“Thuật lãnh đạo thực thụ chính là chịu trách nhiệm về thất bại cũng như thành công. Hai thái cực đó song hành với nhau. Một người có thể phát triển kế hoạch để thành công khi và chỉ khi người đó chấp nhận rằng không có ai khác để đổ lỗi ngoài chính bản thân họ.
Thay vì hỏi “Ai đã gây ra điều này cho tôi?”, câu hỏi nên được đổi lại thành: “Tôi đã làm gì sai?”. Câu hỏi đó có giá trị xây dựng tự thân hơn rất nhiều.
Có một câu châm ngôn đã nói: “Không có gì là dễ dàng hơn, chỉ là bạn trở nên giỏi giảng hơn mà thôi”, đó là một sự thật hà khắc. Nhưng gánh vác quyền làm chủ đồng nghĩa với việc chấp nhận rằng bạn chính là căn nguyên của vấn đề. Bạn là thứ duy nhất mà bạn có thể thay đổi hoặc kiểm soát. Vậy nên, nếu có khó khăn, hãy đón nhận nó. Đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai khác.
Có niềm tin cho rằng, bằng cách tự thay đổi bản thân, bạn cũng có thể thay đổi cả môi trường xung quanh. Các nhà lãnh đạo làm được điều này có khả năng truyền cảm hứng nhiều hơn về sự trung thành và niềm tin – những yếu tố giúp các công ty thành công.
Bố tôi là người ủng hộ lý thuyết năm cấp độ của thuật lãnh đạo của John Maxwell. Ông đặc biệt tin vào cấp độ ba: mọi người không chỉ đi theo một người nào đó bởi vì họ muốn thế (ý nói những mối quan hệ sẵn có giữa họ, hay việc được coi là lãnh đạo cấp hai), mà còn vì con đường mà người dẫn đầu đã đi qua. Đạt được cấp độ này, cũng là lúc các công ty thực sự bắt đầu tạo ra thành quả.
Tại THP, chúng tôi cố gắng trao quyền cho tất cả các thành viên trong đội ngũ để họ hành động như là chủ sở hữu của doanh nghiệp: chịu trách nhiệm về những thành công cũng như những sai lầm của bản thân; giữ gìn tính thành thực và chính trực.
Nếu họ làm đúng với niềm tin mà bản thân đang theo đuổi và thẳng thắn với thực trạng tốt hay chưa tốt, họ có thể xác định chính xác các vấn đề, thúc đẩy kết quả và cải thiện năng lực làm việc.
Những nhà lãnh đạo và người lao động có tố chất này thường xây dựng được văn hóa khiêm nhường, cảm hóa được lòng người và kiến tạo được lòng trung thành. Khi người ta càng thành công, việc giữ được sự khiêm nhường và đôi chân trên mặt đất càng trở nên khó khăn hơn.
Người thành công thường thổi phồng bản thân. Đó là mảnh đất màu mỡ sản sinh ra tính kiêu ngạo và ngông cuồng, thứ tính cách dẫn lối tới những sai lầm và là đòn đau khiến người ta rơi tõm trở lại mặt đất.
Thực tế cho thấy, đóng góp lớn vào thành công của THP trong những năm đầu thế kỷ này là bối cảnh phát triển chung của đất nước Việt Nam. Nền kinh tế đang khởi sắc và tất cả các công ty đã đều đang hoạt động tốt. Nói thế không có nghĩa là bố tôi không thể thành công nếu rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ông có những đặc tính riêng giúp mang lại động lực lớn lao cho bản thân. Nhưng bố tôi luôn nhận thức được rằng, thời thế đóng vai trò lớn trong thành công của ông ấy. Chính điều đó, cộng với sự nỗ lực của mỗi con người THP, đã tạo ra thành công này" (trích dẫn từ cuốn sách ‘Vượt lên Người khổng lồ’ do bà Trần Uyên Phương đồng chắp bút).
Bà Trần Uyên Phương đã đến Ireland để khánh thành Innovation School (tạm dịch: Trường Đổi mới) thuộc Vườn ươm Tài năng Dublin vào ngày 30/10/2018.
Là Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn nước giải khát THP, Trần Uyên Phương nhận được lời đề nghị trị giá 2,5 tỷ USD từ Coca-Cola về việc mua lại công ty của gia đình cô. Nhưng Uyên Phương và bố cô đã từ chối đề nghị đó. Kể từ khi ấy, THP đã phát triển việc kinh doanh đến hơn 16 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Úc và Canada. Trần Uyên Phương không chỉ mang kiến thức chuyên môn đến cuộc giao lưu mang tên“Vượt lên Người khổng lồ” vào ngày 30 tháng 10, mà còn tham gia giảng dạy tại Innovation School để sẻ chia kiến thức của mình với những sinh viên đến từ khắp Châu Âu ở Talent Garden’s Innovation School vào những tháng sắp tới.