Trà cụ Sơn Tử Thố: Tinh hoa hồn Việt

Thưởng thức một chén trà mang phong cách Việt là thưởng thức cả một nét văn hóa Việt. Pha một ấm trà nóng người ta có thể ngồi trà đàm, nhâm nhi suy ngẫm bàn luận về thế sự. Người “biết” thưởng trà vì thế được gọi là trà sư, đồ dùng để pha trà được gọi là trà cụ.

Nói đến trà cụ, có nhiều loại với công dụng, hình dáng, chất liệu khác nhau. Một bộ dụng cụ uống trà cơ bản cần phải có gồm: ấm trà, chén tống, chén quân, khay trà, hũ đựng trà, xúc trà, kháo trà và bộ dụng cụ gắp.

Hiện nay, trà cụ có nhiều kiểu dáng, chất liệu khác nhau tùy theo sở thích, nhu cầu của người thưởng trà. Trong các dòng trà cụ, có thể kể đến Sơn Tử Thố, một dòng trà cụ được tôi luyện từ những khu mỏ đá sét của các chi núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.

Theo nghệ nhân Phạm Quốc Văn (làng gốm Bát Tràng) “mẻ lò” đầu tiên tạo tác nên Sơn Tử Thố ra đời ngày 25 tháng 6 năm Kỷ Hợi (2019) gồm 21 chiếc ấm trà, 9 chiếc tống trà và hơn 200 chén trà mang thương hiệu Chính Long kèm con dấu riêng của nghệ nhân Phạm Quốc Văn. Sơn Tử Thố được gây dựng bởi nghệ nhân Phạm Quốc Văn và Đại Đức Thích Tâm Tuệ, Viện chủ Khánh Long Trà Viện, cố vấn thương hiệu trà Chính Long.

Chú thích ảnh

Chất đất và dòng trà cụ này được Đại Đức Thích Tâm Tuệ đặt tên là Sơn Tử Thố (山紫錯). Sơn (山) trong tổ sơn và dãy Hoàng Liên Sơn, Tử (紫) trong Sắc tía và mạch nguồn của ngọn tổ sơn mang tên Mạch Mộc Lương Tử, Thố (錯) nghĩa là hòn đá như viên ngọc ẩn mình trong đá (đá sét) cần được tác thành. Sơn Tử Thố như một minh chứng cho hồn Việt, khơi gợi mạch nguồn và khắc ghi giá trị tinh túy của một nền văn hóa.

Quy trình tạo tác nên Sơn Tử Thố bởi vậy cũng lắm phần công phu từ khâu chọn đất, xử lý, “luyện đất”, chế tác, nung lò…  Trong đó, đất được lấy từ các mỏ đá sét của dãy Hoàng Liên Sơn.  Đất được mang về phơi ải tối thiểu 63 ngày, dùng búa đánh nhỏ và phơi tiếp khoảng 21 ngày trên nền sân gạch. Khi độ ẩm của nguyên liệu đạt mức dưới 0,7% thì được tiếp tục dùng búa đánh tơi và sàng để loại bỏ các vật thể lạ cũng như phần đá sét không đủ chất lượng, rồi cho vào cối đá xay nhuyễn.

Hoàn thành khâu đầu tiên, đến chu kỳ luyện đất, nguyên liệu được cho vào bể chứa cùng nước được đánh đều lên, để lắng và loại bỏ các tạp chất hữu cơ, dân gian gọi là “bể đánh”, công đoạn này được ngâm trong vòng từ 4-5 tháng. Khi đất đã “chín”, thì đánh đất thật đều và tơi để các hạt đất thực thụ hòa tan trong nước tạo thành một hỗn hợp lỏng. Kế đến cho hỗn hợp lỏng này xuống “bể lắng”, tại đây đất sét được lắng xuống, các tạp chất còn lại nổi nên bề mặt nước được loại bỏ. Khi phần đất sét lắng xuống, nước được tháo ra thì hỗn hợp này được chuyển sang “bể phơi” từ 3-5 ngày. Tiếp đến là công đoạn nhào nện, cuối cùng gói các khối đất này bằng giấy thô cho vào “bể ủ” càng lâu càng tốt. Công đoạn ủ cho lên men tự nhiên này giúp khử các tạp chất còn sót lại đồng thời làm gia tăng chất lượng của các khoáng vật chính yếu cấu thành nên tính đặt thù của Sơn Tử Thố.

Bởi thế, thời gian để chế tác nên Sơn Tử Thố lên tới 6-7 năm. Do vậy, mỗi nắm nguyên liệu trên tay người nghệ nhân được nâng niu, thổi hồn vào đó khiến cho trà cụ thấm đẫm tinh hoa của đất trời, tài hoa của người nghệ nhân.

Sơn Tử Thố có lớp men được tiết ra tự nhiên từ đất kết hợp với sự tác động của nhiệt lửa trong lúc nung, do vậy công đoạn đánh men rất quan trọng.

Khi sản phẩm thô đã hoàn tất thì công đoạn đốt lò trở thành khâu quyết định sự thành bại của sản phẩm. Vì thế người nghệ nhân thường chọn giờ “khai hỏa” kèm theo các nghi thức “tâm linh”. Đây chính là “bí quyết” riêng của mỗi nghệ nhân dựa trên kinh nghiệm tích tạo, sự cảm nhận và mắt quan sát ngọn lửa. Sản phẩm Sơn Tử Thố được nung ở mức nhiệt từ 1.150 – 1.170 độ C và độ “co ngót” sau nung là 13-15%.

Chính oxit sắt cùng các khoáng vật quý có trong chất đá sét của Sơn Tử Thố trong quá trình “hỏa biến” đã thành tạo nên kết cấu “khí khổng” (lỗ thông khí kép) mà hiếm chất đất nào có được; cấu tạo của khí khổng như những “tế bào” hình hạt đậu, tạo thành kết cấu lỗ li ti bên trong thành gốm. Khí khổng rất quan trọng với thực vật và thường kết cấu dạng tế bào này chỉ có ở thực vật trên cạn, đây là kết cấu vô cùng hiếm gặp trên gốm. Nhờ kết cấu này mà các sản phẩm gốm Sơn Tử Thố lưu gữu được hương vị của trà thông qua các lỗ thở li ti, kết cấu này tạo ra quá trình trao đổi nước và khí liên tục giúp giữ được chất lượng hương vị trà trong nhiều ngày (từ 5-7 ngày). Trong mức thời gian trên trà bên trong ấm không bị hỏng (ôi, thiu) mà vẫn giữ nguyên được hương vị, đây cũng chính là đặc tính để có thể “nuôi ấm” giúp ấm trà uống ngày mỗi ngon hơn sau một thời gian sử dụng (hương vị trà ngấm sâu vào thành gốm.

Chú thích ảnh

Từ lòng đất Việt, những sản phẩm trà cụ như Sơn Tử Thố đến với người thưởng trà như một vật phẩm thanh tú, thấm nhuần tinh hoa đất trời và sức sáng tạo của con người.

Hiển nhiên, trà đạo không đơn thuần là con đường, là phép tắc uống trà mà trên hết là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, để từ đây tu sửa tâm, nuôi dưỡng tính và đạt tới giác ngộ. Vậy nên trà cụ cũng như một cách thức “đưa đường, dẫn lối” cho người thưởng trà thấu triệt triết lý của nhân sinh, sự ảo diệu của vũ trụ, từ đó mà phản bổn quy chân (quay trở về nguồn cội).

Cẩm Tú (Theo Kinh doanh & Phát triển)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN