“Lương không được chậm 1 ngày bằng bất cứ giá nào”
Đó là chỉ đạo từ lãnh đạo cao nhất Tập đoàn BRG trong toàn bộ hệ sinh thái của Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành này. Bộ phận Nhân sự là bộ phận nhận trách nhiệm cao nhất trong sứ mệnh này.
Chị Trang, Khối Nhân sự của Tập đoàn BRG, chia sẻ “Mỗi dịp tới kỳ trả lương, thường là tuần đầu tiên của tháng, chúng tôi lại cảm thấy vô cùng áp lực. Vừa phải làm việc giãn cách để đảm bảo các phương án phòng chống dịch theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Tập đoàn, vừa phải làm sao nhanh nhất hoàn tất công tác tiền lương để đảm bảo lương được chuyển đúng hạn. Tuy nhiên, chúng tôi rất vui và tự hào, ít nhất trong giai đoạn căng thẳng đó, chúng tôi vẫn có công việc để làm và việc làm của chúng tôi còn mang lại niềm vui cho tất cả những cán bộ nhân viên cùng gia đình họ.”
Đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 2 năm đã khiến cho nhiều doanh nghiệp lao đao, hoạt động kinh doanh sản xuất bị đình trệ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động. Đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch dịch vụ như khách sạn, sân gôn… khi khách du lịch quốc tế hoàn toàn vắng bóng, phải đóng cửa dài ngày, không có nguồn thu nhưng vẫn phải trang trải những chi phí bảo trì, bảo dưỡng để duy trì tình trạng tốt nhất cho cơ sở vật chất của mình.
Bên cạnh những khó khăn về kinh tế, các doanh nghiệp du lịch dịch vụ còn phải giải bài toán đầy thách thức khác là đời sống của cán bộ nhân viên của mình. Vì khi doanh nghiệp không thể đảm bảo cuộc sống của cán bộ nhân viên thì bắt buộc người lao động phải đi tìm những kế sinh nhai khác. Đây có thể được coi là một sự lãng phí vô cùng lớn khi cả ngành du lich không khói sẽ bị thiếu nhân sự trầm trọng vào giai đoạn đất nước mở cửa trở lại, chưa kể chi phí và công sức đào tạo lại cho lực lượng nhân sự mới sẽ tiếp tục là thách thức mới cho doanh nghiệp.
Nhận thức được điều này, rất nhiều doanh nghiệp vẫn đặt cuộc sống người lao động lên hàng đầu. Những công ty như Công ty TNHH Du lịch Thiên Hà, Công ty cổ phần Hòn Tằm biển Nha Trang,… áp dụng chính sách nghỉ phép có lương cho người lao động. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành sản xuất như Lee&Man Việt Nam chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh tại khu vực làm việc, chỗ ở, ký túc xá, cùng cải thiện cơ sở vật chất sinh hoạt, giải trí, góp phần đảm bảo sức khỏe và cải thiện chất lượng đời sống cho người lao động.
Anh Hồng, Phó Giám đốc sân gôn BRG Legend Hill Golf Resort cho biết “Trung bình 1 sân gôn 18 hố sẽ cần lượng nhân sự là khoảng 500 người. Đặc thù của dịch vụ gôn là khách hàng đều là những khách hàng VIP nên việc tuyển dụng và đào tạo là vô cùng quan trọng. Trong giai đoạn phải đóng cửa phòng chống dịch, chúng tôi đã phải lên rất nhiều phương án để giữ chân người lao động, kể cả phương án tăng cường học tập và đào tạo trực tuyến lẫn đưa ra phương án làm việc luân phiên ở các mảng hoạt động sản xuất kinh doanh khác trong hệ sinh thái của tập đoàn như bán lẻ, sản xuất… để đảm bảo thu nhập và giữ chân người lao động.”
“Đồng hành và sẻ chia” – những câu chuyện truyền lửa không bao giờ hết lửa của tinh thần doanh nhân Việt
Có thể nói những thách thức vừa qua vừa là phép thử vừa là chất xúc tác cho nhiều ý tưởng sáng tạo và nhân văn được xây dựng trên truyền thống đống hành và sẻ chia của nhiều thế hệ doanh nhân Việt.
Nhiều doanh nghiệp đã ban hành những cơ chế khác như làm việc tại nhà, làm việc luân phiên, thực hiện giãn cách xã hội, chế độ ốm đau cho người lao động cùng nhiều quyền lợi chăm sóc sức khỏe và các chương trình cứu trợ khác… để đồng hành và đảm bảo cuộc sống cho người lao động vượt qua khó khăn.
Cao hơn ý nghĩa của lòng nhân ái, sự sẻ chia, đó là văn hóa công ty của những doanh nghiệp khi luôn đặt lợi ích của người lao động, của đối tác, của cộng đồng lên trên hết, để từ đó hình thành những công dân doanh nghiệp kiểu mẫu với những đóng góp nổi bật trong hoạt động trách nhiệm xã hội.
Trong những đợt quyên góp lớn của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương, những cái tên doanh nghiệp đã trở nên quá quen thuộc với cộng đồng với những đóng góp và cam kết mạnh mẽ.
Nổi bật trong những cái tên quen thuộc đó là Vingroup. Trong hơn 2 năm qua, Vingroup đã tài trợ các hoạt động tài trợ chống COVID-19 với các hoạt động như nghiên cứu, sản xuất và tài trợ máy thở, trao tặng các bộ kit test, vaccine; nghiên cứu sản xuất vaccine… với tổng trị giá nhiều tỷ đồng.
Một cái tên khác là Sun Group với “triết lý về lòng yêu nước” cũng là 1 chiến binh tích cực trong cuộc chiến chống dịch trên nhiều mặt trận, từ việc ủng hộ tiền mặt cho Quỹ vaccine của Chính phủ và các địa phương, đến xây các bệnh viện dã chiến và các Trung tâm Hồi sức tích cực ICU, và hỗ trợ các trang thiết bị y tế chống dịch cho các bệnh viện ở nhiều tỉnh thành,…
Hay như Quỹ An sinh Sức sống mới của BRG và SeABank với hơn 200 tỷ đồng từ đầu năm 2020 đã góp một phần cho công tác phòng, chống dịch và an sinh xã hội trên khắp cả nước. Nhiều trang thiết bị y tế tiên tiến và hiện đại nhất, các loại khẩu trang kháng khuẩn tốt nhất, lượng lớn nhu yếu phẩm đã được chuyển đến các cơ sở y tế, người dân tại nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước ngay trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất.
Có thể thấy, trong đại dịch COVID-19, tầm vóc của một doanh nghiệp lớn không còn được đo chủ yếu bằng tiền bạc hay giá trị kinh tế, thay vào đó là sự nể trọng của xã hội với những nỗ lực cống hiến và dấn thân của họ. Và các doanh nghiệp Việt Nam với tinh thần trách nhiệm lớn lao đang viết nên những câu chuyện nhân văn về tinh thần vượt khó để đóng góp cho cộng đồng, cho đất nước, và luôn vì lợi ích của người dân cũng như sự phát triển chung của xã hội.