Theo ông Lâm Hoàng Phước – Trưởng ban Truyền thông Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), thành viên Ban tổ chức cho biết, Cuộc thi “Tự hào ngành Điện miền Nam - 45 năm xây dựng và phát triển” do EVN SPC phối hợp với Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam tổ chức từ ngày 20/11/2018 đến ngày 30/6/2019 đã thu hút 154 tác giả chuyên và không chuyên ở khắp các tỉnh thành trong cả nước tham gia; tổng số lượng tác phẩm dự thi gửi về thông qua trang Web https://cuocthianh.evnspc.vn của Ban tổ chức là 521 tác phẩm, trong đó gồm 45 tác phẩm ảnh bộ.
Nội dung các tác phẩm chủ yếu ghi lại những khoảnh khắc đẹp, phản ánh chân thực nhân vật, tính chất đăc thù về điều kiện lao động sản xuất của CNVCLĐ ngành Điện; vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh ta đã và đang tiếp tục thay da đổi thịt nhờ có điện; vẻ đẹp các công trình ngành Điện, về con người và sự phát triển của đất nước; vẻ đẹp của con người ngành Điện tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam (từ Ninh Thuận đến Cà Mau); đồng thời thông qua các tác phẩm còn vận động, khuyến khích người dân, khách hàng tiếp tục đồng hành cùng ngành điện trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Kết quả giải thưởng như sau: tác phẩm “Chân dung người thợ điện” của tác giả Đặng Hồng Long (Bình Thuận) đoạt giải nhất; tác phẩm “Chiến sĩ trên đảo Trường Sa bảo trì hệ thống năng lượng mặt trời” của tác giả Hồ Bá Thi (Trà Vinh) và tác phẩm “Bảo trì trạm biến áp 110kV để đảm bảo cấp điện cho thành phố Phan Thiết” của tác giả Đỗ Hữu Tuấn (Bình Thuận) đoạt giải nhì; Giải ba là các tác phẩm “Điện phục vụ nuôi trồng thủy sản” của tác giả Bùi Quang Vũ (TP.HCM), “Điện đến với vùng đất phèn” của tác giả Trần Khánh Hưng (Bình Dương) và “Trụ trì Chùa Cuối của đồng bào dân tộc Khmer đồng hành cùng ngành Điện sử dụng điện an toàn, tiết kiệm” của tác giả Trần Quốc Dũng (TP.HCM).
Giải khuyến khích gồm 6 tác phẩm: Ảnh bộ “Những người thợ điện Hotline chuyên nghiệp” của tác giả Lý Nam Thuận (An Giang); “Thợ điện vùng sông nước miền Nam vượt khó đưa điện về vùng sâu” của tác giả Tô Hoàng Vũ (TP. Cần Thơ), “Điện lưới quốc gia vượt biển đến với vùng biển đảo Tây Nam” của tác giả Hà Văn Đông (TP.HCM), “Đêm trên bến Ninh Kiều” của tác giả Bạch Ngọc Anh (Lâm Đồng), “Những người thợ áo cam vượt cầu khỉ đưa điện đến với bà con dân tộc Khmer miền Tây Nam Bộ” của tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn (Hà Nội) và “Điện phục vụ chế biến thủy sản xuất khẩu” của tác giả QuảngNgọc Minh (An Giang).