Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn chia sẻ: Thông qua các dự án hợp tác hỗ trợ của các quốc gia Nhật Bản, Ấn Độ, Italia, Ba Lan…sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, việc khai quật, bảo tồn và trùng tu trên cơ sở giữ nguyên giá trị cốt lõi của Di sản, giúp các tháp và nhóm tháp G, E7, K, L trong quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn lấy lại được gần như nguyên vẹn hình hài cổ xưa của mình. Việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo đúng hướng không những giúp Di sản có khả năng chống chọi với thời gian, giữ được hồn phách mà ngày càng trở nên lung linh sắc màu trong mắt bè bạn năm châu, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Lê Trung Cường chia sẻ: Trải qua 20 năm trở thành Di sản Văn hóa thế giới, công tác bảo tồn được tiếp thêm luồng sinh khí mới với sự quan tâm nhiều hơn của Đảng, Nhà nước, địa phương, cộng đồng quốc tế, nhất là các nước Pháp, Italy, Nhật Bản, Đức, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Ba Lan, Nga… đã làm thay đổi diện mạo của khu di sản này.Theo đó, từ một phế tích đến nay hình hài dáng vẻ dần được khôi phục. Từ nơi hoang vắng đến nay Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn trở thành điểm đến của hàng ngàn du khách mỗi ngày.
Di sản văn hóa của một quốc gia thể hiện bộ mặt của quốc gia. Đây không chỉ là khuyến nghị của GS-TS. Mariacristina Giamnruno - Trưởng khoa Kiến trúc và phát triển đô thị Đại học Bách khoa Milan, đồng thời cũng chính là nỗ lực của tỉnh Quảng Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.