Hội thảo ghi nhận sự tham gia có mặt của các đại biểu đến từ nhiều cơ quan tổ chức khác nhau như Đại diện Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại diện các Viện nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và đông đảo CBNV của tập đoàn Hanaka.
Ô nhiễm môi trường hiện nay đang là vấn nạn mang tính chất toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của mọi người và gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển của kinh tế xã hội. Do đó xử lý ô nhiễm môi trường là vấn đề mang tính cấp thiết – đặc biệt trong gia đoạn của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận chia sẻ về những giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bằng cách sử dụng các phương pháp xử lý tiên tiến hiện đại của công nghệ 4.0. Các ý kiến đáng chú ý được đưa ra tại hội thảo này là công nghệ xử lý nước thải mà công ty Goshu Koshan Việt Nam đang áp dụng trong KCN Thăng Long và công nghệ xử lý nước thải của Tập đoàn CECEP đến từ Trung Quốc.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Mẫn Ngọc Anh – Chủ tịch tập đoàn Hanaka – đã nhấn mạnh về sự cần thiết của công tác xử lý vấn nạn ô nhiễm môi trường hiện nay. Theo ông Mẫn Ngọc Anh thì hiện nay vấn đề ô nhiễm môi trường đã trở nên trầm trọng và phổ biến. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong các khu công nghiệp tập trung, các cụm công nghiệp làng nghề như CCN làng nghề Châu Khê, Đồng Kỵ, Phong Khê, Khắc Niệm, Hạp Lĩnh…sau một quá trình phát triển đã bộc lộ những điểm yếu cơ bản về công tác xử lý nước thải, nước thải không được xử lý triệt để nên đã gây ô nhiễm môi trường trong khu vực, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và gây nên những khó khăn nhất định trong công tác quy hoạch và xử lý.
Ý thức được điều đó nên công ty CP Tập đoàn Hanaka đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải cho KCN và Đô thị Hanaka với tổng vốn đầu tư 14 tỷ đồng, công suất xử lý 500 m3/ngày đêm. Công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện để có thể đưa vào sử dụng trong thời gian sắp tới. Với việc đưa vào vận hành hoạt động nhà máy xử lý nước thải này, số nước thải phát sinh trong KCN sẽ được thu gom để tiến hành xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường; góp phần hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật KCN và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, ông Mẫn Ngọc Anh cũng cho rằng: để công tác xử lý nạn ô nhiễm môi trường đạt được hiệu quả cao thì không chỉ là việc riêng của Doanh nghiệp mà cần sự tham gia vào cuộc của các cấp các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường trong sạch. Vì vậy cần phải tuyên truyền vận động để nâng cao hơn nữa ý thức và nhận thức của toàn xã hội về vấn đề này.