Thanh Hóa: Hút 'đại bàng', du lịch Sầm Sơn sẽ định hình một chân dung mới

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, “chân dung” của Thanh Hóa thập niên tới là sự trỗi dậy mạnh mẽ, trong đó Công nghiệp là trọng tâm, Du lịch là mũi nhọn đột phá. Nhờ hút “đại bàng” đến làm tổ, du lịch Thanh Hóa đang đứng trước triển vọng mang tính vận hội mới, và Sầm Sơn có thể làm nên một tọa độ bùng nổ khác thường.

Chú thích ảnh
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Cốt lõi là thu hút được “đại bàng”

-Thưa ông, nếu phải đưa ra một hình dung về “chân dung” của Thanh Hóa trong thập niên tới, ông sẽ vẽ chân dung địa phương này với những nét chính nào?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Với tầm nhìn và tư duy mới, cộng thêm xung lực từ các nhà đầu tư tầm cỡ, Thanh Hoá đang có cơ hội “cất cánh” trỗi dậy mạnh mẽ trong thập niên tới, tạo cú hích cho Bắc Trung bộ phát triển.

Quan trọng vẫn là tầm nhìn quy hoạch phải bài bản. Thanh Hoá cần định hình rõ chiến lược lấy Công nghiệp làm trọng tâm, Du lịch làm mũi nhọn đột phá, tập trung hút “đại bàng” đến làm tổ, hợp sức đưa Thanh Hoá trỗi dậy.

Nói riêng về du lịch, lâu nay, Thanh Hóa chỉ nổi tiếng ở Sầm Sơn. Nhưng Sầm Sơn là du lịch mùa vụ, văn hóa du lịch chưa quyến rũ du khách.

Gần đây, dù được cải thiện nhưng vẫn chưa đủ biến Sầm Sơn thành tọa độ du lịch sánh vai với Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang. Thiếu sản phẩm du lịch, thiếu tọa độ liên kết chính là vấn đề của Thanh Hóa và Bắc Trung bộ.

Nhưng thiếu hụt cũng chính là dư địa tốt cho phát triển. Tôi tin du lịch Thanh Hoá sẽ bùng nổ, trong đó, Sầm Sơn sẽ là điểm đến hấp dẫn, hút khách quốc tế.

Vậy trên phác thảo “chân dung” của Thanh Hóa như chuyên gia vừa nói, có thể lấy những mô hình phát triển trong nước/thế giới nào làm hình mẫu cho Thanh Hóa? Riêng trong lĩnh vực du lịch, Thanh Hóa cần chú trọng phát triển những loại hình du lịch nào?

PGS.TS. Trần Đình Thiên: Đà Nẵng, Quảng Ninh hay Phú Quốc đã cho thấy cách “lột xác” ngoạn mục của du lịch, với hạ tầng kinh tế – du lịch phát triển đồng bộ, liên tục được làm mới với các hoạt động văn hóa, giải trí.

Cốt lõi là thu hút được những “đại bàng” đủ năng lực tạo chân dung phát triển cho chính nơi mời gọi chúng và được chúng chọn. Tôi muốn nói đến các Tập đoàn kinh tế như Sun Group, Vingroup, v.v…; đến những gì họ đã và đang làm ở Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang và Phú Quốc.

Chú thích ảnh
Với tiềm năng lớn, Thanh Hóa có thể bứt phá thành điểm đến du lịch top đầu Việt Nam.

Nhìn ra thế giới, có thể nghiên cứu mô hình Rio de Janeiro của Brazil, Pattaya của Thái Lan, Bali của Indonesia…, kết nối quốc tế, các hoạt động giải trí, trải nghiệm sôi động, đặc biệt là các hoạt động về đêm. Những kinh nghiệm này cần được Thanh Hóa mổ xẻ công phu, để đúc kết thành cái gọi là “lợi thế đi sau” trong phát triển.

Sầm Sơn – Tọa độ bùng nổ của du lịch

Từ câu chuyện ông vừa phân tích, sự phát triển của du lịch Thanh Hóa cần phải làm theo đường hướng nào?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Phát triển du lịch phải tính trong liên kết chuỗi – chuỗi du lịch và chuỗi kết nối liên ngành.

Cách tiếp cận này phải nằm trong ý tưởng quy hoạch phát triển của tỉnh. Trong quy hoạch phát triển du lịch, phải có định hướng phát triển ẩm thực, dịch vụ … Nghĩa là phải có sự liên kết chặt chẽ, lấy du lịch làm trụ cột. Nếu ngay trong phạm vi Thanh Hóa mà chỉ tính từng tọa độ đơn lẻ để phát triển du lịch, thì dù tọa độ đó có lợi thế tuyệt đối, cũng khó tránh khỏi thất bại.

Cần có tầm nhìn về không gian và trục thời gian, về đẳng cấp phát triển. Chứ nếu chỉ riêng du lịch, chỉ tính “tọa độ làng ta”, trước mắt có thể kiếm ăn được nhưng lâu dài sẽ hỏng. Nếu có những DN lớn tham gia phát triển du lịch Thanh Hóa, họ sẽ đặt ra những yêu cầu này dễ dàng hơn, với một tầm nhìn xứng đáng.

Như ông vừa phân tích, Thanh Hoá có cơ hội “cất cánh” nhờ những dự án đẳng cấp. Nhiều DN lớn đã đầu tư vào Thanh Hóa. Gần đây, Sun Group khởi công tổ hợp siêu dự án hơn 1 tỷ USD ở Sầm Sơn. Ông nghĩ sao về câu chuyện thu hút các “đại bàng” tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, đối với sự phát triển của Thanh Hóa trong thập niên tới?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Dấu ấn Sun Group tạo ra cho một số địa phương là đặc biệt mạnh mẽ, điển hình như Đà Nẵng, tiếp theo là Phú Quốc, Hạ Long, tới đây sẽ còn thêm những tọa độ khác – Sầm Sơn, Thanh Hóa chẳng hạn. Vingroup và gần đây có thêm một số DN Việt khác, cũng đang hành động theo cách đó.

Đó thực sự là những trụ cột làm cho du lịch trở thành ngành mũi nhọn đúng nghĩa của nền kinh tế.

Tôi nghĩ nếu có những DN lớn phát triển du lịch Thanh Hóa thì họ sẽ đặt ra những yêu cầu này dễ dàng hơn, với một tầm nhìn xứng đáng. Tôi không nghi ngờ gì tác động bùng nổ và lan tỏa phát triển mạnh khi Sun Group đầu tư vào Sầm Sơn.

Chú thích ảnh
Các dự án quy mô như quảng trường biển, trục đại lộ đẳng cấp, công viên giải trí... đang được triển khai ở Sầm Sơn.

Ông nhận định gì về triển vọng phát triển du lịch Thanh Hóa khi Sun Group đầu tư lớn vào đây?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Đó là tín hiệu tích cực, mở ra triển vọng mang tính vận hội cho xứ Thanh.

Thời gian qua, Thanh Hoá chưa hút được khách quốc tế, doanh thu du lịch khiêm tốn. Sun Group có thế mạnh phát triển thị trường, đem đến cách làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp, nâng tầm đẳng cấp du lịch cho tỉnh, thu hút nhiều nhà đầu tư khác.

Xét về năng lực tạo ra tọa độ du lịch hấp dẫn ở Việt Nam hiện ít DN làm được như Sun Group. Tập đoàn này sẽ đầu tư ở Thanh Hóa một hệ sinh thái du lịch cao cấp. Việc phát triển các tổ hợp lớn này sẽ nâng tầm du lịch Thanh Hoá.

Bản thân Sun Group là cái tên nói lên sự tin cậy trong việc tạo cảm hứng phát triển. Những lần gặp gỡ lãnh đạo Sun Group, họ đều chia sẻ rằng: Đã làm là phải “đẳng cấp”, không làm “thông thường”.

Tại Thanh Hoá, họ sẽ định hình chân dung Sầm Sơn với một chuẩn mực mới. Vấn đề là Sun Group tạo chân dung nào – trong vóc dáng và đường nét cụ thể – để xứng đáng với lịch sử và khát vọng của Thanh Hóa. Đó là vấn đề của Thanh Hóa: Chính quyền Thanh Hóa đặt ra điều kiện gì và hỗ trợ thế nào để Sun Group làm điều khác thường cho quê hương mình.

Khai phá “mỏ vàng” kinh tế đêm

Vậy theo ông, Thanh Hóa cần chuẩn bị ra sao để biến những thời cơ vàng hiện tại thành bệ phóng để vươn ra thế giới?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: DN tư nhân là nguồn lực phát triển quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Thanh Hóa cần tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư Việt như Sun Group làm ăn lâu dài tại địa phương. Đặc biệt khi Thanh Hóa đang có đà, có thế, có đủ điều kiện bứt phá.

Thời gian qua, đã có những tác động tích cực thay đổi hình ảnh du lịch Sầm Sơn. Nhưng chính quyền phải chủ động hơn nữa. Cần quán triệt rằng nếu không tạo lập một môi trường du lịch “đáng tận hưởng”, đầu tư thì du khách sẽ không vào Sầm Sơn, không đến Thanh Hóa.

Bên cạnh việc đưa du lịch thoát khỏi hình ảnh mùa vụ, giá rẻ, cần định hướng phát triển mạnh kinh tế đêm, “chớp” thời cơ hậu Covid–19 để phát triển du lịch. Để tận dụng thời cơ “thoát nguy” và “bứt phá”, cần khẩn trương xây dựng một chương trình phát triển kinh tế đêm tổng thể, trong tổng thể chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn tới của Thanh Hoá như một nội dung ưu tiên.

Chú thích ảnh
Kinh tế đêm Sầm Sơn kỳ vọng bứt phá, giúp tăng mức chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách.

Chuyên gia vừa nhắc tới việc phát triển kinh tế đêm. Theo ông, Thanh Hóa có lợi thế gì để phát triển kinh tế đêm?

PGS.TS. Trần Đình Thiên: Khi Việt Nam bắt đầu bàn về kinh tế đêm, Sun Group là lực lượng khởi xướng xu hướng này. Kinh tế đêm có thể đóng góp tới 20 – 30% doanh thu du lịch. Đây thực sự là mỏ vàng. Nhưng mỏ vàng thì không dễ khai thác.

Sun Group đang đóng vai trò là lực lượng chủ công thúc đẩy phát triển kinh tế đêm. Khi đầu tư dự án du lịch mới và lớn tại Thanh Hóa, tôi nghĩ họ sẽ triển khai hướng phát triển kinh tế đêm ngay từ đầu và bài bản. Tôi đánh giá cao cách tiếp cận phát triển “đẳng cấp” này, đồng thời, tin vào tính khả thi của dự án.

Kinh tế đêm không chỉ là hoạt động giải trí ban đêm mà là tổ hợp phát triển liên ngành, liên tuyến, phải có những điều kiện bảo đảm. Kinh tế đêm phải có sân khấu, có các show diễn và hoạt động văn hoá, giải trí đẳng cấp. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề chính sách, cũng giống như phát triển kinh tế ban ngày, cần có nhu cầu về đất đai, nhu cầu nhân lực, công nghệ, nhiều yếu tố đặc thù như ánh sáng, tiếng ồn, bảo đảm an toàn cho du khách, nhà đầu tư phải được phép kinh doanh thâu đêm… Phải có chính sách khác biệt, phù hợp với kinh tế đêm chứ không phải chỉ là những luật lệ sẵn có.

Nếu biết cách làm, khi quy mô du lịch thật sự lớn thì kinh tế đêm Thanh Hoá sẽ bùng nổ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Điểm đến tiếp theo của 'người khai mở' Sun Group
Điểm đến tiếp theo của 'người khai mở' Sun Group

Hành trình hơn 1 thập kỷ trở về xây dựng quê hương, bàn tay “người khai mở” Sun Group đã dệt gấm thêu hoa lên mảnh đất chữ S bằng những quần thể du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp. Và hành trình ấy chắc chắn sẽ không dừng lại ở những gì đang có.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN