Tiếp sức cho hộ nghèo từ vốn vay ưu đãi

Với mục tiêu nỗ lực không để ai ở lại phía sau, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã bám sát chương trình, mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kịp thời đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với người dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Chú thích ảnh
Ngoài việc phối hợp tốt với các cấp hội nhận ủy thác, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên tổ chức giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn nên chất lượng tín dụng luôn được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn luôn ở mức thấp. Ảnh: Trần Việt – TTXVN

Trước đây, gia đình bà Bùi Thị Sâm là một trong những hộ nghèo của ở thôn Khâu, xã Tử Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2017, gia đình bà Sâm được tiếp cận với nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lập Thạch. Từ nguồn vốn vay, bà Sâm đã đầu tư mua bò nái và bò thịt.

Nhờ chịu khó chăm sóc, đàn bò của gia đình bà Sâm phát triển khỏe mạnh và sinh sản tốt, nhờ đó kinh tế gia đình bà ngày càng được cải thiện. Có nguồn thu nhập ổn định, bà tiếp tục mở rộng chuồng trại, vay thêm vốn để nuôi thêm lợn nái và lợn thịt.

Ngoài gia đình bà Sâm, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, ở thôn Ngọc Liễn, xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch là một minh chứng trong hàng nghìn hộ trong huyện về sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, góp phần thoát nghèo bền vững.

Chị Hiền vui vẻ kể: "Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Với nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chăm chỉ đầu tư trồng rừng, chăn nuôi bò sinh sản và nuôi lợn thịt, hằng năm cho thu nhập khá, từ đó đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, gia đình không còn lo chuyện tái nghèo nữa.

Theo thống kế, 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lập Thạch đã tiến hành giải ngân cho trên 11.000 khách hàng vay vốn, với tổng dư nợ đạt trên 513 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn vay đã giúp cho trên 19.600 lượt hộ nghèo được vay vốn, giúp cho trên 9.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 7.400 lao động, giúp cho 6.750 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ xây mới và cải tạo hơn 21.200 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa gần 840 ngôi nhà cho hộ nghèo.

Từ nguồn vốn chính sách đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân huyện Lập Thạch lên mức trên 50 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,58%, đời sống của nhân dân đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, đơn vị đang thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, với tổng dư nợ gần 3.550 tỷ đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 68.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 131.000 lao động; hơn 70.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hơn 3.300 lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc; hỗ trợ cải tạo, xây mới hơn 339.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường, hơn 5.000 ngôi nhà cho hộ nghèo.

Hiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,36%, giảm hơn 16% so với năm 2005. Từ năm 2015, Vĩnh Phúc không còn xã nghèo, không còn hộ nghèo là đối tượng chính sách, người có công và 100% địa phương không còn nhà tạm hoặc nhà dột nát.

Ông Tạ Ngọc Thảo, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội luôn được coi là ngân hàng dành riêng cho người nghèo, các đối tượng chính sách và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

Chú thích ảnh
Các tập thể có thành tích xuất sắc trong 20 năm triển khai thực hiện nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Để góp phần vào kết quả giảm nghèo bền vững của tỉnh Vĩnh Phúc, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển tải vốn tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, tín dụng chính sách đã tích cực hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, gắn với bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và các đối tượng chính sách xã hội.

Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chủ động tham mưu UBND tỉnh cân đối, ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy đồng nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, đáp ứng nhu cầu nguồn vốn vay của người nghèo, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần giảm cấp bù cho ngân sách nhà nước.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh./.

Nguyễn Thảo
Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương: Hành trình giúp dân giảm nghèo bền vững
Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương: Hành trình giúp dân giảm nghèo bền vững

Tháng tư này, về Bình Dương, sức sống mới như bừng lên sau thời gian chống dịch COVID-19 từ những thành phố trẻ Dĩ An, Thuận An cho đến vùng chiến khu xưa Bầu Bàng, Tân Uyên, Dầu Tiếng… Miền đất đỏ rộng 2.700 km2 này còn là 1 trong 6 địa phương của cả nước có chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn chuẩn nghèo quốc gia (gấp 1,7 lần).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN