Theo các cổ đông Vinaconex, vấn đề minh bạch tài chính cần làm rõ nguồn vốn của Công ty TNHH An Quý Hưng, đơn vị có vốn điều lệ 360 tỷ đồng, nhưng trúng thầu đấu giá mua gần 255 triệu cổ phần Vinaconex (VCG) (tương đương 57,71% vốn điều lệ Vinaconex), trị giá lên tới 7.400 tỷ đồng, cao hơn 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Ngân hàng Nhà nước quy định: “Không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật”.
Việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định này nhằm siết chặt các tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp vay vốn mua cổ phiếu trong các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Trở lại trường hợp của Vinaconex, nếu như Công ty TNHH An Quý Hưng nhận lượng vốn lớn từ các tổ chức, cá nhân, mà không thông qua hình thức góp vốn trực tiếp, dễ dẫn tới tình trạng “thâu tóm” phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích nhóm để chi phối việc ra quyết định tại Vinaconex. Và trong trường hợp này, các cổ đông không biết ai là “ông chủ” thực sự của Vinaconex.
Bên cạnh đó, theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, người có quyết định chi phối doanh nghiệp phải công khai danh tính và các lợi ích liên quan tới các cổ đông bằng nhiều hình thức, trong đó có công khai đến đại hội đồng cổ đông tại các cuộc họp thường niên.
Được biết, với tổng tài sản khoảng 20.000 tỷ đồng như hiện nay, Chủ tịch HĐQT Vinaconex hiện được quyết tối đa tới khoảng 2.000 tỷ đồng, trong khi Tổng giám đốc được quyết tối đa khoảng 1.000 tỷ đồng. Nhưng do cả vị trí này đều là đại diện của Công ty TNHH An Quý Hưng, nên các cổ đông mong muốn minh bạch nguồn vốn của công ty này để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững, dài hạn của Vinaconex.