Giữ rừng, tăng thu nhập cho dân
Ngày 13/10/2011, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum có Quyết định số 427/QĐ-CT thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum. Qua 10 năm thành lập, đến nay Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum được hình thành, phát triển trở thành một tổ chức tài chính nhà nước, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum được thành lập nhằm mục đích huy động các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện có và phát triển rừng mới; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng hoặc có các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp.
Thực hiện chức năng và nhiệm vụ được giao, từ khi thành lập đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã có nhiều nỗ lực trong việc chủ động thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, triển khai thực hiện hiệu quả chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh theo các quy định của Nhà nước. Cụ thể: 10 năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã rà soát, trực tiếp ký 56 hợp đồng/56 cơ sở phải trả tiền DVMTR. Trong 10 năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thu được hơn 1.846 tỷ đồng từ tiền DVMTR, đã giải ngân hơn 1.685 tỷ đồng, trong đó hơn 92% số tiền chi cho gần 3.400 hộ gia đình cá nhân và 49 cộng đồng dân cư thôn cùng 32 chủ rừng tổ chức và 75 UBND các xã, thị trấn được Nhà nước giao đất, giao rừng quản lý bảo vệ.
Đánh giá về hiệu quả mang lại từ nguồn tiền của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả, ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết: Chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến đời sống của hàng nghìn người làm nghề rừng, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là cộng đồng dân cư thôn, người dân sống trong rừng, gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 10 năm qua, tổng số tiền DVMTR các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được nhận là gần 177 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm thu nhập của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, đạt gần 6 triệu đồng/hộ/năm; cộng đồng dân cư thôn khoảng 68 triệu đồng/cộng đồng/năm. Giai đoạn 2011-2020 đang có sự dịch chuyển từ giao, khoán cho hộ gia đình quản lý, bảo vệ rừng sang giao, khoán cho cộng đồng dân cư thôn quản lý bảo vệ rừng, đã phát huy vai trò của cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng. Gắn trách nhiệm song song với quyền lợi được thực hiện hợp lý, rõ ràng đã tạo động lực cho người dân ra sức bảo vệ rừng như chính ngôi nhà của mình. Từ đó, từng bước hình thành nhận thức về tầm quan trọng của rừng trong cộng đồng. Cùng đó, người dân tham gia bảo vệ rừng được cải thiện đời sống, tăng giá trị hưởng lợi trực tiếp từ rừng. Những nguồn thu trên đã góp phần tăng thu, cải thiện cuộc sống đối với những hộ nghèo, hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xã, vùng đặc biệt khó khăn; các cộng đồng dân cư thôn đã có thêm nguồn tài chính để quản lý bảo vệ rừng, đóng góp vào các chương trình phát triển hạ tầng nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toán xã hội trên địa bàn.
Lan tỏa màu xanh yêu thương
Nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng, đảm bảo cuộc sống, chia sẻ lợi ích từ nguồn DVMTR, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng là tổ chức, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác khoán bảo vệ rừng cho người dân để được hưởng lợi từ chính sách này.
Trong 10 năm qua, qua nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, số hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất giao rừng, nhận khoán bảo vệ rừng từ các đơn vị chủ được nhận tiền DVMTR tăng lên đáng kể. Đây là sự đồng thuận, ủng hộ tích cực việc bảo vệ và phát triển rừng của từ chủ rừng, địa phương, từ đó rừng được bảo vệ hiệu quả và bền vững hơn, cần phát huy trong thời gian tới.
Cùng với đó, tiền DVMTR, các cộng đồng dân cư thôn được sử dụng vào mục đích chung của cộng đồng, có sự thống nhất của toàn thể người dân trong thôn, làng. Nội dung chi tập trung vào: chi trả công cho tổ tuần tra, bảo vệ rừng; chi cho việc chung của cộng đồng; dành một phần số tiền này để hình thành quỹ phát triển sinh kế trong các cộng đồng dân cư, giúp cho các hộ dân trong cộng đồng có nhu cầu, mong muốn phát triển sản xuất vay để phát triển kinh tế hộ, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Những năm qua, thực hiện Kế hoạch truyền thông “Đồng hành cùng em đến trường”, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã in ấn thông điệp truyên truyền chính sách chi trả DVMTR gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng lên bìa vở, mũ cấp cho học sinh. Đã có hơn 1.8 triệu cuốn vở, 10.000 cái mũ gắn thông điệp quản lý, bảo vệ rừng được phát đến các em học sinh ở các xã, thị trấn nằm trong vùng cung ứng DVMTR. Những thông điệp trên được in ngắn gọn, dễ độc, dễ hiểu, dễ tuyên truyền cho các em và phụ huynh. Các cuốn vở đã nâng bước cho học sinh vùng sâu, vùng xa được đến trường. Thầy Nguyễn Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ (xã Đăk Pxi huyện Đăk Hà) cho biết: Bình quân mỗi em học sinh tiểu học tại trường được cấp 7 cuốn vở đảm bảo đủ cho các em học hết cả năm. Đây là sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho các em học sinh khó khăn mỗi khi bước vào năm học mới trong những năm qua. Cùng đó, thông điệp in trên tập vở giúp các em hiểu hơn về giá trị của việc bảo vệ và phát triển rừng; góp phần đã lan tỏa ý thức và trách nhiễm mỗi người trong việc bảo vệ rừng.
Ngoài ra, trong 5 năm gần đây, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tình nguyện và được Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum phân công giúp đỡ, xây dựng xã kết nghĩa Văn Lem, huyện Đăk Tô (xã đặc biệt khó khăn). Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa được các cán bộ, công chức, viên chức nơi đây triển khai hiệu quả. Như tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trong phát triển sinh kế tại xã; Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các Mô hình kinh tế hộ (hỗ trợ 05 hộ gia đình nuôi heo sọc dưa sinh sản; hướng dẫn 10 hộ gia đình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê; hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho hộ dân cùng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực khác
Qua 10 năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã không ngừng phấn đấu, phát huy tinh thần sáng tạo, có nhiều sáng kiến hay và hiệu quả nhằm phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan. Cụ thể, năm 2016 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ Thi đua; tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015; Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2017; Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Kon Tum giai đoạn 2015-2020 và được Chính phủ tặng Cờ thi đua năm 2020. Cùng đó, có 19 sáng kiến cấp cơ sở do Hội đồng sáng kiến của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh công nhận; 03 sáng kiến do Hội đồng sáng kiến tỉnh công nhận...
Đạt được những thành tích trên, Giám đốc và tập thể ban lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết công việc; luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào của cơ quan và công sức, trí tuệ của toàn thể ban lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum; Cùng đó, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền; sự phối hợp, tạo điều kiện của các ban ngành, đoàn thể, các đơn vị cung ứng DVMTR, các đơn vị sử dụng DVMTR và sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo quân chúng nhân dân đã góp phần cho thành công hôm nay của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum.
Ông Hồ Thành Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết thêm: phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum tiếp tục phấn đấu hơn nữa để đạt được những thành tích tốt hơn. Trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyền lợi của các chủ thể tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tích cực huy động các nguồn thu để đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho công tác bảo vệ và phát triển rừng của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm tra, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR…/.