Trong 10 tháng qua, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp khó về thị trường, cũng như nguồn lực tài chính; thiên tai, bão lũ, hạn hán, ngập úng, biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều nơi, nhiều vùng.
Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ, Ban ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Hội đồng quản trị (HĐQT), NHCSXH đã chủ động bám sát Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Nghị quyết HĐQT NHCSXH để tập trung chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiếp tục khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến 31/10/2023, tổng nguồn vốn đạt trên 331.000 tỷ đồng, tăng 34.611 tỷ đồng so với năm 2022; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 38.035 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 310.525 tỷ đồng, tăng 27.177 tỷ đồng (+9,6%) so với năm 2022, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ; trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 265 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 22 nghìn tỷ đồng so với năm 2022, hoàn thành 88,8% kế hoạch tăng trưởng được giao.
Bên cạnh đó, NHCSXH còn tích cực, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn tín dụng tập trung chủ yếu ở các chương trình cho vay đối với hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, HSSV có hoàn cảnh khó khăn, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn phục vụ sinh kế, tạo việc làm và các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, chính sách đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Một số chi nhánh có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch tăng trưởng cao, như: Hưng Yên (98,3%), Trà Vinh (97,6%), Tây Ninh (96,9%), Lai Châu (95,9%), Quảng Bình (95,8%),...
Doanh số cho vay trong toàn hệ thống NHCSXH 10 tháng qua đạt trên 74.603 tỷ đồng, với hơn 1,6 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn chính sách đã được tập trung cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 428.000 lao động, giúp gần 7.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp 60,6 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, hơn 4.000 lượt hộ gia đình được mua máy tính và thiết bị học trực tuyến; xây dựng hơn 1.194 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 1.305 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; gần 13.000 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách...
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp giao ban trực tuyến toàn quốc, Bí thư Đảng uỷ NHCSXHTW, Uỷ viên HĐQT, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực vươt khó của tập thể và mỗi cán bộ, người lao động trong toàn hệ thống NHCSXH để có được kết quả trong thời gian qua; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và kế hoạch được giao, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng yêu cầu các đơn vị trong toàn hệ thống chủ động tích cực tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, Ban ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; trọng tâm tăng cường huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bảo đảm an sinh xã hội; tập trung đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023, phấn đấu hoàn thành sớm chỉ tiêu kế hoạch, đảm bảo đúng tiến độ, thủ tục theo quy định.
“Đặc biệt, cả hệ thống chủ động phối hợp, tham mưu và tích cực triển khai thực hiện ngay Nghị quyết số 181/NQ-CP của Chính phủ vừa được ban hành về điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP”, Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn; theo dõi và nắm bắt những khó khăn, bất cập phát sinh ở các địa phương, tăng cường xử lý, thu hồi nợ đến hạn, tạo nguồn vốn cho vay quay vòng, kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh.
Cuối cùng, Tổng Giám đốc nhấn mạnh đến các đơn vị phải tập trung thực hiện chuyển đổi số, triển khai các dự án trọng tâm nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng toàn diện cho các đối tượng khách hàng của NHCSXH. Thực hiện hiệu quả công tác truyền thông từ Trung ương đến cơ sở nhằm nâng cao vai trò của tín dụng chính sách xã hội và NHCSXH. Thực hiện sâu rộng các phong trào thi đua; đánh giá, khen thưởng, động viên, khích lệ cán bộ trong toàn hệ thống hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm 2023.