Vườn quốc gia Chư Mom Ray có diện tích là 56.249 ha, những năm gần đây do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết có sự biến đổi thất thường, mùa khô hạn kéo dài hơn bình thường, mùa mưa lượng mưa ít hơn. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ tháng 3, 4 là thời điểm người dân thường hay vào rừng để khai thác mật ong, hái ươi… khi thời tiết hanh khô dễ xảy ra cháy rừng. Đặc biệt, các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, thị trấn Sa Thầy, Bờ Y, Sa Loong có diện tích nương rẫy quá gần với đường ranh giới Vườn quốc gia, khiến cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, cuộc sống của người dân vùng đệm Vườn quốc gia còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu là cây nông nghiệp hàng năm do đó trong những thời gian rảnh rỗi trong năm người dân còn vào rừng thu hái lâm sản phụ, đốt ong lấy mật, săn bắt chim thú, cá biệt có các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn phụ thuộc rất nhiều vào rừng (săn bẫy, bắt cá, lấy rau rừng, rà sắt phế liệu...) đây là nguy cơ cao xảy ra cháy rừng…
Trước tình hình đó, trong những tháng đầu mùa khô, Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã thực hiện cấp bách nhiều giải pháp công tác thực hiện bảo vệ rừng. Trong đó, Ban quản lý Vườn đã kịp thời chỉ đạo triển khai các văn bản xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện nhằm tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý bảo vệ rừng. Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ rừng. Duy trì hoạt động của 10 câu lạc bộ xanh tại 10 trường Trung học cơ sở trên địa bàn hai huyện Sa Thầy - Ngọc Hồi, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng cho các em học sinh. Triển khai ký bản cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với các hộ có nương rẫy giáp ranh với vườn
Đặc biệt, xác định thời điểm dễ xảy ra cháy rừng, Ban quản lý vườn đã chỉ đạo lập 20 chốt quản lý bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, kiểm soát các đối tượng vào rừng khai thác mật ong… Tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện tại chỗ, chuẩn bị lực lượng và phương tiện sẵn sàng cho công tác phòng và chữa cháy rừng mùa khô.
Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan (ủy ban nhân dân các xã, các đồn biên phòng, Huyện đội, cộng đồng nhận khoán) tổ chức các cuộc tuần tra, truy quét trong rừng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến rừng.
Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết: "Xác định mùa khô năm nay sẽ rất phức tạp, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao nên chúng tôi đã xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng rất cụ thể. Chúng tôi đã đã đầu tư xây dựng 3 hồ đập phục vụ cho hoạt động chữa cháy tại các địa bàn Ya Book, Đắc Tao (thuộc địa bàn xã Rờ Kơi, Mo Ray), 10 chòi canh lửa, 14 bảng cấp dự báo cháy rừng, 770 bảng tam giác cấm lửa cùng các dụng cụ phòng cháy chữa cháy như rựa, cuốc, máy thổi gió... Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, ký cam kết, giao khoán rừng cho cộng đồng cùng tham gia vào quản lý, bảo vệ và huy động lực lượng khi có cháy rừng xảy ra.
Đặc biệt, chúng tôi đã tự xây dựng hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến trên ảnh vệ tinh. Việc ứng dụng thiết bị điện thoại thông minh phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng đã đạt được hiệu quả rõ nét trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý. Từ đó công tác phòng cháy chữa cháy rừng được thực hiện thuận tiện, tiết kiệm được thời gian, nhân lực, chi phí, đảm bảo khoa học, hiệu quả, đồng bộ, chính xác cao".
Với sự chuẩn bị kỹ càng về nhân lực, vật lực nên từ đầu mùa khô 2019- 2020 đến nay địa bàn Vườn quốc gia chưa xảy ra cháy rừng. Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray tiếp tục có nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, qua đó góp phần gìn giữ, bảo vệ và phát triển “lá phổi xanh” của Tây Nguyên.