến phim chiếm một nửa hoạt động của toàn ngành điện ảnh. Nó giữ một vai trò to lớn trong việc phát triển nền điện ảnh dân tộc, bởi nếu không có công tác này thì các tác phẩm điện ảnh sản xuất ra có hay đến mấy cũng không đến được với người xem và không phát huy được tác dụng đối với xã hội. Trong xu hướng mất cân đối, thậm chí có biểu hiện thương mại hóa hoạt động phát hành - phổ biến phim hiện nay, việc đi tìm giải pháp để cân bằng lại cán cân phát hành, phổ biến phim, từ đó phát triển nền điện ảnh Việt Nam là rất cần thiết.


Hiện nay hầu như việc nhập khẩu phim của điện ảnh Việt Nam phó mặc cho các công ty tư nhân. Megastar, Thiên Ngân và BHD là ba công ty đang “làm mưa làm gió” trong công tác nhập khẩu phim. Vì chưa có vai trò quản lý ngành trong việc định hướng thương thảo giữa chủ phim và các đơn vị chiếu bóng, nên các chủ phim mặc nhiên áp đặt điều kiện về doanh thu với chủ rạp. Ngành cũng không có vai trò trong việc định giá vé xem phim, không quản lý được tỷ lệ các buổi chiếu phim Việt Nam/nước ngoài tại các rạp... Để giải bài toán này, một trong những giải pháp được nhiều ý kiến đưa ra là phải thành lập Hiệp hội Phát hành, phổ biến phim, một tổ chức đại diện cho các nhà làm công tác phát hành phim, để điều phối lịch phim, can thiệp hoặc thương lượng những bất đồng trong phát hành, phổ biến phim, bảo vệ quyền lợi cho từng đối tượng, tránh được sự cạnh tranh, chèn ép thiếu lành mạnh, đồng thời, có ý kiến đề xuất với các cơ quan chức năng khi cần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế. Đây cũng chính là tổ chức có thể đủ mạnh để đàm phán với các chủ phim trong việc chia lợi nhuận, doanh thu chiếu bóng.


Ngoài ra, theo ông Phạm Văn Họa -Tổng giám đốc Công ty cổ phần Fafilm Việt Nam, ngành điện ảnh cần đề nghị Bộ Tài chính, Chính phủ cho phép quản lý ngành thông qua tấm vé xem phim. Có như vậy, ngành điện ảnh nước nhà mới có thể nắm chắc thực trạng và định hướng phát triển đúng đắn cho hệ thống phát hành - phổ biến phim. Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới, cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh đều tham gia quản lý ngành theo từng tấm vé xem phim tại rạp. Đơn cử như Pháp, Nhà nước đánh thuế đến gần 10% giá vé để tái đầu tư cho ngành điện ảnh. Con số này ở Hàn Quốc là 3%. Theo ông Phạm Văn Họa, với doanh thu chiếu bóng hiện nay khoảng 721 tỷ đồng/năm, nếu Nhà nước cho phép ngành chỉ thu 2% thôi cũng được khoảng 14,42 tỷ đồng cho Quỹ phát triển điện ảnh nước nhà, với khoản ngân sách này, ngành Điện ảnh có thể làm được rất nhiều việc cho sự phát triển điện ảnh dân tộc.


Đối với việc tăng cường phát hành, phổ biến phim đến với đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư trang thiết bị, đặc biệt là cho lực lượng chiếu phim lưu động. Theo ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH, TT & DL tỉnh Lào Cai, điện ảnh với miền núi đặc biệt quan trọng, phải dùng phim điện ảnh, truyền hình tiếng dân tộc để tuyên truyền thêm về biển, đảo để bà con hiểu đúng, chống lại các luận điệu xuyên tạc, thù địch. Vì vậy, các đội chiếu phim lưu động nên thu về một mối là Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng của tỉnh, đồng thời Nhà nước có cơ chế chính sách ưu đãi để đội ngũ thực hiện thực sự tâm huyết với nghề.


Ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Trung tâm điện ảnh, sách, văn hóa phẩm Cao Bằng cho rằng, Nhà nước cần cấp máy móc, thiết bị cho các đội chiếu phim lưu động để đưa phim đến vùng sâu, vùng xa. Cục Điện ảnh cần nghiên cứu và cung cấp đĩa chương trình miền núi, tiếng dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao... để tuyên truyền kịp thời đáp ứng nhu cầu cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo ông Nguyễn Hữu Tuyên - Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Đắk Lắk, khâu phát hành phim cần chú ý đến việc cân đối giữa các thể loại phim, để tạo sự hài hòa và tránh sự nhàm chán. Bên cạnh việc tổ chức chiếu phim ở bãi chiếu ngoài trời, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí mua đĩa hình chiếu ở các nhà văn hóa cộng đồng, các trường học nội trú. Ngoài ra, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc sản xuất phim phù hợp riêng cho từng dân vùng dân tộc, bởi đồng bào thích thấy hình ảnh quen thuộc của quê hương mình, thích xem người mình và thích nghe âm thanh, tiếng nói hình ảnh quen thuộc của dân tộc mình trực tiếp. Chính vì vậy, Nhà nước nên dành ngân sách đặt hàng cho các địa phương để tuyển dụng đồng bào dân tộc tại chỗ làm công tác điện ảnh và biên dịch phim lồng tiếng dân tộc...


Tuy nhiên, theo bà Ngô Phương Lan, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Điện ảnh, có thể tính đến một tổ chức xã hội nghề nghiệp đứng ra điều tiết việc phát hành, phổ biến phim, nhưng trước mắt Cục điện ảnh muốn sự hợp tác giữa các đơn vị phát hành phim sau khi “tận thu” ở các phòng vé các thành phố lớn sẽ cung cấp phim (cho mượn hoặc thuê giá rẻ) để phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Có thể coi đó là một “công tác xã hội” mà những doanh nghiệp liên doanh, nước ngoài hoặc tư nhân nên hưởng ứng. Bên cạnh đó, Cục Điện ảnh sẽ nâng cao vai trò quản lý, quan tâm đến định hướng điều tiết nguồn phim, tăng cường đầu tư cho công tác phát hành, phổ biến phim, đề nghị Nhà nước khôi phục lại chương trình Mục tiêu quốc gia về điện ảnh (đã thực hiện từ năm 1994 nhưng bị cắt giai đoạn 2012-2015) trong chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa để phát triển điện ảnh nước nhà.


Nguyên Hà

Phim về vùng sâu, vùng xa ngày càng ít
Phim về vùng sâu, vùng xa ngày càng ít

Mặc dù hoạt động chiếu phim ở Việt Nam đã “sống lại”, nhưng mới chỉ đáp ứng được 20% khán giả ở các thành phố lớn, 80% số dân còn lại ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo lại đang rất thiệt thòi vì không có cơ hội được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN